Vấn đề nợ công, bội chi cũng như các yếu tố đang gây sức ép lên ngân sách quốc gia trong tương lai lại được đặt ra một cách đáng lo ngại, khi vào ngày 22.3 vừa qua Bộ Tài chính đã chính thức tuyên bố lộ trình chấm dứt các nguồn vốn vay ODA lãi suất thấp mà Việt Nam vẫn nhận được trong những năm qua sẽ kết thúc vào tháng 7.2017.

Việt Nam cần thận trọng trước “bẫy ODA”

Một Thế Giới | 25/03/2016, 05:10

Vấn đề nợ công, bội chi cũng như các yếu tố đang gây sức ép lên ngân sách quốc gia trong tương lai lại được đặt ra một cách đáng lo ngại, khi vào ngày 22.3 vừa qua Bộ Tài chính đã chính thức tuyên bố lộ trình chấm dứt các nguồn vốn vay ODA lãi suất thấp mà Việt Nam vẫn nhận được trong những năm qua sẽ kết thúc vào tháng 7.2017.

Việc các tổ chức quốc tế chấm dứt các khoản vay ODA ưu đãi có lãi suất thấp với Việt Nam không có nghĩa là chúng ta sẽ lâm vào tình trạng thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển, mà là sẽ buộc phải chấp nhận các khoản vay ODA có lãi suất cao hơn và thời gian hoàn trả ngắn hơn.
Nói cách khác, ODA từ sau thời điểm tháng 7.2017 sẽ trở thành một áp lực cực lớn lên ngân sách quốc gia trong tương lai. Và kịch bản mà các chuyên gia kinh tế thế giới vẫn thường xuyên nhắc nhở các quốc gia đang phát triển về điều gọi là “bẫy ODA” giờ đây đã ở rất gần Việt Nam.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, theo lộ trình thì Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ chấm dứt các khoản cho vay ODA ưu đãi với Việt Nam bắt đầu từ tháng 7.2017, và chuyển sang các khoản vay ODA dần theo hướng thị trường. Trên thực tế, xu hướng giảm dần các khoản vay ODA ưu đãi cho Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2010 sau khi Việt Nam chính thức có tên trong danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình, tức không thuộc diện được hưởng các nguồn vốn vay ODA lãi suất thấp nữa. Và trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện tại, với mức nợ công đang ở sát ngưỡng cho phép là gần 65%, cùng với thực trạng sử dụng vốn vay thiếu hiệu quả dẫn đến áp lực trả nợ ngắn hạn và trả lãi đang đè nặng lên ngân sách quốc gia hơn bao giờ hết, thì việc không còn các khoản vay ODA ưu đãi có thể khiến Việt Nam lại gần hơn với “bẫy ODA”.

Sở dĩ như thế, là vì tính đến trước năm 2010, hầu hết các khoản vay ODA mà Việt Nam nhận được từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là các khoản vay có mức độ ưu đãi rất lớn. Trong đó phần lớn là các khoản vay có lãi suất rất thấp, chỉ khoảng 0,7-0,8%, có thời hạn kéo dài từ 30-40 năm kèm thêm thời gian ân hạn. Điều này có nghĩa là áp lực trả nợ cho các khoản vay này đối với Việt Nam khá thấp, không chỉ có lãi suất thấp mà thời hạn phải trả nợ cũng khá dài, khả năng gây sức ép trả nợ ngắn hạn và lãi suất là khá thấp.
Còn sau thời điểm tháng 7.2017, các khoản vay ODA mà Việt Nam có thể nhận được sẽ khác hoàn toàn. Lãi suất sẽ tăng lên từ 2-3,5% và thời hạn cũng ngắn hơn, chỉ từ 10-25 năm. Nó có nghĩa là không những áp lực trả nợ đối với Việt Nam sẽ nặng nề hơn do thời hạn thanh toán ngắn, mà còn gây sức ép lên ngân sách quốc gia do số tiền phải chi để trả lãi suất cũng sẽ nhiều hơn từ 3-4 lần.
Đây là điều rất đáng lo ngại khi mà theo tính toán của Chính phủ và Bộ Tài chính số vốn ODA mà Việt Nam cần vay để phát triển kinh tế trong giai đoạn tới còn nhiều hơn gấp bội, trong khi ngưỡng nợ công quốc gia đang ở sát giới hạn cho phép. Theo thống kê, trong giai đoạn 10 năm qua từ 2005-2015 tổng số vốn vay ODA và vay ưu đãi mà Việt Nam ký kết là vào khoảng 45 tỉ USD; trong khi đó theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành địa phương vào đầu năm nay thì tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA trong giai đoạn 2016-2020 lên tới 39,5 tỉ USD, tức là gần gấp đôi giai đoạn những năm vừa qua. 
Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có nguy cơ phải đối mặt với việc phải gánh chịu một khoản nợ khổng lồ cần phải chi trả. Vì với tốc độ vay trung bình trong thời gian qua là 4,5 tỉ USD/năm mà nợ công của Việt Nam đã ở sát ngưỡng cho phép là 65%, thì khi mà tốc độ vay trung bình trong 5 năm tới lên đến gần 8 tỉ USD/năm mà lại với lãi suất cao từ 3-4 lần và thời gian trả nợ ngắn chỉ còn khoảng một nửa, thì không ai có thể tưởng tượng một kịch bản tồi tệ đến mức nào nếu chúng ta vẫn tiếp tục có mức độ sử dụng vốn vay kém cỏi như hiện tại.

Đây chính là nguy cơ mà các chuyên gia kinh tế thế giới vẫn thường cảnh báo các quốc gia đang phát triển với tên gọi là “bẫy ODA”. Nguy cơ này diễn ra với các nước đang phát triển ký kết và huy động quá nhiều các khoản vay nước ngoài với quy mô lớn, trong khi mức độ sử dụng nguồn vốn vay lại quá kém cỏi. Tình trạng này tích tụ trong nhiều năm dẫn đến nguy cơ về mất an toàn nợ công, thâm hụt ngân sách nghiêm trọng và mắc kẹt trong việc chi trả và thanh toán các khoản nợ nước ngoài ngày càng tăng lên theo cấp số nhân.

Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang có hầu hết các dấu hiệu cho thấy “bẫy ODA” đã ở rất gần nền kinh tế. Trước hết, nợ công quốc gia đang ở mức trên 62% và đã ở sát ngưỡng cho phép là 65%. Quy mô thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và lãi suất ngày càng nhiều và chiếm một tỷ lệ ngày càng lớn trên ngân sách quốc gia.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì con số trả nợ trong năm 2015 chiếm khoảng 16% tổng thu ngân sách, con số này sẽ tăng lên mức hơn 24% tổng thu ngân sách trong năm 2016 theo dự kiến. Điều này có nghĩa là khoảng 1/4 ngân sách quốc gia sẽ được dành để trả nợ hàng năm, và nó đang khá chính xác với cảnh báo mà WB đã đưa ra cách đây không lâu rằng gánh nặng trả nợ ngắn hạn và lãi suất đang đè nặng lên ngân sách và làm hao mòn các khoản chi cần thiết dành cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), thì việc Việt Nam sẽ ngày càng phải bỏ ra nhiều hơn để chi trả các khoản nợ và lãi suất sẽ ngày càng tăng lên, chứ không có xu hướng giảm trong ít nhất là gần 10 năm tới.
Ông Long cho biết: “Tôi tính toán dòng tiền và từng khoản nợ hiện nay của Việt Nam, thời điểm phải trả nhiều nhất rơi vào khoảng năm 2022-2025, từ nay đến 2020 vẫn chưa phải là nhiều”. Điều này có nghĩa là mức chi trả nợ lên đến 24% tổng thu ngân sách năm 2016 theo dự kiến vẫn chưa phải là ngưỡng cao nhất, và thậm chí là trong 10 năm tới tỷ lệ này sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần.
Đây thực sự là một viễn cảnh đáng lo ngại, và nếu thực sự xảy ra thì việc Việt Nam có thể tránh khỏi cái “bẫy ODA” là gần như không thể. Với tốc độ vay trung bình tăng gấp đôi (gần 8 tỉ USD/năm trong giai đoạn 2016-2020 so với 4 tỉ USD/năm trong giai đoạn 2005-2015), lãi suất cao hơn từ 3-4 lần và thời hạn trả nợ ngắn hơn 2 lần, thì rõ ràng là gánh nặng lên nợ công quốc gia lẫn ngân sách quốc gia trong tương lai là cực lớn, lớn gấp nhiều lần mức hiện tại mà theo nhiều chuyên gia cũng đang là quá nặng nề.
Một khi đã rơi vào “bẫy ODA”, với nợ công vượt trần còn ngân sách thì phải chi phần lớn ra để trả nợ thay vì đầu tư cho phát triển kinh tế thì dù Việt Nam có gia nhập bao nhiêu hiệp định thương mại đi nữa cũng sẽ vẫn mãi là một nước nghèo và chậm phát triển.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, Dantri)
Bài liên quan
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam cần thận trọng trước “bẫy ODA”