Luật sư-Tiến sĩ Tạ Văn Tài (Trường Luật Đại học Harvard, Mỹ) đã gửi cho báo Một Thế Giới bài viết gợi mở kế hoạch hành động của Việt Nam đối với các thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Bài 1: Phán quyết của Tòa Trọng tài tác động đến các thực thể địa lý

23/08/2016, 11:19

Luật sư-Tiến sĩ Tạ Văn Tài (Trường Luật Đại học Harvard, Mỹ) đã gửi cho báo Một Thế Giới bài viết gợi mở kế hoạch hành động của Việt Nam đối với các thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Phái đoàn Philippines điều trần tại Tòa Trọng tài The Hague vào tháng 7.2015 - Ảnh: PCA

Phán quyết trọng tài của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12.7.2016 mang tính tuyên bố và không mang tính thực thi nhưng có giá trị chung thẩm và ràng buộc các bên về quyền tài phán bắt buộc.

Phán quyết là chiến thắng vang dội cho Philippines và là thất bại nhục nhã về pháp lý đối với tham vọng thể hiện sức mạnh và quyền lực của Trung Quốc trong vùng biển rộng lớn trên Biển Đông.

Khi bàn đến các vấn đề căn cứ Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS), phán quyết lịch sử này không giải quyết vấn đề tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể địa lý như đá và đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vấn đề vốn được xem xét bằng luật pháp quốc tế truyền thống hay tập quán, nhưng phán quyết có những tác động gián tiếp đến việc mô tả đặc điểm của các thực thể địa lý.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra tác động của phán quyết đối với lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là đối với các thực thể địa lý trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phần I: Tóm tắt nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài

Phán quyết ngày 12.7.2016 là chiến thắng pháp lý vang dội đối với Philippines trên cơ sở luật pháp về các vùng biển trong UNCLOS: Về pháp luật Trung Quốc không thể sử dụng “đường chữ U” để đòi quyền lịch sử với gần 80% Biển Đông, phải tôn trọng và không can thiệp về quyền chủ quyền của Philippines đối với thủy sản, dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này, và không thể “gây thiệt hại không thể khắc phục” đến sự toàn vẹn của môi trường biển như đã từng làm.

Ngày 12.7, người dân Manila (Philippines) vui mừng sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết - Ảnh: AP

Thắng lợi pháp lý của Philippines đem lại lợi ích cho các quốc gia ven biển khác như Việt Nam cho dù các nước này không gửi đơn kiện.

Trong hội thảo ngày 17.8 tại thành phố Nha Trang tiếp nối hai hội thảo năm 2013 và 2014 tại Quảng Ngãi và Đà Nẵng, chúng tôi muốn giới thiệu lại một số đoạn trong các bài viết trước đây của chúng tôi để thể hiện sự vui mừng khi Tòa Trọng Tài trong vụ kiện của Philippines đã xác nhận cho lập trường của Việt Nam mà chúng tôi đã trình bày tại 2 hội thảo ở Quảng Ngãi và Đà Nẵng:

Trung Quốc không thể đưa ra bất cứ cơ sở luật pháp quốc tế nào cho yêu sách lố bịch của họ (“đường chữ U”) và cũng tự mâu thuẫn tại các hội thảo quốc tế khi cung cấp nhiều cơ sở mơ hồ khác nhau cho yêu sách này: “vòng cung lịch sử” hay “vùng nước liền kề”.

Những yêu sách vô căn cứ và chung chung này rõ ràng đã vi phạm tuyên bố của các nước Đông Nam Á ven biển về lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Trong các vùng biển này, việc thực thi quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển được bảo vệ theo các điều 56, 57,76,77 của UNCLOS năm 1982.

Quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng là độc quyền của các quốc gia ven biển. Họ có thể được hưởng các nguồn tài nguyên này mà không yêu cầu phải tuyên bố yêu sách với chúng, họ có thể tiến hành xây các cấu trúc nhân tạo trên các đá bất kể chìm hay nổi, hay trên các đảo nhân tạo; có thể tiến hành nghiên cứu về biển, ban hành các quy định bảo vệ môi trường biển miễn là tôn trọng quyền tự do hàng hải, đặt đường ống dẫn dầu hay dây cáp của các quốc gia khác.

Các quốc gia không phải quốc gia ven biển không thể khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển nếu không được quốc gia ven biển cho phép rõ ràng.

UNCLOS đã dành các quyền độc quyền này cho các quốc gia ven biển “chắc chắn như đinh đóng cột”. “Đường chữ U” của Trung Quốc đòi chủ quyền khu vực biển rộng lớn là trái với UNCLOS (điều 89 nêu: Không một quốc gia nào có thể đòi đặt một cách hợp pháp một bộ phận nào đó của biển cả thuộc vào chủ quyền của mình).

"Đường chữ U” của Trung Quốc đòi chủ quyền khu vực biển rộng lớn là trái với UNCLOS - Ảnh: CNBC

Sau khi phản đối quyền tài phán bắt buộc của Tòa Trọng tài từ khi đơn kiện được nộp năm 2013, sau đó là những lời lẽ hiếu chiến không chấp nhận phán quyết cuối cùng về các vấn đề nội dung trong khoảng đầu tháng 7 đến tháng 8.2016 được đưa ra từ nhiều cấp của chính phủ Trung Quốc, từ Chủ tịch Tập Cận Bình cho đến bộ trưởng Ngoại giao và người phát ngôn, Trung Quốc đã thận trọng và hành xử kiềm chế hơn khi phản ứng phán quyết (một số học giả còn cho rằng đã đến lúc Trung Quốc chấp nhận một số khía cạnh trong phán quyết).

Trung Quốc có vẻ không sẵn sàng đưa ra các hành động mang tính đe dọa như xây dựng thêm trên bãi cạn Scarborough hay các đá ngầm và thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Thậm chí, Trung Quốc dường như đang chuyển hướng sang đàm phán, như đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đã nói, và hướng tới một cuộc chiến pháp lý: Trung Quốc không còn tỏ ý muốn rút khỏi UNCLOS nữa mà chỉ có Tòa án Tối cao Trung Quốc công bố quyết định riêng chống lại phán quyết trọng tài. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang cho rằng cuộc chiến tốt nhất là cuộc chiến trên mặt trận pháp lý.

Đó là lý do vì sao chúng tôi tập trung vào các lập luận pháp lý trong chương trình hành động sắp tới của Việt Nam cho dù chúng tôi biết rằng các cường quốc với hải quân mạnh như Mỹ có thể củng cố cho cuộc chiến pháp lý với mối đe dọa bằng sức mạnh cưỡng bức như đưa tàu sân bay đi qua Biển Đông và đến gần các thực thể địa lý đang tranh chấp.

Luật sư-Tiến sĩ Tạ Văn Tài (Trường Luật Đại học Harvard, Mỹ)

(Cẩm Bình chuyển ngữ)

Phần II: Tác động đến tình trạng pháp lý của các thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa và có thể cả Hoàng Sa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Phán quyết của Tòa Trọng tài tác động đến các thực thể địa lý