Thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử sẽ có độ bảo mật cao, tích hợp thêm thông tin bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… đồng thời cho phép tích hợp nhiều ứng dụng (chữ ký số, xác thực sinh trắc học), phòng tránh giả mạo giấy tờ.
Chiều 5.3, Công an tỉnh An Giang cho biết Ban Giám đốc đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an 11 huyện, thị, thành tiến hành thu nhận hồ sơ và cấp CCCD gắn chip điện tử cho người dân toàn tỉnh.
Những người thường trú tại thành phố, thị xã, huyện nào thì liên hệ với công an địa phương đó để tiến hành thu nhận hồ sơ và cấp CCCD gắn chip điện tử. Tùy tình hình, nhu cầu thực tế, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) và công an 11 huyện, thị, thành có thể thu nhận hồ sơ và cấp CCCD gắn chip điện tử lưu động và ngoài giờ hành chính, đảm bảo đúng tiến độ mà Bộ Công an đã đề ra.
Công an tỉnh An Giang đã triển khai tuyên truyền đến các công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, ban ngành về việc cấp và quản lý, thủ tục cấp thẻ CCCD cho người dân. Một cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh An Giang) cho biết, theo quy định, người được cấp, đổi lại thẻ CCCD gắn chíp điện tử là những công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú. Người bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi vẫn được cấp thẻ nhưng phải có người đại diện hợp pháp.
“Trước mắt tại An Giang, chỉ những người chưa có chứng minh nhân dân (CMND) hoặc CCCD mã vạch, hoặc có nhưng đã hết hạn, hư hỏng, mất hoặc có thay đổi, điều chỉnh thông tin thì mới phải đổi sang CCCD gắn chip điện tử. Đối với các trường hợp CMND, CCCD mã vạch vẫn còn giá trị sử dụng và không thay đổi thông tin thì vẫn tiếp tục sử dụng bình thường cho đến khi hết hạn theo luật. Như vậy trong thời gian tới sẽ có 4 loại giấy tờ CMND, CCCD cùng tồn tại song song là CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip điện tử”, cán bộ này thông tin.
Vị cán bộ còn thông tin thêm, thời hạn sử dụng của CMND là 15 năm kể từ ngày cấp. Thẻ CCCD (cả mã vạch và gắn chip điện tử) sau lần cấp đầu tiên, người dân phải đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi. Khi trên 60 tuổi người dân không phải đổi.
“Việc đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử hoàn toàn không ảnh hưởng đến các giấy tờ khác. Đối với người dân đã có CCCD mã vạch thì khi đổi sang CCCD gắn chip điện tử sẽ vẫn giữ nguyên số định danh của CCCD cũ. Còn người dân đổi từ CMND 9 số và 12 số sang CCCD gắn chip điện tử thì sẽ được cấp số căn cước mới cũng là số định danh cá nhân. Khi đó cơ quan công an nơi cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử cho người dân sẽ đồng thời cấp giấy xác nhận về việc thay đổi số CMND để người dân thuận tiện trong việc giao dịch các giấy tờ khác có liên quan”, cán bộ này phân tích.
Người dân cần mang thẻ cũ đang sử dụng (đối với công dân đủ 14 tuổi, khi làm thẻ CCCD lần đầu thì chỉ cần cung cấp: họ tên và ngày tháng năm sinh) đến cơ quan công an cấp huyện, công an cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý CCCD của Bộ Công an để được hướng dẫn làm thủ tục cấp CCCD theo quy định.
Trường hợp người dân đã có thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin của mình không có sự thay đổi, điều chỉnh thì không yêu cầu phải xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh nội dung thông tin nhân thân.
Tuy nhiên để được cấp CCCD hợp lệ thì người dân phải bổ sung đầy đủ các trường thông tin bắt buộc trong sổ hộ khẩu nhất là thông tin về ngày tháng năm sinh; nơi sinh, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch... Vì vậy trước khi làm thẻ CCCD, người dân cần kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ hộ khẩu. Nếu chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, cần phải liên hệ cơ quan công an nơi làm thủ tục đăng ký thường trú để điều chỉnh, bổ sung trước khi đi làm CCCD.