Bộ Tài chính cảnh báo công tác quản lý, điều hành giá cần hết sức thận trọng trước các diễn biến từ quốc tế như căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và tình hình thị trường tài chính – tiền tệ thế giới.

Áp lực chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên mặt bằng giá cuối năm

tuyetnhung | 03/09/2018, 06:39

Bộ Tài chính cảnh báo công tác quản lý, điều hành giá cần hết sức thận trọng trước các diễn biến từ quốc tế như căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và tình hình thị trường tài chính – tiền tệ thế giới.

Theo tính toán của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), để có thể hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4% như Quốc hội giao, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng cuối năm cần được kiểm soát ở mức tăng tối đa 0,79% bình quân mỗi tháng (so với tháng trước).

Trong 4 tháng cuối năm 2018, cơ quan này cho biết các yếu tố chủ yếu tác động đến mặt bằng giá như: giá thực phẩm vẫn có thể tiếp tục tăng, tuy nhiên có thể đánh giá mức tăng sẽ không lớn như những tháng vừa qua; giá xăng dầu, nhiên liệu đốt (LPG) vẫn có thể có những diễn biến khó lường và thường có xu hướng tăng vào mùa lạnh; giá dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng trong tháng 9; giá các mặt hàng vật liệu xây dựng thường có xu hướng tăng vào mùa xây dựng cuối năm; tình hình thiên tai, bão lũ có thể diễn biến bất thường tác động cục bộ đến mặt bằng giá tại một số địa phương...

"Theo quy luật hàng năm, mặt bằng chỉ số giá các tháng cuối năm trong những năm gần đây cơ bản nằm trong kiểm soát, kể cả thời điểm thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh vào cuối năm 2016 thì diễn biến chỉ số giá cũng không có đột biến. Như vậy, từ các nhận định trên có thể thấy việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2018 vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ", Cục Quản lý giá khẳng định.

Tuy nhiên, Cục Quản lý giá vẫn đưa ra cảnh báo về công tác quản lý, điều hành giá cần hết sức thận trọng trước các diễn biến từ quốc tế như căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và tình hình thị trường tài chính – tiền tệ thế giới (Fed tăng lãi suất, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ...). Đồng thời, nếu diễn biến chỉ số giá các tháng cuối năm có xu hướng tăng cao thì sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành, xây dựng kịch bản chỉ số giá trong năm 2019.

Trên cơ sở dự báo các yếu tố tác động lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2018, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dự báo CPI cả năm 2018 tăng trong khoảng 3,73%-3,95%.

Trong khi đó, giới chuyên gia lại tỏ ra khá lo ngại về mức CPI năm 2018 mà Quốc hội đã đề ra (4%) sẽ khó đạt được khi nhìn vào chỉ số mặt bằng giá tháng 8. Nhất là trong tình hình các diễn biến từ thương mại quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 3,98% so cùng kỳ năm trước; tăng 2,59% so với tháng 12 năm trước.

Trong 8 tháng đầu năm, CPI bình quân biến động theo hướng tăng dần qua các tháng từ mức 2,65% (tháng 1) tiến dần đến mức 3,01% (bình quân 5 tháng) và tăng với tốc độ nhanh hơn trong 2 tháng tiếp theo lên mức 3,45% (bình quân 7 tháng). Mức tăng CPI bình quân có dấu hiệu tăng mạnh trong các tháng chủ yếu do mặt bằng giá của tháng 5, tháng 6, tháng 7 năm 2017 ở mức thấp trong khi mặt bằng giá các tháng 5,6,7 năm 2018 ở mức cao hoặc chỉ giảm nhẹ.

Sang tháng 8.2018, tuy CPI so với tháng trước có mức tăng khá cao (0,45%) nhưng do mặt bằng giá tháng 8.2017 cũng ở mức rất cao (tăng 0,92%) nên CPI bình quân không tăng đột biến, chỉ ở mức 3,52%. Tuy vậy, nhìn chung lạm phát 8 tháng đầu năm diễn biến vẫn theo như dự báo và nằm trong kịch bản của Bộ Tài chính báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8.2018 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 1,54% so với cùng kỳ; 8 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ tăng 1,38%.Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản trong 8 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ ở mức 1,38% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên mặt bằng giá cuối năm