Do đặc thù công việc nên nhiều nhà khoa học nữ ít được mọi người biết đến. Tuy nhiên, những nghiên cứu của họ đã có đóng góp rất lớn và làm thay đổi thế giới của chúng ta.

7 nhà khoa học nữ góp phần thay đổi thế giới

Long Hải | 08/03/2021, 22:10

Do đặc thù công việc nên nhiều nhà khoa học nữ ít được mọi người biết đến. Tuy nhiên, những nghiên cứu của họ đã có đóng góp rất lớn và làm thay đổi thế giới của chúng ta.

Theo UNESCO, chỉ có khoảng 30% các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới là phụ nữ. Tuy nhiên, những phụ nữ làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học thường được trả lương thấp hơn so với đồng nghiệp nam của họ.

Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu nhưng những nhà khoa học nữ này vẫn miệt mài với công việc của mình. Để đánh dấu Ngày quốc tế phụ nữ, hãy cùng điểm qua một số ít nhà khoa học nữ có những đóng góp giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Rachel Carson, nhà sinh học biển người Mỹ

Rachel Louise Carson sinh năm 1907 tại vùng nông thôn Springdale, bang Pennsylvania. Bà là nhà động vật học và sinh học biển tại Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã Mỹ trong 16 năm.

Rachel Carson được ghi nhận là người đã phát động phong trào bảo vệ môi trường toàn cầu, một phần nhờ vào cuốn sách “Silent Spring” (Mùa xuân vắng lặng) nói về tác hại của thuốc trừ sâu.

sinh-hoc.jpg
Ảnh chụp bà Rachel Louise Carson lúc khoảng 55 tuổi vào năm 1961 - Ảnh: Getty Images

Christa Kelleher, giáo sư tại Đại học Syracuse nói: “Khi nói đến việc xác định một cá nhân đã thay đổi bộ mặt của khoa học và cuộc sống của chúng ta, tâm trí của tôi ngay lập tức nghĩ đến Rachel Carson.

Di sản của Carson giúp chúng ta nhận ra những tác động sâu sắc của môi trường đối với cuộc sống. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh ngày nay khi thế giới phải chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Tu Youyou, nhà nghiên cứu y học và y hóa Trung Quốc

Bệnh sốt rét là một vấn nạn y tế công cộng, gây nạn cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Năm 1969, Mao Trạch Đông giao cho nhà khoa học Tu Youyou (Đồ U U) dự án bí mật có mã số “523”, nhiệm vụ là tìm thuốc chống sốt rét.

Đồ U U lúc đó 39 tuổi, là dược sĩ đang công tác tại Viện Y học cổ truyền Trung Quốc. Bà đã tìm trong cổ thư y học của Trung Quốc và phát hiện một đoạn viết về cách dùng thảo dược ở Hải Nam để điều trị sốt rét.

Sau đó, Đồ U U và cộng sự tìm ra một loại cây ngải (Artemisia annua) dùng để điều trị sốt rét. Sau khi thử nghiệm thêm về tính an toàn, Artemisinin được triển khai rộng rãi với những hiệu quả bất ngờ.

uu.jpg
Năm 2015, Đồ U U chính thức được vinh danh và ghi nhận qua giải thưởng Nobel Y sinh - Ảnh: Getty Images

Công trình của Đồ U U không được nhiều người trong thế giới khoa học biết đến vì là dự án bí mật. Mãi đến khi các đồng nghiệp Mỹ và phương Tây có dịp tương tác với giới khoa học Trung Quốc thì mới biết đến thành công của bà Đồ U U.

Năm 2011, bà được trao giải thưởng danh giá Albert Lasker của Mỹ. Đến năm 2015 thì bà chính thức được vinh danh và ghi nhận qua giải thưởng Nobel Y sinh. Bà là nhà khoa học quốc tịch Trung Quốc đầu tiên được trao giải Nobel.

Kizzmekia Corbett, nhà miễn dịch học người Mỹ

Kizzmekia S. Corbett sinh năm 1986 tại Hurdle Mills, North Carolina, Mỹ. Cô theo học sinh học và xã hội học tại Đại học Maryland, dành thời gian giữa phòng thí nghiệm và theo dõi tình hình sức khỏe tại các cộng đồng. Corbett nhận bằng tiến sĩ tại Đại học North Carolina - Chapel Hill năm 2014.

Hiện nay, cô là thành viên nghiên cứu cấp cao kiêm trưởng nhóm khoa học về vắc xin coronavirus và nhóm sinh miễn dịch tại Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH). Đây là cơ quan đồng phát triển vắc xin COVID-19 Moderna đã được tiêm cho hàng triệu người trên thế giới.

tong-thong.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) nghe Tiến sĩ Kizzmekia S. Corbett (phải) thuyết trình khi ông tham quan phòng thí nghiệm của Viện Y tế quốc gia ở Bethesda, Maryland, vào ngày 11.2 - Ảnh: AFP

Corbett để tâm tới coronavirus (SARS và MERS) từ khi gia nhập Trung tâm nghiên cứu vắc xin của NIH hồi năm 2014, nhưng mới đi vào nghiên cứu chuyên sâu khi COVID-19 bùng phát hồi cuối năm 2019.

Bác sĩ Andrew Ward, giáo sư tại Viện Scripps, cũng là thành viên nhóm nghiên cứu phụ trách về thiết kế vắc xin và lập mô hình nguyên tử, cho biết: “Cô ấy thật sự là hiện thân của quá trình nghiên cứu tìm cho ra vắc xin, có thể chưa phải là tốt nhất nhưng phải hữu hiệu trước nhu cầu cấp bách. Cô ấy dành nhiều giờ liền cho công trình, tại một thời điểm khá nhiều sức ép trong sự nghiệp, nhưng với sự tập trung hết sức kinh ngạc”.

Barbara McClintock, nhà di truyền học tế bào

Barbara McClintock (sinh năm 1902) là một nhà khoa học và di truyền học tế bào người Mỹ. Bà nhận bằng tiến sĩ thực vật học từ Đại học Cornell vào năm 1927. Tại đây bà bắt đầu sự nghiệp và trở thành người tiên phong nghiên cứu di truyền học tế bào của ngô.

Những năm 1930, McClintock nghiên cứu nhiễm sắc thể của ngô và sự thay đổi của chúng trong quá trình sinh sản. Bà là người đầu tiên lập ra bản đồ di truyền của ngô, trong đó có chỉ rõ các vùng nhiễm sắc thể liên hệ với các tính trạng cụ thể. McClintock được công nhận là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

di-truyen.jpg
Nhà di truyền học từng đoạt giải Nobel - Barbara McClintock chụp ảnh vào năm 1980 - Ảnh: Getty Images

Trong hai thập niên 1940 và 1950, McClintock phát hiện sự chuyển vị của các gien và vai trò “bật” và “tắt” của một số gien quy định tính trạng cụ thể. Công trình được công bố đầu tiên của bà về vấn đề này là từ năm 1948, nhưng không ai tin vì trái ngược hẳn với các quy luật Mendel và học thuyết di truyền nhiễm sắc thể đang “thống trị” đương thời. Do sự hoài nghi về nghiên cứu của bà và những tác động của nó, McClintock đã ngừng công bố dữ liệu của mình vào năm 1953.

Sau đó, bà đã thực hiện một nghiên cứu sâu rộng về di truyền học tế bào (cytogenetics) và thực vật dân tộc học (ethnobotany) của các giống ngô từ Nam Mỹ. Nghiên cứu theo hướng này của McClintock đã được hiểu rõ trong những năm 1960 và 1970, khi các nhà khoa học khác xác nhận cơ chế thay đổi di truyền và điều hòa gien mà bà đã chứng minh trong nghiên cứu trước đó.

Năm 1983, McClintock mới được nhận giải Nobel về Sinh lý học và Y khoa, lúc đó đã ở tuổi 80. Phát hiện gien nhảy của bà đã đi trước thời đại hơn 30 năm nên cho tới nay bà là người phụ nữ duy nhất nhận giải Nobel Y học mà không phải chia sẻ cùng người khác.

Susan Band Horwitz, nhà hóa sinh người Mỹ

ung-thu.jpg
Susan Band Horwitz đã giúp phát triển một loại thuốc điều trị ung thư - Ảnh: Đại học Y khoa Albert Einstein

Susan Band Horwitz là giáo sư danh dự tại khoa Dược phân tử thuộc Đại học Y khoa Albert Einstein. Bà được biết đến với việc lấy các phân tử từ thế giới tự nhiên để tạo ra phương pháp điều trị ung thư.

Bà đã đóng góp vào sự phát triển của loại thuốc Taxol có nguồn gốc từ cây thủy tùng. Đây là loại thuốc được FDA chấp thuận sử dụng để điều trị hơn một triệu bệnh nhân mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư phổi.

Marina Holz, giáo sư sinh học tế bào và giải phẫu học tại Đại học Y New York, nói với Newsweek rằng Horwitz đã cứu được “vô số sinh mạng” nhờ công việc của mình.

Sally Ride, phi hành gia và nhà vật lý học người Mỹ

Sally Kristen Ride sinh ngày 26.5.1951 tại Los Angeles, California. Bà là nhà vật lý học người Mỹ và nhà du hành vũ trụ của NASA. Ride gia nhập NASA năm 1978 và năm 1983, bà trở thành người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên và trẻ nhất du hành vào không gian ở tuổi 32.

Năm 1987, bà rời khỏi NASA để tới làm việc hai năm tại Trung tâm An ninh và Kiểm soát vũ khí quốc tế thuộc Đại học Stanford, sau đó là giáo sư vật lý tại Đại học California, San Diego. Công việc của bà chủ yếu nghiên cứu quang học phi tuyến và tán xạ Thomson. Bà phục vụ trong ủy ban điều tra về thảm họa tàu con thoi Challenger và Columbia.

phi-hanh-gia.jpg
Năm 1983, Sally Ride trở thành người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên và trẻ nhất du hành vào không gian ở tuổi 32

Khi bà mất năm 2012, Tổng thống Barack Obama cùng phu nhân Michelle đã gửi lời chia buồn sâu sắc: “Là người phụ nữ đầu tiên của Mỹ bay vào vũ trụ, Sally là anh hùng quốc gia và là một hình mẫu mạnh mẽ. Bà là nguồn cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ theo đuổi giấc mơ vươn tới các vì sao. Cuộc đời Sally cho chúng ta thấy không hề có giới hạn cho những gì chúng ta có thể đạt được”.

Tháng 11.2013, bà được truy tặng Huân chương Tự do Tổng thống.

Isabella Akyinbah Quakyi, nhà miễn dịch học

Isabella Quakyi là một học giả và một bác sĩ người Ghana. Bà đã cống hiến sự nghiệp kéo dài 4 thập kỷ để giải quyết bệnh sốt rét, trên các lĩnh vực bao gồm miễn dịch học và phát triển vắc xin. Bà hiện là giáo sư miễn dịch học và ký sinh trùng của Đại học Ghana.

mien-dich.jpg
Hình ảnh Quakyi khi đang làm việc

Năm 2019, Quakyi giành được Huy chương Clara Southmayd Ludlow của Hiệp hội Y học nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ cho công trình nghiên cứu về y học nhiệt đới. Quakyi đã giúp phát triển thứ được gọi là vắc xin peptide, một phần bằng cách nhân bản một loại protein do ký sinh trùng sốt rét tiết ra.

Bà đã xuất bản hơn 80 bài báo trên 100 tạp chí, đồng thời tham gia vào một số ủy ban, hội đồng quốc gia và quốc tế, bao gồm cả với tư cách là Chủ tịch UNESCO về phụ nữ trong Khoa học và Công nghệ ở khu vực Tây Phi.

Bài liên quan
'Vì cuộc sống tốt đẹp hơn': 15 năm, 15.000 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được đào tạo nghề miễn phí
Trong 15 năm qua, một chương trình được sáng lập tại Việt Nam đã truyền cảm hứng và giúp 15.000 phụ nữ có cuộc sống khó khăn, ở vùng sâu vùng xa, được tiếp cận với ngành làm đẹp, đặc biệt giúp họ có công việc và thu nhập ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
7 nhà khoa học nữ góp phần thay đổi thế giới