Bắc Kinh ngày 9.2 đã chính thức lên tiếng về việc Đài Loan (Trung Quốc) cho phép Nhật Bản tới cứu hộ động đất, trong khi lại từ chối lời đề nghị của Đại lục.

Bắc Kinh bất mãn khi Đài Loan tin cậy 'người ngoài' cứu hộ động đất

Cẩm Bình | 11/02/2018, 12:12

Bắc Kinh ngày 9.2 đã chính thức lên tiếng về việc Đài Loan (Trung Quốc) cho phép Nhật Bản tới cứu hộ động đất, trong khi lại từ chối lời đề nghị của Đại lục.

Sau khi thành phố Hoa Liên (Đài Loan) xảy ra trận động đất đầu tiên vào ngày 6.2, chính quyền Bắc Kinh đã gửi lời đề nghị gửi đội cứu hộ sang giúp đỡ, nhưng phía Đài Bắc từ chối với lý do đủ nhân lực và khả năng tự tổ chức cứu hộ.

Tuy vậy, ngày 8.2, một đội cứu hộ Nhật Bản gồm 7 thành viên, mang theo hai thiết bị dò tìm mới nhất, đã đến Hoa Liên tham gia cứu hộ. Ngoài ra, giới truyền thông Trung Quốc còn cho biết khi gửi lời động viên đến nạn nhân các vụ động đất, cá biệt có vài quan chức cấp cao của Tokyo dùng những danh xưng chỉ chức vụ các quan chức của một quốc gia để gọi quan chức Đài Bắc.

Phát biểu trước báo giới về chuyện này, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định người dân của Trung Quốc đại lục đều cực kì quan tâm thiên tai ở Hoa Liên. Ngay sau khi động đất xảy ra, Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan Trương Chí Quân đã lập tức gửi lời an ủi tới người bị nạn, đề nghị gửi đội cứu hộ đến giúp đỡ và đảm bảo hỗ trợ toàn diện về mọi mặt.

Ông Cảnh cũng cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Nhật Bản đang mượn danh nghĩa cứu hộ để ngang nhiên tạo ra khái niệm “Nhất Trung nhất Đài” (Trung Quốc đại lục và Đài Loan là riêng biệt) trên trường quốc tế. Những việc làm có liên quan cũng vi phạm đến nguyên tắc “Một Trung Quốc” cũng như những cam kết mà Nhật đưa ra trước đó”.

“Phía Trung Quốc cực kì bất mãn, và gửi đi yêu cầu giải thích cho phía Nhật. Chúng tôi yêu cầu Tokyo thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc trong các văn kiện mà Trung- Nhật đã đạt được, lập tức khắc phục sai lầm, đừng để quan hệ song phương có điểm nóng mới”, theo người phát ngôn.

Từ ngày 6-8.2, thành phố Hoa Liên đã phải hứng chịu hai trận động đất và một loạt dư chấn. Theo thống kê mới nhất trong ngày 9.2 của hãng tin CNA, thiên tai này đã lấy đi sinh mạng của 12 người (trong đó có ít nhất 4 người Trung Quốc đại lục), khiến 279 người bị thương và 5 người còn đang mất tích. Ngoài Nhật Bản, Singapore cũng đã gửi một máy bay chở hàng cứu hộ đến Đài Loan.

Đội cứu hộ Nhật với thiết bị tiên tiến ngày 8.2 đã đến Đài Loan - Ảnh: Taiwan News

Người phát ngôn của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết quyết định cho phép Nhật giúp tham gia cứu hộ không có yếu tố chính trị, mà chỉ vì Tokyo có thiết bị tiên tiến có thể giúp công tác cứu hộ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Giới Chính, Phó giáo sư của Phòng nghiên cứu Chiến lược và Sự vụ quốc tế đại học Đạm Giang (Đài Loan), thì quyết định của chính quyền Đài Bắc mang hàm ý chính trị, cho thấy Đài “gần Nhật xa Trung”, và chính quyền Tokyo cũng mượn cơ hội này để xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Đài Bắc.

Nhưng Thái Tăng Gia, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế của đại học chính trị Đài Loan, không nghĩ vậy. Ông cho rằng công tác cứu trợ nhân đạo và quan hệ ngoại giao là tách biệt.

Tuy bất đồng trong giải thích quyết định cho Nhật tới giúp, nhưng hai nhà nghiên cứu đều cho rằng động thái này có độ nhạy cảm nhất định và có thể khiến quan hệ hai bờ đã xấu nay càng tồi tệ thêm.

Cẩm Bình (theo Sina, CNA)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Kinh bất mãn khi Đài Loan tin cậy 'người ngoài' cứu hộ động đất