Ngày 14.5, ông Trương Minh Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, phía Tập đoàn Sao Mai có báo đến Hạt Kiểm lâm H.Tri Tôn chuyện bắt được cặp rắn hổ mây lớn. Cán bộ của Hạt Kiểm lâm H.Tri Tôn đã đến kiểm tra và xác định đó đúng là rắn hổ mây.
Theo ông, từ trước đến nay ở An Giang chưa nơi nào bắt được rắn hổ mây lớn như vậy. Theo quy định, muốn nuôi nhốt phải trình báo xác định nguồn gốc thì mới được quyền nuôi nhốt. Kiểm lâm tỉnh sẽ làm việc thêm với Tập đoàn Sao Mai về vấn đề này.
Hiện cặp rắn hổ mây này đang nuôi nhốt tại Khu du lịch, Di tích lịch sử Cách mạng đồi Tức Dụp, thuộc ấp Ninh Hòa, xã An Tức, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nơi này đã được giao cho Tập đoàn Sao Mai quản lý và khai thác.
Theo quan sát, trên mình 2 con rắn hổ mây có vân như mây. Hầu hết thânmàu vàng nhạt, có khoang trắng ngắt quãng. Đây là loài được mệnh danh “đi mây về gió”. Bởi rắn có thân dài, nhóng lên cao chấm đuôi dưới đất khi di chuyển. Cặp rắn này mỗi con dài độ 7 m và nặng khoảng 30 kg/con.
Cặp rắn rất to lớn- Ảnh: Thanh Vĩnh
Anh Phạm Bảo Trân - Phó Giám đốc Dự án Điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sao Mai, cho biếtvào khoảng cuối tháng 3 vừa qua, trong lúc nhóm công nhân đang thi công công trình này dưới chân núi Cấm (còn gọi là Thiên Cấm Sơn thuộc ấp An Thạnh, xã An Hảo, H.Tịnh Biên, tỉnh An Giang) thì phát hiện cặp rắn hổ mây nàyngóc đầu từ trong hang.
Khi đó, tài xế lái xe cuốc liền chụp lấy mấy cái bao bố ném vào miệng hang và 2-3 người đang thi công công trình ném liên tục nhiều bao bố vào chỗ cặp rắn nằm, rồi chạy đến vây nhau bắt. Họ dùng tay trần chộp lấy cổ 2 con rắn, tay còn lại nắm phần đuôi.
“Đặc điểm của loài rắn là chỉ chụp được cái đầu rồi vuốt toàn thân nắm phần đuôi là nó nằm im và không cựa quậy được. Anh em bắt rắn đều biết chúng là rắn hổ mây cực độc”, anh Trân nói.
Hiện ngoài cặp rắn lớn này, còn có nhiều con rắn hổ mây nhỏ bị bắt và cũng được phía Tập đoàn Sao Mai chăm sóc.
Thanh Vĩnh