Trang Pharmaceutical Technology đưa tin hãng sản xuất AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 có thể gây đông máu, dù trường hợp gặp phản ứng phụ này rất hiếm.
AstraZeneca đang đối mặt với một vụ kiện tập thể cáo buộc vắc xin do hãng hợp tác Đại học Oxford phát triển gây tử vong hoặc thương tật nghiêm trọng cho người dùng. Tổng cộng 51 đơn kiện được trình lên tòa yêu cầu bồi thường 100 triệu bảng Anh (125,5 triệu USD).
Mặc dù phủ nhận cáo buộc, nhưng trong tài liệu pháp lý gửi lên tòa thượng thẩm Anh vào tháng 2 trước AstraZeneca thừa nhận sản phẩm của mình có thể gây hội chứng huyết khối tĩnh mạch kèm giảm tiểu cầu (TTS) với tỷ lệ rất hiếm. Cơ chế dẫn đến TTS - tạo cục máu đông và khiến lượng tiểu cầu trong máu thấp, chưa được làm rõ. Hãng cũng lưu ý TTS vẫn có thể xảy ra khi không tiêm vắc xin của họ hoặc tiêm các loại vắc xin khác.
Trước đó vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã bị ủy ban an toàn thuộc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) xác định có liên quan đến cục máu đông xuất hiện trong não, bụng, động mạch đồng thời làm giảm tiểu cầu. Tuy nhiên EMA cùng Cơ quan Quản lý dược phẩm - sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) vào thời điểm đó tuyên bố lợi ích mà vắc xin mang lại lớn hơn rủi ro tiềm ẩn, người dân nên tiêm chủng.
Tháng 11.2021, AstraZeneca cho biết trong vòng chưa đầy 1 năm sau khi được cấp phép, hãng đã cung cấp 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 cho nhiều quốc gia. Đến năm 2022 hãng bắt đầu thu về lợi nhuận từ sản phẩm mà họ hợp tác Đại học Oxford phát triển.
Vào thời điểm đại dịch diễn biến phức tạp, vắc xin COVID-19 của AstraZeneca với giá cả hợp lý là “cứu tinh” cho hàng loạt quốc gia không thể tiếp cận sản phẩm của Pfizer, Moderna quá đắt đỏ và nguồn cung hạn chế.