Lá đơn tập thể của hơn 10 hộ dân ở ấp Lăng Hoàng Gia (xã Long Hưng, TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang) đã được đệ trình để tố cáo hành vi ngang nhiên đập phá trụ sở ấp ngay trước thềm lễ quốc khánh (2.9.2018).
Theo trình bày của những người đứng tên, đơn đã được gởi đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang, Công an tỉnh Tiền Giang, Công an TX.Gò Công, nhưng nhiều tháng qua, mọi việc vẫn đâu còn đó.
Phá trụ sở ấp, không phá được lòng dân
Theo đơn tố cáo, trước đó trụ sở ấp Lăng Hoàng Gia vẫn đang sử dụng làm nơi lưu trữ hồ sơ, họp hội, sinh hoạt… của người dân. Ngày 29.8.2018, ông Bùi Ngọc Truyền (thường trú xã Tân Trung, TX.Gò Công) bất ngờ đưa xe cuốc đến giật sập và san bằng tất cả. Trước hành vi thô bạo này, nhiều người dân điện thoại cho các ông Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ấp… để phản ảnh việc làm ngang ngược đó và yêu cầu can thiệp.
Nhưng trong tích tắc, trụ sở có khuôn viên rộng khoảng 100m2 đã trở thành đống gạch vụn. Tất cả tài sản công của ấp, hồ sơ lưu trữ, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ… bị hất tung ra giữa trời nằm phơi nắng, hứng bụi… Đại tá QĐND Việt Nam - Võ Văn Công (đã nghỉ hưu), lắc đầu nhìn ông Truyền ứng dụng “chiến thuật”, hình thức “ngụy trang”… để “đánh úp” và “chiếm cứ” trụ sở ấp trong nháy mắt… mà ngao ngán!
Ông Nguyễn Thành Vũ, Bí thư Chi bộ ấp Lăng Hoàng Gia, ngậm ngùi: “Tui không ngờ người ta manh động đến như vậy. Họ phá dỡ trụ sở ấp mà cá nhân tui và nhiều cán bộ đảng viên khác trong ấp hoàn toàn không biết gì”.
Nền trụ sở ấp Lăng Hoàng Gia trở thành con đường mở ra giá trị mới cho thửa đất nông nghiệp nằm khuất nẻo - Ảnh: Nguyễn Tùng
Bức xúc trước hành vi mà người dân nêu trong đơn là phá hoại tài sản Nhà nước, gây rối trật tự trị an ngay trước ngày Quốc khánh, ngày 30.8, Chi ủy - Chi bộ ấp đã khẩn cấp tổ chức cuộc họp mở rộng với 9/11 đảng viên tham dự. Không có hội trường vì đã bị “cưỡng chế”, cuộc họp phải nhờ nhà ông Võ Văn Công, Chi ủy viên Chi bộ ấp Lăng Hoàng Gia để tổ chức.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến được nêu lên: ông Bùi Ngọc Truyền đã có hành vi lạm quyền, có những việc làm chưa phù hợp với pháp luật. Người dân cho biết, lý do phá trụ sở ấp là để mở đường thông ra tuyến quốc lộ 50, nâng giá trị cho khu đất nằm phía bên trong đang được ông Truyền đầu tư san lấp và phân lô bán nền.
Cuộc họp đã không tìm ra các câu trả lời: vì sao ông Truyền khinh thường cán bộ ấp Lăng Hoàng Gia và luôn cả UBND xã Long Hưng? Vì sao ông này có thể hiên ngang làm được những việc gây xôn xao dư luận như vậy? Việc đập phá trụ sở ấp vì sao phải chọn thời điểm ngay trước ngày lễ Quốc khánh, cũng không hề có kế hoạch hay họp dân lấy ý kiến và thông báo thời điểm thực hiện? Ai đã bao che, hay đứng sau tạo điều kiện, có liên quan lợi ích với ông Truyền cần phải được làm rõ.
Các ý kiến đã được tổng hợp thành văn bản gởi đến đến Đảng ủy, UBND xã Long Hưng, yêu cầu: chính quyền phải giải quyết xong vụ tranh chấp ranh đất giữa bà Nguyễn Thị Tới (ngụ TP.HCM, chủ sở hữu lô đất đang được ông Truyền đầu tư san lấp). Xác định trách nhiệm về những hư hao tài sản lưu giữ bên trong trụ sở ấp tại thời điểm bị đập phá.
Tuy nhiên, đã gần nửa năm trôi qua, những kiến nghị này chẳng những không được giải quyết mà ngay cả các thành viên dự cuộc họp đó là Bí thư Chi bộ ấp - Nguyễn Thành Vũ và Phó bí thư, Trưởng ấp - Lê Văn Mai, còn bị ông hăm dọa trực tiếp là sẽ “xử” lần lượt.
Tỉnh Tiền Giang chỉ đạo không văn bản?
Chủ tịch UBND xã Long Hưng - ông Trần Minh Tâm, nói rằng: “Đơn giản đây chỉ là việc hoán đổi trụ sở từ vị trí này sang vị trí khác, cách nhau 20m”. Sẽ rất đơn giản nếu việc làm ấy hợp chủ trương, thuyết phục được lòng dân. Nhưng tiếc là công việc mà ông cho là đơn giản này chỉ là ý muốn chủ quan của những cá nhân dùng thế lực để đối đầu và liên tục thách thức dân địa phương.
Vị trí chỉ định chuyển trụ sở ấp đến là thửa đất thuộc sở hữu cá nhân bà Nguyễn Thị Tới. Ông Tâm nói: “Nếu về vị trí mới, người ta xây cho trụ sở, nhà nước còn được lợi hơn vì diện tích tăng thêm 60m2 ”. Ông cũng khẳng định việc chuyển đổi trụ sở ấp nhằm mục tiêu làm mới bộ mặt nông thôn, chuẩn bị được công nhận xã Nông thôn mới vào 29.9.2018.
Thửa đất này làm ruộng cũng khó vì thiếu đường vận chuyển, sự hy sinh của trụ sở ấp Lăng Hoàng Gia ngẫu nhiên vì nó giúp nối liền quốc lộ? - Ảnh: Nguyễn Tùng
“Không có bất cứ lợi ích cá nhân nào nằm phía sau mục tiêu chuyển đổi vị trí trụ sở. Thửa đất nằm bên trong chỉ là đất nông nghiệp”, ông Tâm đoan chắc như vậy. Ông Tâm còn tuyên bố đây là chủ trương của tỉnh Tiền Giang, của TX.Gò Công chứ không phải xã tự ý làm. Tuy nhiên, ông Tâm không có bất cứ văn bản nào chứng minh điều ông nói là có thật.
Về những lá đơn tố cáo của tập thể người dân gửi nhiều nơi, ông Tâm nói: “Đã cho công an xác minh cụ thể để có... biện pháp với từng cá nhân!”. Liên hệ với ông Nguyễn Hữu Lợi, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX.Gò Công, ông Lợi không trao đổi trực tiếp mà hẹn sẽ trả lời bằng văn bản, kèm theo đó là các văn bản chủ trương.
2 tuần sau, PV nhận được 1 thư điện tử không tiêu đề, bên trong là bản thông báo không ghi ngày tháng, không chữ ký, con dấu của cơ quan phát hành… mà phía cuối văn bản có dòng ghi: UBND xã Long Hưng thông báo cho các ban ngành đoàn thể xã, ấp và nhân dân trong khu vực biết việc hoán đổi đất trụ sở. Ông Lợi cũng hoàn toàn không gửi văn bản nào để chứng minh việc làm khiến dân đang bức xúc là thực hiện chủ trương của tỉnh Tiền Giang.
Đến nay, tất cả cán bộ cơ sở và người dân ấp Lăng Hoàng Gia khẳng định rằng họ chưa từng được nghe triển khai bất cứ thông báo nào, hay lấy ý kiến gì liên quan tới việc chuyển đổi trụ sở nói trên. Như vậy, tới thời điểm này, UBND TX.Gò Công cũng như xã Long Hưng vẫn còn nợ người dân sự minh bạch để dân tin hơn.
Vì sao chính quyền cố che giấu sự thật?
Như đã nêu, Chủ tịch UBND xã Long Hưng, ông Tâm, khẳng định rằng, thửa đất nằm phía bên trong của bà Tới mà ông Truyền đang đầu tư san lấp là đất ruộng, không có dự án đầu tư gì, nên không thể quy kết là di dời trụ sở ấp Lăng Hoàng Gia để vun vén lợi ích cá nhân qua việc mở đường để san lấp lô đất bên trong, phân lô, bán nền.
Tuy nhiên, PV đã thu thập được 1 số hợp đồng đặt cọc mua bán nền giữa ông Truyền và một số cá nhân. Trong các hợp đồng này, vị trí mua bán ghi: tọa lạc tại ấp Lăng Hoàng Gia, Long Hưng (tức thửa đất tranh chấp mà ông Truyền đang đầu tư. Đến cuối năm 2018 ông Truyền mới đưa ra hợp đồng ủy quyền ông ký với bà Tới đề ngày 1.11.2018 để bổ sung). Quy cách nền trong hợp đồng là nền 5x20mcó giá là 300 triệu đồng. Vậy, từ những thông tin mà PV có được cho thấy ông Chủ tịch Tâm đã cung cấp thông tin sai sự thật.
Thông tin của ông Tâm cung cấp, có thật sự đúng là để trụ sở ấp được tài trợ xây mới, mở rộng thêm 60m2, đem lợi ích về cho nhà nước… hay còn gì khác hơn? Cụ thể hơn là ông hoặc còn ai khác nữa được lợi gì trong dự án phân lô bán nền của ông Truyền, để rồi ít nhiều tiếp tay trong việc san bằng trụ sở ấp Lăng Hoàng Gia mà không hỏi ý kiến dân?
Người dân nghi ngờ cả những công trình đầu tư của xã - Ảnh: Nguyễn Tùng
Và chiếu theo bảng kê chi tiết kế hoạch điều chỉnh bổ sung công trình xây dựng cơ bản 6 tháng cuối năm 2018 đã được thông qua HĐND xã lại không phải như vậy. Bảng kê vẫn có danh mục sửa chữa trụ sở ấp văn hóa Lăng Hoàng Gia gồm các hạng mục: Sơn sửa cửa sổ, thay nóc, sơn mới toàn bộ trụ sở với kinh phí dự toán là 86 triệu đồng! Người dân đang nghi ngờ trụ sở ấp Lăng Hoàng Gia (chưa tiếp nhận, sử dụng) đầu tư 1 lần phải 2 lần quyết toán?
Thực chất trụ sở mới được chỉ định di dời về là 1 căn hộ đã cũ được sửa chữa lại. Tuy nhiên, 100% cán bộ, đảng viên ở đây đều không đồng thuận sự hoán đổi này vì mang tiếng là trụ sở ấp nhưng chủ quyền đất là của bà Tới. Trụ sở cơ quan nhà nước không thể “ở đậu” trên đất tư nhân, và khu đất này đang trong tình trạng đối mặt với các vụ kiện tụng, tranh chấp kéo dài. Chính vì vậy cán bộ ấp ở đây chấp nhận đem bàn thờ Tổ quốc về nhà mình mà không đồng ý tiếp nhận trụ sở mới theo chỉ định như đã nói.
Nguyễn Tùng