Do tác động của đại dịch COVID-19, quý 1/2021 có hơn 9 triệu người bị tác động tiêu cực, trong đó có 540 nghìn người bị mất việc.

9 triệu người lao động bị liêu xiêu, nửa triệu người mất việc trong quý 1

Lam Thanh | 16/04/2021, 15:51

Do tác động của đại dịch COVID-19, quý 1/2021 có hơn 9 triệu người bị tác động tiêu cực, trong đó có 540 nghìn người bị mất việc.

Thông tin này được đưa ra trong báo cáo về tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động - việc làm quý 1/2021 do Tổng cục Thống kê vừa công bố.

lao-dong.jpg
Hơn 9 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực - Ảnh: Dân Trí

Ở nước ta, dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đã tác động đến tình hình lao động - việc làm của cả nước; ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý 1.

Kết quả điều tra lao động - việc làm quý 1/2021 ghi nhận số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thu nhập của người lao động có tăng nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ trước khi có dịch.

Theo báo cáo, trong quý 1/2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 - 54 chiếm gần 2/3.

Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 540.000 người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, 6,5 triệu người lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.

Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% ở khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.

Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này.

Xét theo 3 khu vực, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động cho biết chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ 2 là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2021 là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

So sánh với quý trước, sự sụt giảm của lực lượng lao động là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch do tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi” của nhiều lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ngay trước Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước.

Thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng lao động năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lực lượng lao động quý 1/2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200 nghìn người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600 nghìn người.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho hay dịch COVID-19 cũng góp phần thay đổi thói quen làm việc, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin của người lao động nhằm thích nghi với các diễn biến khó lường của đại dịch.

Kết quả điều tra cho thấy, trong quý 1/2021 có hơn 78 nghìn lao động cho biết do đại dịch COVID-19 nên họ đã chuyển đổi từ việc không ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sang có ứng dụng CNTT trong công việc của mình.

Kết quả điều tra cũng cho thấy mặc dù số người có việc làm giảm nhưng số phụ nữ có việc làm lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng này ở phụ nữ chủ yếu là tăng về số người có việc làm phi chính thức khiến tỷ lệ lao động phi chính thức của nữ giới tăng mạnh hơn so với nam giới (2,5 điểm phần trăm so với 1,2 điểm phần trăm).

“Đây có thể là do tác động của yếu tố giới khi tham gia thị trường lao động dưới tác động của đại dịch COVID-19: nữ giới dễ thỏa hiệp và không có nhiều cơ hội lựa chọn các công việc khi tham gia thị trường lao động so với nam giới, họ bắt buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định hơn, miễn là có thể đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình”, báo cáo nêu.

Cũng theo báo cáo này, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 1/2021 đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339 nghìn đồng so với quý trước và tăng 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 5,2 triệu đồng); thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị cao hơn 1,5 lần lao động khu vực nông thôn (tương ứng 7,9 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).

Mặc dù thu nhập bình quân chung tăng nhưng mức tăng này không đều giữa các ngành. Một số ngành vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và thu nhập của lao động trong ngành đó bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Đó là các ngành: nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 5,2% (giảm 359 nghìn đồng); vận tải kho bãi giảm 2,7% (giảm 234 nghìn đồng).

Thu nhập bình quân tháng của người lao động làm công ăn lương quý 1/2021 đạt 7,2 triệu đồng, tăng 556 nghìn đồng so với quý trước và tăng 132 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động nam có thu nhập bình quân cao gấp 1,2 lần lao động nữ (7,6 triệu đồng so với 6,6 triệu đồng).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
32 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
9 triệu người lao động bị liêu xiêu, nửa triệu người mất việc trong quý 1