Khi nhắc đến một cuộc "chiến tranh lạnh" mới giữa liên minh do Mỹ dẫn đầu với trục quân sự Bắc Kinh - Moscow trong những năm qua, nó ít khi nhận được sự quan tâm từ người dân Trung Quốc. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, "chiến tranh lạnh" đang trở thành một chủ đề nóng tại Trung Quốc và thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia.
Sự quan tâm của người dân Trung Quốc đối với "chiến tranh lạnh" giữa liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc với phe Trung Quốc - Nga - Triều Tiên bắt đầu khi Washington công bố kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Mặc dù, Mỹ tuyên bố THAAD được dùng để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, nhưng Moscow và Bắc Kinh vẫn một mực cho rằng hệ thống tên lửa sẽ kiềm chế sức mạnh quân sự của 2 nước này.
Ngoài ra, sau khi Mỹ lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài tại The Hague vào ngày 12.7 (giờ địa phương) liên quan đến những yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông, các phương tiện truyền thông Trung Quốc bắt đầu sử dụng nhiều hơn cụm từ “chiến tranh lạnh” trong các bài xã luận của mình.
Một bài phân tích của Tân Hoa xã với tiêu đề “Chiến tranh lạnh hình thành tại Đông Bắc Á nếu Seoul chấp nhận THAAD”, cho biết việc triển khai hệ thống tên lửa của Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Hơn nữa, động thái của Mỹ cũng thúc đẩy quá trình hình thành các liên minh như từng xảy trong Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.
Bài xã luận của báo Global Times vào ngày 12.8, nhận định “liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đã hình thành trước khi THAAD được triển khai, trong khi Trung Quốc, Nga và Triều Tiên sẽ xem đây là một lý do để xích lại gần nhau, tạo nên cục diện mới tại Đông Bắc Á”. Hai bên sẽ sở hữu các lực lượng quân sự đối đầu nhau tại nhiều khu vực và liên tục chạy đua vũ trang nhằm thách thức đối phương.
Fan Jishe, chuyên gia nghiên cứu các chính sách của Mỹ tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, tuyên bố trong một hội nghị tại Singapore vào tháng 7.2016 rằng các quốc gia ASEAN cần có lựa chọn rõ ràng giữa Bắc Kinh và Washington. Điều này cho thấy tâm lý "chiến tranh lạnh" đang lan rộng tại Trung Quốc, thúc đẩy nước này mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực để chống lại sự phong tỏa của Mỹ.
Trung Quốc và Nga cũng tăng cường hợp tác quân sự thông qua kế hoạch tập trận hải quân chung đầu tiên tại Biển Đông vào tháng 9.2016, nơi Bắc Kinh đang có những tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á. Hai nước này cũng làm việc với nhau để đối phó lại với một hệ thống tên lửa THAAD khác có thể được triển khai tại Nhật Bản.
Nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc còn kêu gọi Bắc Kinh thắt chặt hơn nữa quan hệ với Moscow trong các hoạt động quân sự. Trong tháng 6.2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh và thông qua 3 tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh phương Tây là một thách thức cho những hoạt động của 2 nước.
Chuyên gia nghiên cứu chính trị Li Dunqiu tại Đại Học Chiết Giang nhận định lập trường chung giữa Trung Quốc và Nga thể hiện mối quan hệ đang ấm lên giữa hai nước và là dấu hiệu cho thấy một cuộc "chiến tranh lạnh" mới đang bắt đầu. Ông Li cho rằng việc Trung Quốc xích lại gần hơn với Nga và Triều Tiên sẽ giúp nước này tạo ra đối trọng với Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc ở khu vực Đông Bắc Á. Hai cán cân cân bằng sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh thỏa sức bành trướng và thực hiện các tham vọng của mình.
Tuy nhiên, trái ngược với những gì đang diễn ra trong mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, một số chuyên gia nhận định Mỹ và Trung Quốc khó có thể tham gia vào một cuộc "chiến tranh lạnh" mới.
Wang Dong, chuyên gia Đông Bắc Á tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng: “Bắc Kinh và Washington không thể xảy ra một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới, khi hai bên phụ thuộc rất nhiều vào nhau trong lĩnh vực kinh tế và xã hội. Ngoài ra, chi phí dành cho một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới giữa 2 cường quốc hạt nhân như Trung Quốc và Mỹ là rất lớn”.
Trong khi đó, Jing Canrong, chuyên gia phân tích quan hệ Trung - Mỹ tại Đại học Renmin, cho rằng đặc điểm quan trọng của một cuộc "chiến tranh lạnh" là cạnh tranh nhiều hơn hợp tác, nhưng trường hợp hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ không giống như vậy. Ngoài ra, ông Jing cũng cho rằng những ngờ vực kéo dài giữa Bắc Kinh, Moscow và Bình Nhưỡng khiến 3 nước rất khó hình thành một liên minh quân sự có thể đối đầu với phía Mỹ - Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Trung Quốc thường cam kết xây dựng một mối quan hệ tránh xung đột với Mỹ và tập trung nhiều hơn vào việc hợp tác, do đó rất khó xảy ra một cuộc "chiến tranh lạnh" giữa hai nước. Hơn nữa, chính sách đối ngoại hiện tại của Trung Quốc cũng khiến nước này gặp nhiều khó khăn trong việc liên minh với Nga hay một quốc gia manh động như Triều Tiên”, ông Jin nói với báo Straits Times.
Hàn Giang