Những tưởng cuộc sống bà cam chịu và cố đi cùng người chồng suốt cả cuộc đời, ngờ đâu trớ trêu thay người chồng lại nhẫn tâm “rao bán”… chính bà, ôm số tiền lớn bỏ đi và giao bà lại cho 1 người đàn ông xa lạ.
Hồng nhan bạc phận
Căn nhà nhỏ cạnh cánh đồng ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận (H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang), là nơi bà Nguyễn Thị Hường (Năm Hường, 45 tuổi) sinh sống. Sinh ra trong 1 gia đình nghèo khó ở Lấp Vò (Đồng Tháp), đến tuổi đôi mươi, bà Năm Hường cùng xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Chiến (hiện 50 tuổi). Tưởng cuộc sống nghèo nhưng cũng hạnh phúc, nhưng ngờ đâu, khi về chung sống, ông Chiến lộ “nguyên hình” là 1 người chồng vô trách nhiệm, lười lao động.
Một tay bà Năm Hường phải gánh vác cuộc sống gia đình, nhất là sau khi sinh đứa con gái. Trong một lần đi bán vé số, bà Năm Hường vô ýbị cành cây quẹt trúng mắt. Do không có tiền để điều trị kịp thời, chỉ nhỏ nước muối sát trùng theo kiểu dân gian… nên đôi mắt bị nhiễm trùng, bà bị mù vĩnh viễn. Bóng tối cuộc đời ập đến với bà.
Và từ lúc bà Năm Hường bị mù, ông Chiến càng lún sâu vào rượu chè. Mỗi khi có rượu, là bà bị những trận đòn roi khủng khiếp, bởi chồng bà cho rằng bà đã trở thành gánh nặng của gia đình, không thể kiếm tiền cung phụng cho ông. Nhưng bà cam chịu tất cả...
Năm 2010, bà và ông Chiến rời bỏ Lấp Vò về ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang, sinh sống. Khi mới về vùng đất mới này, ông Chiến có một chút thay đổi. Ông biết phụ vợ bán vé số, không còn chửi đánh bà và ít uống rượu. Bà vui mừng khôn xiết, tưởng chồng mình thay đổi.
Nhưng ngờ đâu đó chỉ qua là cái vỏ bọc bên ngoài của ông Chiến. Vì không lâu sau đó, bà nghe những người hàng xóm nói, ông Chiến đã có vợ bé. Bà Năm Hường không tin chồng mình lại đối xử với mình như thế. Một lần, chịu đựng hết nổi, bà liền hỏi chồng về lời đồn của hàng xóm, ngờ đâu ông Chiến không giải thích cho rõ mà đánh bà một trận thừa sống thiếu chết.
Từ dạo đó, ông Chiến ít về nhà, bỏ bà côi cút sống, mò mẫm trong căn nhà thiếu vắng bóng đàn ông. Cứ thế bà Năm Hường tự sống bằng những đồng tiền hàng ngày bà mò mẫm chống gậy đi bán vé số, tự giặt giũ, tự lo cho bản thân. Thấy cuộc sống khổ cực, bạc mệnh của bà Năm Hường như thế, cha mẹ bà liền cho một số vốn lớn để bà làm ăn. Đó là 3 cây vàng - tài sản lớn đối với bà, và cha mẹ mong bà tự lo cho cuộc sống côi cút của mình.
Khi hay tin bà Năm Hường có số tiền lớn trong tay, ông Chiến lập tức quay về, xin hứa sẽ sửa đổi tính tình, lo làm ăn. Vì nghe theo lời ngon ngọt của chồng, bà Năm Hường quyết định sắm chiếc tay ga cho chồng chạy lo công việc.
Căn nhà bà Hường và ông Chiến sinh sống rồi xảy ra chuyện buồn - Ảnh: Tô Văn
Thời gian sống hạnh phúc như thế trôi qua. Bỗng một hôm có người khách lạ tên là Mạnh ghé hỏi đường người… đàn bà mù, rồi làm quen với bà. Sau khi hiểu hoàn cảnh gia đình bà Năm Hường, trong những lần ghé chơi mà không có ông Chiến ở nhà, một hôm, bất ngờ ông Mạnh đặt vấn đề tình cảm! Nhưng bà không đồng ý, vì nghĩ rằng mình dù tàn tật, nhưng cũng là người đàn bà “có chủ”.
Lòng tốt hay sự sắp đặt?
Khi được ông Mạnh tỏ bày tình cảm, bà Năm Hường liền nói với chồng, như muốn chứng tỏ lòng chung thủy của mình. Tưởng đâu ông Chiến nổi trận lôi đình với người đàn ông kia, nhưng lạ thay, ông Chiến còn khuyến khích động viên bà nên tìm hiểu ông Mạnh nhiều hơn. Theo giải thích của ông, nếu có ông Mạnh, bà sẽ có người bầu bạn mỗi khi ông Chiến đi vắng.
Vào một buổi chiều khoảng giữa tháng 11.2017, ông Chiến đang ở nhà thì ông Mạnh ghé thăm bà. 2 người đàn ông chạm mặt, ông Chiến liền nói một cách cứng rắn: “Bây giờ thấy 2 người yêu nhau rồi đó, tôi sẽ giao vợ tôi cho Mạnh với điều kiện 2 người phải đưa tôi chiếc xe tay ga, chiếc nhẫn 6 chỉ, cùng 20 triệu đồng, tôi sẽ bỏ đi cho 2 người tự nhiên làm vợ chồng”.
Nghe chồng nói phũ phàng như vậy, bà Năm Hường bật khóc. Nhưng ông Mạnh liền tiến gần an ủi động viên bà, xúi bà đưa cho ông Chiến hết số tài sản đó, phần ông sẽ phụ thêm 20 triệu đồng, hẹn cuối tháng 11 đó nhờ ông Tư Mụ (ngụ cùng ấp) làm giấy tờ gồm biên nhận tài sản… giao vợ, và giấy ly hôn hợp thức hóa, thì ông Mạnh sẽ về sống chung với bà.
Từ khi làm giao kèo bằng miệng, ngay hôm sau, ông Mạnh dọn tới ở cùng bà và ông Chiến. Bà Năm phận mùa lòa, chỉ biết cam chịu. Tối đến, ông Chiến ngủ dưới bếp, nhường giường cho ông Mạnh ngủ cùng bà. Chỉ vài ngày sau đó, ông Chiến lặng lẽ rời khỏi nhà cùng với chiếc tay ga, 6 chỉ vàng kèm theo lời đanh đá: “Chúc 2 tụi mày sống hạnh phúc. Vĩnh biệt, tao đi đây!”.
“Hết tiền sẽ quay về”
Bà Năm Nho - hàng xóm của bà Năm Hường, cho biết: “Tôi có nghe ông Chiến nói 'bán vợ' cho ông Mạnh với giá 20 triệu đồng. Rồi ông Chiến “ôm” xe, ôm vàng… đi mất tiêu rồi. Ở nhà thì có 1 đứa con gái gả chồng Trung Quốc nhưng không biết lý do gì mà không gửi tiền phụ giúp bà Hường. Còn về ông Chiến thì có tính vũ phu, lười lao động sống theo “vạt áo đàn bà”. Tội nghiệp bà Năm Hường lắm chú ơi!”.
Từ lúc ông Chiến rời khỏi nhà, quên luôn lời giao kèo làm giấy chỗ ông Tư Mụ. Nhưng sau đó cũng là lúc ông Mạnh ít xuất hiện hơn. Mỗi tối, ông Chiến liên tục điện thoại khủng bố tinh thần bà: “Tao xài hết tiền là tao trở về, thì mày kêu thằng Mạnh biến ngay khỏi nhà, không thôi tao giết hết”.
Bà lo sợ, và lúc đầu chợt nghĩ, phải chăng đây là sự sắp đặt của ông Chiến để lấy tiền bà, thông qua màn kịch 'bán vợ'? Vì qua cuộc trao đổi vợ, ngoài số tài sản còn kèm theo 20 triệu đồng mà ông Mạnh hứa sẽ thêm vào, nhưng số tiền ông Mạnh hứa đưa chưa thấy, mà chỉ lấy số tiền ba mẹ cho bà làm vốn sinh nhai mất sạch.
Nhìn bà Năm Hường lặng lẽ nhóm bếp, khói bếp cay xèhòa lẫn 2 dòng nước mắt khiến những người chứng kiến phải thốt lên: “1 người đàn bà mù tội nghiệp”.
Ông Huỳnh Văn Mạnh, Phó ban Nhân dân ấp Hòa Tây B, cho biết, thông tin ông Chiến 'bán vợ', Ban Nhân dân ấp có nghe người dân truyền miệng, nhưng chưa thấy kiện tụng gì cả. Do đó, địa phương định chờ ông Chiến về thì sẽ mời gia đình ông Chiến và ông Mạnh để giáo dục răn đe, đây là vụ việc vi phạm hôn nhân gia đình. “Còn về ông Chiến thì ông này trước giờ chỉ nghiện rượu, không làm mất an ninh trật tư của địa phương”, ông nói.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là sau thời gian chung sống, ông Mạnh dường như đã cảm thông và đem lòng thương yêu bà Năm thực sự. Hiện, ông gần như ở hẳn tại nhà bà. Điều đáng cảm động là ông đã không cho bà mò mẫm đi bán vé số tiếm tiền xoay xở nữa, mà ông thay bà gánh vác tài chính. Hy vọng, đây chính là hạnh phúc cuối đời của bà.
(Tên một số nhân vật đã thay đổi)
Tô Văn