Hãy đến với vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) để cảm nhận với nghề lam lũ, nguy hiểm của những người leo cây thốt nốt.
Cây thốt nốt có tên khoa học là Borassus flabellifer. Người Khơme gọi cây này là th’nốt, dần dần dân bản địa đọc trại âm thành thốt nốt hay thốt lốt. Đây là một giống cây thuộc họ cau, phân bố chủ yếu ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Thân mọc thẳng, trơn, chiều cao trung bình của cây trưởng thành khoảng 30 mét. Trên ngọn cây có một vòm lá giống lá cọ, mọc tỏa ra như chiếc lọng.
Hoa và trái cũng mọc ở ngọn cây. Thốt nốt chịu nắng giỏi, rễ cắm sâu, có thể sống trên các vùng đất cát pha. Trái thốt nốt khi đem trồng thì ít nhất là hai năm mới nhú mầm. Xét về giá trị kinh tế, loại cây này không cho hiệu quả cao, thua xa cây dừa. Tuy nhiên, xét về mặt biểu tượng, ý nghĩa văn hóa thì thốt nốt lại vượt trội hơn hẳn các loại cây khác. Hiện nay, thốt nốt còn nhiều nhất ở vùng An Giang - Bảy Núi (Thất Sơn-PV), thuộc hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn.
Qua vài phom sóc, PV Một Thế Giới tìm đến nhà ông Chau Sum (50 tuổi, ngụ xã Châu Lăng) để tìm hiểu rõ hơn về nghề leo cây thốt nốt. Tiếp chuyện bên tách trà nóng, ông Sum cho biết nghề leo thốt nốt chỉ làm từ đầu tháng 11 âm lịch cho đến tháng 5 năm sau. Đây là thời điểm nước thốt nốt ngọt, sản lượng đường thu được sau khi nấu cũng nhiều hơn.
“Đa số những người leo thốt nốt sống theo khu vực và đông nhất là tại ấp An Lợi, xã Châu Lăng. Nhưng những người này đều thuê cây của người khác. Mỗi cây thuê với giá từ 300.000 - 400.000 đồng/năm tùy cây đực hay cây cái. Lúc trước gia đình tôi thuê khoảng 50 cây, tôi trèo từ sáng sớm đến trưa là giáp (hết- PV).
Bàn chân, bàn tay tôi chai cứng vì phải bám thân cây ngày này qua ngày nọ. Vì vậy, bắp thịt như thỏi thép, da đen bóng như trái thốt nốt già. Đây là nghề của người nghèo, những người khá hơn không ai đi leo thốt nốt vì nếu sơ suất là đổi cả tính mạng. Nhưng lúc đó gia đình nhiều miệng ăn nên nhờ nghề leo cây thốt nốt mà kinh tế gia đình tôi cũng đỡ hơn”, ông Sum chia sẻ.
Theo ông Sum, những năm về trước vùng đất này còn nghèo lắm, đất đai không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên chỉ có nghề leo thốt nốt là dễ kiếm sống. Tuy nhiên, leo thốt nốt khác với leo dừa. Tại sao khác? Vì khi leo cây thốt nốt phải chuẩn bị những cây tre có mắt lớn cột chặt vào thân cây thốt nốt làm thang. Thường người leo cây không có đồ bảo hộ lao động mà chỉ có con dao, chiếc kẹp tre và những chai nhựa.
“Sức thanh niên chỉ leo chừng vài chục cây thốt nốt trong một ngày là mỏi rã rời, nếu ráng thêm vài cây nữa sẽ rất nguy hiểm tính mạng”, ông Sum bộc bạch.
Nói xong ông Sum liền kêu PV gánh một cái thùng to tướng theo chân ông ra phía cánh đồng thốt nốt. Đến nơi, ông bảo PV đứng đợi ở dưới gốc, còn ông thì trèo thoăn thoắt lên ngọn. Cây thốt nốt thân trơn như cây cau, cây dừa nên rất khó trèo. Người ta phải buộc dọc theo thân cây những nhánh tre và bước bám chân lên đó.
Chúng tôi bắt chước trèo lên một đoạn nhưng chỉ đến độ cao chừng mười mét là chân run, tay mỏi. Bám giữa thân cây thốt nốt, nhìn lên vòm lá vẫn còn xa vời vợi, nhìn xuống mặt đất đã hun hút quả là một thử thách vô cùng nguy hiểm, đáng sợ.
Theo tìm hiểu của PV, cây thốt nốt lại cho nước từ hoa. Cuống hoa thốt nốt vươn dài chừng 20cm, bán kính khoảng 3cm. Người ta chỉ cần cắt một lát mỏng ở đầu cuốn hoa, đặt ống vào đó, sau một đêm nước sẽ rỏ ra. Mỗi cây thốt nốt người ta cắt và đặt ống khoảng mười cuống hoa, mùa bội thu mỗi cuống cho gần nửa lít nước một ngày.
Nước thốt nốt không xa lạ gì với dân bản địa. Mọi người dễ dàng thưởng thức ở các quán giải khát dọc quốc lộ 91 thuộc địa phận các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Ngày nay, người ta còn mang nước thốt nốt đến bán ở các thành phố lớn. Nhưng đó là nước đã được pha chế, đã được dùng các chất bảo quản nên không giữ được mùi vị thanh khiết như khi ta vừa mang từ ngọn cây xuống và uống ngay.
Có lẽ trên thế gian này ít có loài cây nào lại dâng hiến cả phần đời của mình cho con người trọn vẹn như cây thốt nốt. Nước thốt nốt dùng để làm đường, nấu rượu, làm nước màu hoặc uống trực tiếp giải khát. Trái thốt nốt đen bóng, chặt ra bên trong có ba múi trắng tinh, ăn thơm ngon, dẻo dai hơn trái dừa nước. Đặc biệt, trái thốt nốt chín rất thơm.
Người dân nơi đây bào xớ của trái chín, lấy chất bột bào được ủ men làm thành món bánh bò thốt nốt. Thân cây thốt nốt thì dùng làm cột nhà, làm cầu, làm các đồ thủ công mỹ nghệ như tủ, bàn ghế, đũa, muỗng... Lá thốt nốt khô rất đượm lửa nên dùng làm chất đốt, hoặc dùng làm tranh ảnh nghệ thuật.
Một cán bộ xã Châu Lăng bảo rằng tuy cây thốt nốt không phải là nguồn kinh tế chính của xã, tuy nhiên nó cũng giúp nhiều người dân có thêm thu nhập, tạo việc làm không chỉ cho người leo cây, nấu đường mà còn giúp được cho các hộ khác có điều kiện buôn bán các sản phẩm từ thốt nốt.
Theo thống kê của các ngành chức năng, thốt nốt tập trung ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với số lượng gần 70.000 cây, mỗi năm thu hoạch khoảng 8.000 tấn đường. Sản lượng đường hằng năm tăng khoảng 20% do tuổi thọ cây càng cao lượng đường nấu được càng nhiều.