Đối với cánh tài xế ở An Giang, không cần dẫn giải cũng thấy sự vui mừng và hân hoan của họ khi cầu Vàm Cống được thông xe và không phải trả phí. Nhưng niềm vui đó có phải trọn vẹn hay không khi Trạm thu phí BOT T2 vẫn ngang nhiên và chưa chịu di dời?

An Giang: Thông xe cầu Vàm Cống nhưng người dân chưa mừng

Khang Duy | 21/05/2019, 06:14

Đối với cánh tài xế ở An Giang, không cần dẫn giải cũng thấy sự vui mừng và hân hoan của họ khi cầu Vàm Cống được thông xe và không phải trả phí. Nhưng niềm vui đó có phải trọn vẹn hay không khi Trạm thu phí BOT T2 vẫn ngang nhiên và chưa chịu di dời?

“Chúng tôi khẳng định BOT đặt sai!”

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 có tổng mức đầu tư 1.588 tỉ đồng. Sau khi được nâng cấp, toàn tuyến có chiều dài khoảng 28 km, gồm 2 làn xe cơ giới, bề rộng mặt đường 11 m. Trên địa bàn TP.Cần Thơ, có 2 Trạm thu phí T1 (thuộc Q.Ô Môn) và T2 (Q.Thốt Nốt) đặt trên tuyến này.

Nhưng Trạm T2 thay vì đặt trước ngã ba Lộ Tẻ, thì cuối cùng Bộ GT-VT lại cho phép đặt sau ngã ba - cách địa phận An Giang chỉ vài trăm mét. Do đó, xe từ An Giang muốn rẽ qua ngã ba Lộ Tẻ về Kiên Giang cũng phải đóng phí. Và giờ, từ Đồng Tháp, qua cầu Vàm Cống rẽ về An Giang, chỉ đi vài trăm mét cũng đóng phí cho Trạm T2, và ngược lại.

BOT T2 khi đặt chưa đúng chỗ gây thiệt thòi cho người dân lẫn doanh nghiệp An Giang - Ảnh: Tô Văn

Do đó, sau khi Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 - chủ đầu tư, tiến hành thu phí cho đến nay, nhiều tài xế cùng người dân, chính quyền tỉnh An Giang đã phản đối trong thời gian dài và yêu cầu dời Trạm T2 về đúng vị trí. Việc đặt trạm như vậy là quá sai.

Chính các tài xế và các người dân, nhiều quan chức tỉnh An Giang khẳng định về ví trí Trạm T2 là: “Sai”. Anh Công, một tài xế, bức xúc viết lên Facebook: “Bây giờ BOT nó làm là nó phải thu phí, hợp lý chứ không phải sai. Nhưng cái sai là nó đặt sai vị trí cái trạm. Nó thu ở quốc lộ sai chứ tôi không nói nó làm sai ở cách thức làm BOT”.

Một tài xế ở An Giang, cũng khẳng định, rất bất bình đối với những trạm BOT đặt không đúng chỗ nhất là Trạm BOT T2 (Q.Thốt Nốt). “Ở An Giang, Trạm T2 đặt như vậy là rất bất hợp lý, bởi nhiều xe đi từ An Giang lên hướng Cần Thơ, chỉ sử dụng vài trăm mét quốc lộ 91 rồi rẽ sang quốc lộ 80 đi Kiên Giang hay lên cầu Vàm Cống thì phải trả phí cho toàn tuyến!”, anh này nhận định.

Thiệt thòi cho người dân An Giang

Suốt thời gian dài gửi kiến nghị của người dân và doanh nghiệp lên Bộ GT-VT hình như là vô vọng. Ông Ngọc - chủ một doanh nghiệp vận tải ở tỉnh An Giang, cho biết: “Doanh nghiệp tôi hiện sở hữu 15 xe tải các loại chạy cố định tuyến An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang”. Mỗi ngày, tuyến Kiên Giang, ông Ngọc có đến 7 xe tải 15 tấn phải qua BOT T2.

Nhiều lần ông đã gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét giảm giá thấp nhất nhưng đến nay vẫn chưa có thỏa đáng cho doanh nghiệp. “Việc đi tuyến Kiên Giang, nếu 5 xe tải đi và về qua Trạm BOT T2 thì mất 1,4 triệu đồng/ngày. Tổng chi phí phải trả cho vài trăm mét đường, mỗi tháng tôi mất 42 triệu đồng”, ông Ngọc nói.

Việc thu phí làm nặng lòng cánh tài xế - Ảnh: Tô Văn

Còn anh Hùng (45 tuổi, ngụ P.Bình Đức, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang), tâm sự: “Khi thông xe cầu Vàm Cống, vào khoảng 0 giờ 45 phút ngày 20.5, tôi từ Vĩnh Long đi về Long Xuyên, hí hửng chạy qua cầu Vàm Cống, lên ngã ba Lộ Tẻ, rẽ vào quốc lộ 91, chạy 100 m và gặp ngay… “mãi lộ thu phí” tại BOT T2, bị thu 35.000 đồng.

Nó nói đây là phí đi qua quốc lộ 91, trong khi mình đi có đúng 110 m. Chạy tới bến phà Vàm Cống ghé vào lề xem, thấy phà vẫn còn đó. Tính ra, đi vòng cầu Vàm Cống xa hơn đi phà 11 km, nhưng nhanh hơn, bởi nếu chờ phà mất hết 30 - 40 phút (tiết kiệm từ 12-22 phút)”.

Thời gian thì tiết kiệm, nhưng với anh, chi phí sẽ tăng lên! Bởi theo anh, do phải qua BOT T2, nên nếu tính toán thì mức thiệt hại như sau: 1/11 km xa hơn mất 0,8-0,9 lít xăng (tính xe đi 8 lít cho 100 km). Nhân giá xăng 21.000 đồng/lít thì mất khoảng 17.000 đồng. Vé phà 25.000 đồng, trong khi “mãi lộ” T2 mất 35.000 đồng, thì lỗ thêm 10.000 đồng.

“Tính riêng về tiền, tổng cộng tôi lỗ khoảng 27.000 đồng. Mỗi tháng tôi đi 6 lượt thì mất 162.000 đồng, tương đương 16 kg gạo, quy ra lúa 5.000 đồng/kg thì mất toi hết 32 kg lúa. Một năm nhân lên là bộn bạc. Mong những người có thẩm quyền sớm trả lại sự trong sạch cho quốc lộ 91, mang niềm vui cho dân An Giang”, anh nói.

Và theo chủ trương của Bộ GT-VT, thì phà Vàm Cống sẽ ngưng hoạt động. Do đó, xe cộ chỉ còn lựa chọn duy nhất là phải qua cầu Vàm Cống để rẽ vào An Giang, và ngược lại! Tức phải đóng phí BOT T2!

Ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở GT-VT tỉnh An Giang, cho biết, nhiều lần đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh để làm việc với Bộ GT-VT, thậm chí phản ánh trực tiếp với Thủ tướng xem xét lại vị trí đặt trạm T2 nhưng vẫn chưa thấy hiệu quả.

Mức thu khi qua BOT T2 - Ảnh: Tô Văn

“Nên giải pháp tạm thời của Sở GT-VT tỉnh là đề nghị miễn giảm gần 6.000 đầu xe, hiện tại chúng tôi đang đề xuất tiếp tục. Nhưng chính sách miễn giảm phí ở Trạm T2 chúng tôi biết khó làm người dân và doanh nghiệp tỉnh An Giang hài lòng.

Khi thông xe cầu Vàm Cống thì người dân An Giang càng không hài lòng hơn, bởi vì mỗi khi từ An Giang đi các tỉnh miền Đông Nam bộ đều phải mất phí qua Trạm T2 để lên cầu. Tôi mong mỏi Chính phủ có giải pháp hợp lý, tình để người dân An Giang và doanh nghiệp không thiệt thòi nữa”, ông Trí bộc bạch.

Tô Văn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Thông xe cầu Vàm Cống nhưng người dân chưa mừng