Từng được mệnh danh như người thừa kế xứng tầm của “phù thủy” Steven Spielberg, M. Night Shyamalan là cái tên mà bất kì fan phim kinh dị Mỹ nào cũng từng nhắc đến.

7 tác phẩm tạo nên tên tuổi 'phù thuỷ' phim kinh dị M. Night Shyamalan

nhu y | 21/02/2017, 08:36

Từng được mệnh danh như người thừa kế xứng tầm của “phù thủy” Steven Spielberg, M. Night Shyamalan là cái tên mà bất kì fan phim kinh dị Mỹ nào cũng từng nhắc đến.

Tài năng viết kịch bản, sản xuất và thậm chí diễn xuất của vị đạo diễn kiêm biên kịch gốc Ấn đã giúp mang lại ‘làn gió mới’ thú vị nơi kinh đô điện ảnh Hollywood trong gần 2 thập niên trở lại đây. Từ The Sixth Sense, Signs đến Lady in the Water, và mới nhất là siêu phẩm Split; “sắc màu” kinh dị riêng của Shyamalan hiện hữu rõ nét nơi top 7 đề cử sau.

1. The Sixth Sense - 1999 (“Giác quan thứ sáu”)

The Sixth Sense do chính Shyamalan viết kịch bản và dựng phim, được xem như ‘cú hit phòng vé’ đầu tiên của đạo diễn người Ấn. Tác phẩm là câu chuyện về Malcolm Crowe - một bác sĩ tâm thần chuyên làm việc với trẻ nhỏ. Ông vô tình tiếp xúc với Cole, bé trai tự nhận mình có thể nhìn thấy linh hồn người chết. Crowe và Cole cùng tham gia một “hành trình” tìm kiếm giá trị cho cuộc sống, đồng thời, cho cả cái chết. Mạch phim nhẹ nhàng nhưng không rời rạc, trầm lặng nhưng lại thôi thúc người xem theo dõi đến phút cuối. Sự lột tả nhân vật thông minh, cách lật mở cốt truyện ý nhị, giúp bộ phim để lại nhiều ấn tượng ám ảnh khó quên.

Góp mặt đóng chính trong The Sixth Sense có ngôi sao phim hành động - Bruce Willis và thần đồng Hollywood một thời - Haley Joel Osment. Ra rạp tháng 8 năm 1999, tác phẩm từng vinh dự góp mặt trong danh sách đề cử Oscar và Quả Cầu Vàng năm 2000; với 2 đề cử quan trọng là Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc nhất, đều dành cho Shyamalan.

2. Unbreakable - 2000 (“Không thể quật ngã”)

Unbreakable ‘đánh dấu’ sự hợp tác tiếp nối giữa Shyamalan và tài tử Bruce Willis. Bộ phim không được chú ý nhiều như The Sixth Sense, nhưng nếu bạn hâm mộ thể loại tội phạm kinh dị, đây chắc chắn là gợi ý hấp dẫn không thể bỏ lỡ.

Kịch bản Unbreakable miêu tả cuộc đấu tranh tinh thần dai dẳng của 2 nhân vật chính: David Dunn (Bruce Willis thủ vai) và Elijah Price (Samuel L. Jackson thủ vai). Họ đại diện các thái cực đối nghịch: mạnh và yếu, may mắn và bất hạnh, ước mơ và hiện thực. Dunn, kẻ “không thể bị quật ngã” - vị anh hùng bất đắc dĩ, phải miễn cưỡng học cách đối diện với chính mình khi gặp gỡ Price, người đàn ông khốn khổ sớm bị bệnh tật bủa vây. Phim truyền tải thông điệp sâu sắc về định nghĩa “anh hùng,” lòng dũng cảm, cũng như đức tin con người.

Phát hành cuối năm 2000, Unbreakable đạt tổng doanh thu đáng kinh ngạc, gần 250 triệu USD. Năm 2011, tác phẩm có mặt trong danh sách top 10 phim điện ảnh siêu anh hùng hay nhất mọi thời đại (tạp chí Time bình bầu). Split - tuyệt tác tâm lý kinh dị mới nhất do Shyamalan chấp bút, hiện đang “gây bão” tại phòng vé quốc tế, chính là hậu truyện của Unbreakable.

3. Signs - 2002 (“Dấu hiệu”)

Hai năm sau thành công từ Unbreakable, Shyamalan tiếp tục chinh phục khán giả nghệ thuật thứ 7 với Signs - tác phẩm kinh dị đến nay vẫn để lại dấu ấn đẹp trong giới hâm mộ điện ảnh. Phim nói về những trải nghiệm ‘có một không hai’ của gia đình mục sư Graham Hess (Mel Gibson thủ vai), khi họ buộc phải đụng độ toán người ngoài hành tinh đang tham vọng tấn công trái đất. Không “rãi đầy” cảnh hành động nảy lửa, không hiệu ứng hoành tráng, sức hút của Signs đến từ kịch bản nhân văn và cách dựng cảnh thông minh, tạo hình nhân vật có chiều sâu đặc thù. Đằng sau từng phân đoạn rùng rợn, ẩn chứa không ít bài học thi vị về niềm tin cuộc sống và tình thân gia đình. Có thể nói, Signs đã đánh dấu ‘bước ngoặt’ mới trong sự nghiệp Shyamalan, giúp “thiên tài” gốc Ấn thực sự khẳng định tên tuổi như một nhà làm phim độc lập, cá tính.

Shyamalan nổi danh là biên kịch và sản xuất giỏi kiếm tiền. Nếu từng thu được lợi nhuận hơn 3 lần kinh phí sản xuất với Unbreakable, đến Signs, ông lập kỉ lục doanh thu gấp 5! Phim “gom về” 408 triệu USDdoanh thu toàn cầu, kèm theo 30 đề cử giải thưởng điện ảnh trong lẫn ngoài lãnh thổ Mỹ. Tác phẩm còn trở thành một ‘hình mẫu’ mới tiêu biểu cho phong cách phim kinh dị về đề tài sự sống ngoài trái đất.

4. The Village - 2004 (“Ngôi làng”)

Truyện phim kể về làng Covington tách biệt tọa lạc trong khu vực Pennsylvania, nơi mà dân cư luôn bị ám ảnh về con quái vật ghê rợn ẩn náu quanh khu rừng gần đó. Tuy nhiên, chính lòng tin mù quáng, thói ích kỷ và tham vọng của một số người mới là thứ thật sự biến ngôi làng yên bình thành chốn địa ngục. Để đến kết phim, khán giả dần nhận ra, “quái thú” kia lại chẳng ghê sợ bằng con người.

Điểm riêng thú vị ở The Village, đến từ vô số tiếp nhận trái chiều khi phim ra mắt. Kịch bản gốc tới nay vẫn phải đón nhận phê bình. Sự thách thức đức tin, chủ đề quen thuộc trong hầu hết phim điện ảnh mang dấu ấn Shyamalan, đã gây nên tranh cãi liên tục cũng vì tác phẩm này. Nhưng dẫu ‘người khen kẻ chê’ thế nào, năm 2004, với The Village, đạo diễn người Ấn cũng “thu hoạch” thêm 21 đề cử giải thưởng tại Anh, Mỹ và Úc.

5. Lady in the Water - 2006 (“Cô gái dưới nước”)

Nàng Ivy dũng cảm của The Village, Bryce Dallas Howard, tiếp tục góp mặt trong sản phẩm kinh dị viễn tưởng sau đó của Shyamalan - Lady in the Water. Phim khai thác ý tưởng từ truyền thuyết về một bộ tộc chỉ sống dưới nước. Nhân vật chính Story (Bryce Dallas Howard thủ vai) là hậu nhân sau cùng của họ. Cô ẩn mình dưới… hồ bơi một căn chung cư nhỏ ở Philadelphia. Ngày nọ, Story nhìn thấy và kết bạn với Cleveland Heep (Paul Giamatti thủ vai), quản lý tòa chung cư. Ông cùng một số người tốt sinh sống tại đây nỗ lực giúp cô gái gặp được Chim Xanh, linh thú khổng lồ sẽ đưa cô về quê nhà. Thế nhưng, trong khi chờ đợi chim thần đến, Story buộc phải đối diện một sinh vật đáng sợ.

Lady in the Water là tác phẩm độc đáo mà ‘nên thơ’ - hệt như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Phim tái dựng bầu không khí kì bí của thần thoại châu Á về tiên cá và quỷ dữ. Yếu tố rùng rợn ở đây không làm khán giả quá khiếp đảm, mà phần nhiều mang tính chiêm nghiệm, suy ngẫm. Câu chuyện về Story có thể làm bạn lắc đầu khó hiểu, cũng có thể khiến bạn phải rơi nước mắt.

6. The Visit - 2015 (“Chuyến viếng thăm”)

Bạn sẽ làm gì khi ông bà bạn rất mực yêu quý bắt đầu có những hành vi kì lạ, thậm chí là… bạo lực? Sau gần 10 năm vắng bóng với gần như không một tác phẩm kinh dị đáng chú ý nào, M. Night Shyamalan cuối cùng “tái xuất” ngoạn mục với The Visit. Phim theo phong cách found footage (sử dụng camera cầm tay), lấy bối cảnh ở một ngôi làng trên núi, thuật lại kì nghỉ đông của chị em Becca (Olivia DeJonge thủ vai) và Tyler (Ed Oxenbould thủ vai). Không có cha mẹ đi cùng, 2 đứa trẻ quyết định tự mình tới thăm nhà ông bà ngoại, để rồi vô tình khám phá một sự thật kinh hoàng liên quan đến chính ông bà chúng.

Bắt đầu từ kinh phí ‘khiêm tốn’ 5 triệu USD, phim thu về lợi nhuận gần 100 triệu và nghiễm nhiên có mặt trong hàng loạt bình chọn phim điện ảnh nổi bật nhất năm 2015. The Visit không những đã thành công mang đến trải nghiệm lôi cuốn cho người xem, mà còn giúp Shyamalan khẳng định bước phát triển mới trong xây dựng kịch bản, nhân vật.

7. Split - 2017 (“Phân cách”)

Ngay sau khi The Visit được đón nhận tích cực, cuối năm 2016, Shyamalan cho ra mắt tuyệt phẩm tiếp theo mang ‘thương hiệu’ của riêng ông - Split. Cốt truyện xoay quanh Kevin Crumb (James McAvoy thủ vai), bệnh nhân tâm thần ẩn chứa tất cả 23 nhân cách phân liệt, với một nhân cách ghê rợn thứ 24. Kevin bắt cóc 3 cô gái trẻ, nhốt họ trong một căn hầm với mục đích mờ ám. Nỗ lực chạy trốn sau đấy đưa đẩy 3 nhân vật gặp gỡ lần lượt từng “Kevin” khác nhau, và giúp họ khám phá câu chuyện thật sự đang chôn giấu.

Split - lên ý tưởng kịch bản và hoàn thiện bởi chính Shyamalan, đã ‘khai thác’ khéo léo phạm trù kinh dị kỳ thú và đặc biệt nhất, thể hiện nỗi sợ hãi cực độ nằm sâu nơi tâm trí con người. Phim có không ít trường đoạn cao trào ấn tượng, đi cùng lối diễn lột tả xuất chúng của ngôi sao James McAvoy. Tính đến thời điểm này, tác phẩm đang là “hiện tượng” phòng vé đầu năm 2017, với doanh thu quốc tế đã ‘cán mốc’ 100 triệu USDchỉ sau 3 tuần công chiếu. Tạp chí danh tiếng Forbes nhận định, Split lần nữa cho thấy chỗ đứng thật sự của Shyamalan, nhà làm phim tài hoa từng được mệnh danh như ‘Spielberg kế tiếp’ của điện ảnh Mỹ.

Như Ý

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
7 tác phẩm tạo nên tên tuổi 'phù thuỷ' phim kinh dị M. Night Shyamalan