Được các bác chẩn đoán “lão suy, thoái hóa cột sống thắt lưng”, nhưng nhiều năm liền điều trị khắp các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, bệnh tình của cụ bà vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí bệnh ngày càng nặng thêm. Vậy mà bất ngờ chỉ sau hơn 1 tháng “trò chuyện” với bác sĩ, không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào nhưng cụ lại khỏe mạnh trở lại.

Bác sĩ chỉ ngồi không hỏi chuyện, cụ bà lập tức hết bệnh

Hồ Quang | 20/04/2017, 07:18

Được các bác chẩn đoán “lão suy, thoái hóa cột sống thắt lưng”, nhưng nhiều năm liền điều trị khắp các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, bệnh tình của cụ bà vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí bệnh ngày càng nặng thêm. Vậy mà bất ngờ chỉ sau hơn 1 tháng “trò chuyện” với bác sĩ, không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào nhưng cụ lại khỏe mạnh trở lại.

Chữa bệnh không dùng thuốc

Vào một ngày trung tuần tháng 4.2017, một người đàn ông trạc ngoài 40 tuổi dìu theo cụ bà chừng 80 tuổi, với dáng người liêu xiêu bước vào Khoa tâm lý, Bệnh viện quận 2 (TP.HCM). Người đàn ông này cho biết cụ tên là T. (80 tuổi), mẹ ruột của mình. Nhiều năm qua, cụ thường xuyên chóng mặt, đau nhức vai gáy, khó thở, thỉnh thoảng bị ngất xỉu…

Đặc biệt có đêm cụ T. không thở nổi phải đi bệnh viện cấp cứu. Nhiều lần đưa cụ đến Khoa tim mạch, Nội tổng quát, Nội thần kinh… ở các bệnh viện trên địa bàn TP để khám và điều trị. Phần lớn những nơi đến các bác sĩ đều chẩn đoán cụ T. bị “lão suy, thoái hóa cột sống thắt lưng”, nhưng điều trị mãi vẫn không hết bệnh.

“Vậy mà sau khoảng 3 lần “trò chuyện” với các bác sĩ ở đây, không phải tốn bất cứ một viên thuốc nào, sức khỏe mẹ tui giờ đã tiến triển nhiều”, người đàn ông này nói.

Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Ngọc Diệp – Khoa tâm lý, Bệnh viện quận 2 cho biết cách đây khoảng 1 tháng cụ T. đến đây gặp chị và khai mình bị huyết áp cao, chóng mặt, nhức đầu, đau vai gáy, khó thở… Lúc đó bác sĩ Diệp đã đặt khá nhiều câu hỏi với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cuối cùng kết luận cụ T. mắc chứng bệnh rối loạn lo âu.

“Lúc đó tôi trò chuyện với cụ và người thân khoảng 30 phút. Tôi hỏi tất cả những bệnh tình của cụ, những điều mà bệnh nhân lo lắng nhất thì phát hiện cụ đang có những muộn phiền về gia đình, nhất là những người con của mình không hòa thuận nhau”, bác sĩ Diệp nhớ lại.

Từ đây bác sĩ Diệp đã lên một kế hoạch điều trị bằng liệu pháp gia đình cho bệnh nhân. Cả cụ T. và những người con trong gia đình được bác sĩ Diệp mời lên bệnh viện để “trò chuyện”. Trong mỗi lần trò chuyện, kéo dài khoảng 30 phút, bác sĩ Diệp tập trung đặt những câu hỏi cho các con của bà. Những câu hỏi đại loại như: “Anh, chị thấy cụ ở nhà như thế nào? Anh, chị nghĩ sao mà cụ lại bệnh như vậy?Cụ nói buồn vì anh chị không hòa thuận?…”. Chính những câu hỏi gợi mở trên đã giúp cho các con của cụ nhìn nhận những vấn đề xung quanh, để có sự điều chỉnh.

Theo bác sĩ Diệp, cụ T. mắc bệnh là do các con của cụ gây ra nên mục tiêu chính là làm sao giúp những người con của bệnh nhân nhìn nhận vấn đề để giải quyết được những bất hòa trên.

Mục đích chính của tâm lý trị liệu là chuyên viên tâm lý phải giúp bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân đồng hành và nhận ra đâu là vấn đề để thay đổi.

Tiến sĩ Lê Minh Thuận - Trưởng khoa tâm lý, Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) chia sẻ về sự nhầm lẫn của bệnh nhân giữa bệnh tâm lý và bệnh lý thực thể

"Trong liệu pháp gia đình, chúng tôi không phải tìm nguyên nhân ai lỗi, ai phải mà chỉ đặt những câu hỏi gợi mở để cho các con của bệnh nhân tự hiểu và dần dần thay đổi, sửa chữa. Sau 3 lần “trò chuyện”, các con của cụ đã có những thay đổi tích cực. Chính vì thế đến nay các chứng bệnh trên của cụ T. đã dần dần biến mất”, bác sĩ Diệp cho biết.

Nhầm bệnh lý thực thể với bệnh tâm lý

Điều trị tâm lý rất khó, vì không có một phácđồ chung nào dành cho những bệnh nhân này. Với người mắc bệnh tâm lý, mỗi phiên “trò chuyện” (kéo dài khoảng 30 phút đến 60 phút) là mỗi lần điều trị bệnh. Tất nhiên không phải bệnh nhân nào bác sĩ cũng có thể “trò chuyện” thành công. Thường “trò chuyện” không thành công là do sự bất hợp tác của bệnh nhân hay thân nhân người bệnh. Nếu “trò chuyện” thành công thì chữa được bệnh, còn ngược lại sẽ không chữa được bệnh.

Theo tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận - Trưởng khoa tâm lý, Bệnh viện quận 2, mỗi ngày nơi đây “trò chuyện” khoảng 10 bệnh nhân mắc bệnh tâm lý. Trong đó có không ít bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh lý thực thể điều trị nhiều năm không khỏi.

Phân tích của tiến sĩ Thuận cho thấy với bệnh tâm lý, nhất là chứng rối loạn lo âu chính tác nhân gây ra tình trạng căng thẳng dẫn đến các bệnh như: cao huyết áp, tim mạch, đau vai gáy, nhức đầu, đau dạ dày…

Nhiều người bệnh, thậm chí cả bác sĩ cứ thấy bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, đau vai gáy… không tìm được nguyên nhân thì cứ nghĩ rằng bệnh nhân bị rối loạn tiền đình rồi kê toa thuốc uống hoài nhưng vẫn không hết. Nhưng thực tế những triệu chứng trên có thể là do bị rối loạn lo âu.

Tiến sĩ Thuận cho rằng bệnh tâm lý có biểu hiện triệu chứng rất đa dạng nên người bệnh hay nhầm lẫn. Chẳng hạn người bệnh khi thấy mình bị huyết áp cao, khó thở thường đi khám tim mạch hoặc nghĩ bệnh trên là do huyết áp cao, chứ không nghĩ mình bị bệnh tâm lý. Có những trường hợp bị đau mỏi vai gáy, đau khớp nhưng không hẳn là đau khớp mà là do tâm lý.

Dấu hiệu để nhận biết ngay đó là bệnh tâm lý chứ không phải bệnh lý thực thể là mỗi khi xuất hiện triệu chứng bệnh, người bệnh chuyển đến bệnh viện điều trị thì hết nhưng quay về nhà lại tiếp tục xuất hiện những triệu chứng trên.

“Nhiều người bệnh mắc bệnh tâm lý nhưng không nhận ra mình mắc bệnh này. Bởi những triệu chứng của bệnh tâm lý cũng giống như nhiều triệu chứng của bệnh lý thực thể. Do đó, người dân có những bất hòa trong gia đình hoặc thấy đau đầu, cẳng thẳng, buồn phiền điều gì đó nên đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý để kiểm tra và điều trị”, tiến sĩ Thuận khuyến cáo.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bác sĩ chỉ ngồi không hỏi chuyện, cụ bà lập tức hết bệnh