Từ quốc lộ 62 của tỉnh Long An, tỉnh lộ 79 rộng thênh thang chạy thẳng đến thị trấn biên giới Tân Hưng. Trên tỉnh lộ này, ở địa phận ấp Vĩnh Ân (xã Vĩnh Đại), cách TT.Tân Hưng, H.Tân Hưng, hơn 20 km, có 1 cây cầu mang cái tên rất lạ: cầu Đồng Ràng.

Bài 1: Kỳ lạ ‘cánh đồng vàng’ ở vùng đất giáp biên

Hùng Anh | 20/08/2019, 08:37

Từ quốc lộ 62 của tỉnh Long An, tỉnh lộ 79 rộng thênh thang chạy thẳng đến thị trấn biên giới Tân Hưng. Trên tỉnh lộ này, ở địa phận ấp Vĩnh Ân (xã Vĩnh Đại), cách TT.Tân Hưng, H.Tân Hưng, hơn 20 km, có 1 cây cầu mang cái tên rất lạ: cầu Đồng Ràng.

Vùng Đồng Tháp Mười của ĐBSCL rộng khoảng 631.000 ha, nằm trọn trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Trong đó diện tích Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Đồng Tháp khoảng 239.000 ha, chiếm 38% diện tích của vùng và chiếm tới 74% diện tích của tỉnh Đồng Tháp. Ngày nay, Đồng Tháp Mười được xem là 1 trong 2 vựa lúa gạo, thủy sản trù phú nhất ĐBSCL.

Nhưng hơn trăm năm trước, nơi đây là vùng đất hoang vu khắc nghiệt, lau sậy mọc ngút ngàn, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”, 6 tháng nước ngập mênh mông trắng đồng, 6 tháng nắng như đổ lửa. Trên vùng đất này, cho đến nay dù không còn hoang vu nhưng vẫn ẩn chứa những chuyện kỳ bí, chưa có lời giải đáp thỏa đáng...

Phát hiện “cánh đồng đầy vàng” nhờ 1… con chó

Ông Lê Thành Lý (Sáu Lý, 71 tuổi, cư dân ấp Vĩnh Ân), nói: “Cây cầu này hồi trước có tên là cầu Đồng Vàng, bắc ngang 1 con kênh có cùng tên là kênh Đồng Vàng. Không hiểu sao lúc làm lộ 79, mấy ông thợ cầu đường xây cầu xong lại đặt tên là cầu Đồng Ràng, nên chết danh tới giờ”.

Ông Sáu Lý là 1 trong 2 chủ nhân của cánh đồng đầy vàng rộng gần 40 ha ở ấp Vĩnh Ân, trong những năm 1980 nổi tiếng khắp vùng miền Tây Nam Bộ. Ông Sáu Lý kể, sau ngày hòa bình 30.4.1975, ông giải ngũ, về Vĩnh Đại mua đất trồng tràm, khai hoang cấy lúa mùa mỗi năm 1 vụ. Hồi đó vùng Vĩnh Đại còn rất hoang vu, nhìn đâu cũng thấy rừng tràm và lau sậy ngút ngàn, mỗi năm 6 tháng nước ngập trắng đồng cao lút đầu người, 6 tháng mùa khô đất đai nứt nẻ, nắng cháy da người, muỗi mòng, rắt rít và đỉa nhiều không kể xiết.

Miếng đất trồng tràm, cấy lúa mùa của ông Sáu rộng hơn 20 ha, chạy dài từ ngoài kênh 62 (song song với kênh 79) vào tận trong đồng sâu, kề bên là lô đất rộng hơn 20 ha của ông Ba Lâm, cư dân cố cựu trong vùng, cũng khai hoang trồng tràm, cấy lúa mùa. Hơn 10 năm khai hoang trồng tràm, cấy lúa, ông Sáu Lý không phát hiện điều gì lạ thường trên miếng đất của mình, cho đến mộtngày…

“Tui nhớ hồi đó là cuối mùa khô năm 1986, năm Bính Dần, lúc vợ tui mới sanh thằng con trai. Một buổi sáng sớm, tui ra bờ ruộng đi hái mớ rau muống đồng, định về nấu cơm ăn để đi chăm sóc đám tràm mới trồng. Khi ra ruộng, tui nhìn thấy một đám hơn chục người lạ mặt, không phải dân địa phương, giăng hàng ngang trên đồng mà đi, mặt cắm xuống đất nhìn chăm chú như đang tìm kiếm thứ gì đó”, ông Sáu Lý ngồi mân mê ly nước trà quạu, nhớ lại.

Thấy sự lạ, ông Sáu Lý lân la đến hỏi thăm nhóm người đi tìm kiếm thứ gì trên mặt ruộng đang khô nứt nẻ của mình, nhưng chẳng ai thèm trả lời mà cứ chăm chú cắm mặt xuống đất. Tới khi ông Sáu cho biết mình là chủ miếng ruộng, ai muốn tìm thứ gì trên đất của ông thì phải xin phép ông, mới có người nói họ đang đi… tìm vàng.

Ông Sáu Lý kể chuyện miếng ruộng nhà ông và hàng xóm trở thành “cánh đồng vàng” - Ảnh: Thanh Anh

“Nghe họ nói đi tìm vàng, tui cười muốn bể bụng, hỏi vàng ở đâu mà tìm? Bởi lẽ tui phá hoang trồng tràm, cấy lúa cả chục năm trời trên miếng đất này, có thấy được cục vàng nào mà tìm với kiếm. Nhưng mặc tui nói gì thì nói, những người lạ cứ đội nắng đi tới đi lui khắp cánh đồng tìm tòi, tui đinh ninh họ chắc… bị khùng nên cũng chẳng quan tâm”, ông Sáu Lý kể.

Nhưng liên tiếp những ngày sau, nhóm người lạ mặt cứ tối kéo nhau về nhà ở ngoài xã Tuyên Thạnh (H.Mộc Hóa, tỉnh Long An), sáng lại đùm túm cơm nước vô đất ruộng của ông Sáu tìm vàng cả ngày. Ban đầu không quan tâm, nhưng thấy họ đến tìm vàng hoài nên ông Sáu cũng tò mò lân la hỏi thăm nguồn cơn sự việc.

Lúc đó những người tìm vàng mới chịu tiết lộ một chuyện động trời: mấy hôm trước ông già Mười ở xã Tuyên Thạnh thả bầy trâu cho ăn cỏ trên cánh đồng của ông Sáu. Trong lúc ngồi nghỉ trưa ăn cơm dưới bóng mấy cây cà dăm cổ thụ, ông Mười thấy con chó cưng của ông cặm cụi bươi gốc cây đào thứ gì đó, miệng cứ rên rỉ ư ử.

Tưởng con chó đào hang bắt chuột hay bắt rắn, ông Mười đến xem thử thì phát hiện con chó cứ quàu quàu 1 cục đất to chừng nắm tay mà không chịu bỏ đi. Chẳng biết đó là thứ gì, ông Mười cầm lên thì phát hiện cục đất nặng bất thường, nên lấy con dao cạo ra xem thử. Dưới ánh mặt trời, cục đất ánh lên màu vàng chóe, nhưng ông Mười cũng chưa biết đó là thứ gì, nên bỏ vào giỏ mang về nhà.

Đến khi rửa sạch đất bùn, ông Mười nghi cái cục đất chó bươi là vàng, nên đem ra chợ Mộc Hóa nhờ thợ bạc xem thử, rồi tá hỏa vì chẳng dè đó là vàng thật. Ông Mười bán cục vàng, mua rượu thịt khao cả xóm, rồi vui miệng chỉ cho mọi người biết chỗ ông lượm được vàng, nên mấy hôm sau nhóm người ngoài Tuyên Thạnh mới lặn lội vào đất của ông Sáu Lý để tìm vàng.

Lượm được vàng mới tin là đất có vàng thật

Khi nghe những người tìm vàng kể lại câu chuyện, trong lòng ông Sáu Lý vẫn bán tín bán nghi. Ông Sáu gặng hỏi những người tìm vàng có nhặt được vàng hay không thì họ chỉ đưa mắt nhìn nhau rồi im lặng, khiến ông càng nghi ngờ hơn. Từ đó hàng ngày ra ruộng hái rau, chăm sóc tràm, ông Sáu Lý lại để ý nhìn xem có thấy thứ gì bất thường nơi mình đi qua hay không, nhưng chẳng phát hiện được gì khác lạ.

“Một bữa, lúc đó trời mới sa mưa đầu mùa, nên tui ra ruộng dọn đất, làm cỏ chuẩn bị cấy vụ lúa mới. Trong lúc dùng dao chặt mấy đám cỏ gần bờ 1 con mương nhỏ thì bất ngờ lưỡi dao chạm vào 1 vật gì đó khá cứng, dội lại. Lúc tui moi cái vật đó lên thì thấy nó có hình tròn dài như cái vỏ đạn còn sót lại thời chiến tranh, dính đầy bùn đất, nhưng xem kỹ thì không phải”, ông Sáu kể.

Ông Sáu ngồi tỉ mẩn rửa sạch đất bùn thì giật mình choáng váng vì cái vật giống vỏ đạn có màu vàng chóe, được cuốn tròn như điếu thuốc lá và khá mềm. Sau khi gỡ thẳng ra, ông Sáu Lý phát hiện đó là 1 lá kim loại màu vàng, được chế tác khá công phu.

Ông Sáu Lý chỉnơi ngày xưa từng là “cánh đồng vàng” nổi tiếng - Ảnh: Thanh Anh

Không nói không rằng, ông Sáu đem lá kim loại màu vàng ra chợ, tìm đến thợ bạc nhờ thử xem nó là thứ gì và run tay vì thợ bạc khẳng định đó là vàng thật. “Tui bán miếng vàng cho thợ bạc, dù nó nặng chỉ vài phân nhưng đến lúc đó tui mới tin trên đám ruộng của mình có vàng thật và chuyện lượm được vàng, đi tìm vàng của mấy người ngoài Tuyên Thạnh không phải là chuyện điên khùng”, ông Sáu Lý nhớ lại.

Sau khi ông Sáu Lý tìm được vàng trên đám ruộng của mình, không biết từ đâu tin đồn “ấp Vĩnh Ân có cánh đồng đầy vàng” bắt đầu lan ra. Lúc đầu tin đồn râm ran khắp xã Vĩnh Đại, rồi sau đó lan ra khắp các địa phương lân cận và các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ.

“Những ngày đầu thì dân ở xã kéo vào đất tui tìm vàng, rồi họ tràn sang cánh đồng của ông Ba Bê, ông Hai Thiêm ở kề ruộng tui để tìm kiếm lộc trời cho. Càng ngày người dân tứ xứ càng đổ dồn về cánh đồng này để tìm vàng, dân Tân An có, Tiền Giang có, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh… đủ cả.

Cùng với dòng người đông đặc đổ xô về cánh đồng ấp Vĩnh Ân để tìm vàng là những câu chuyện như thật: nào là sau mỗi cơn mưa vàng rũ bùn trồi lên khắp nơi, tha hồ mà nhặt, con nít đi mò cua bắt ốc ngoài ruộng cũng lượm được vàng…”, ông Sáu nhớ lại.

Khi cơn sốt tìm vàng ngày càng náo nhiệt thì người ta quên luôn cái tên ấp Vĩnh Ân, chỉ nói là ấp Đồng Vàng, rồi con kênh thủy lợi trước nhà ông Sáu chẳng có tên cũng được gọi là kênh Đồng Vàng, cây cầu ngoài lộ 79 thì kêu là cầu Đồng Vàng…

“Lúc đó cả vùng quê yên bình hoang vu bỗng trở nên huyên náo vì mỗi ngày có hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về đây tìm vàng, bất kể ngày nắng hay mưa, mùa khô hay mùa nước nổi trắng đồng, kéo theo nhiều câu chuyện cười ra nước mắt”, ông Sáu Lý nói.

(còn tiếp)

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Kỳ lạ ‘cánh đồng vàng’ ở vùng đất giáp biên