Suốt hơn 10 ngày mật phục và di chuyển trên tuyến sông này, PV đã ghi nhận được những điều lạ lùng trong “cuộc chiến” đối mặt với cát tặc. Có cả ông “trùm” cát được phép tồn tại, ung dung ăn cắp cát để bán sinh lợi, đây là câu hỏi thật khó lý giải?

Bài 1: Sông Hàm Luông ‘dậy sóng’, ‘cát tặc’ mặc sức tung hoành và hung hãn

Thanh Huy | 14/05/2019, 07:00

Suốt hơn 10 ngày mật phục và di chuyển trên tuyến sông này, PV đã ghi nhận được những điều lạ lùng trong “cuộc chiến” đối mặt với cát tặc. Có cả ông “trùm” cát được phép tồn tại, ung dung ăn cắp cát để bán sinh lợi, đây là câu hỏi thật khó lý giải?

Hình thành băng nhóm kiểu “tập đoàn” để ăn cắp cát

Điểm nóng mà PV đeo bám nhiều ngày, dọc theo tuyến sông Hàm Luông đoạn từ mỏ cát An Hiệp (hiện mỏ này đã đóng cửa, không còn phép hoạt động), đến chân cầu Hàm Luông. Đoạn sông vừa nêu thuộc địa bàn giáp ranh 2 H.Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và TP.Bến Tre (cùng thuộc tỉnh Bến Tre), qua các xã Thanh Tân, Tiên Thủy, An Hiệp, Sơn Hòa và xã Mỹ Thành.

Vào các buổi chiều, lúc chập choạng tối, dựa theo nguồn tin “cảnh giới” cho hay: “Hôm nay không có động” (ý nói không có lực lượng chức năng đi tuần tra - PV), tuyến sông này lập tức dày đặc các phương tiện ăn cắp cát. Chúng tôi nhẩm đếm chỉ một khúc sông ngang chợ xã Sơn Hòa và vàm sông Mỹ Thành có gần 20 tàu gỗ loại 20 - 40m3, tàu sắt 80 - 100m3 đang cật lực hút cát. Lúc phương tiện của PV di chuyển, do không thấy dấu hiệu khả nghi, nên giới “cát tặc” cứ ung dung thả vòi hút đến khẳm tàu lé đé, mới lần lượt nổ máy rời đi.

Những tàu sắt khối lượng lớn loại trên 100 - 600m3 thì chờ đêm về khuya, khi không còn canô của Cảnh sát Môi trường tỉnh và Công an H.Mỏ Cày Bắc… vòng rảo, mới lao ra sông tha hồ hút trộm. Lưu thông trên sông Hàm Luông vào ban ngày, sẽ dễ thấy có hàng chục chiếc tàu sắt, ghe gỗ, từng cặp đôi đậu san sát nhau cạnh bờ. Nhóm thanh niên chuyên hút cát thuê ngủ mê mệt, do phải thức trắng đêm đi trộm. Mỗi nhóm chừng 6 - 8 tàu hút cát, trang bị 1 ghe nhỏ neo kề cận. Đó là các phương tiện chuyên đeo bám… cảnh giới trên sông.

1 tàu gỗ hút cát rút vòi tháo chạy khi bị PV ghi hình vào chiều 2.5 trên sông Hàm Luông - Ảnh: Huy Phương

Tại điểm nóng này, có 3 “tập đoàn” hút cát được liên kết, ăn theo với nhiều phương tiện tàu sắt, ghe gỗ. Có máu mặt phải kể là: nhóm tàu sắt hút cát của ông chủ Chi nhánh Công ty CP Tư vấn thiết kế đầu tư xây dựng Sông Lam, (gọi tắt là Công ty Sông Lam). Ông này có 1 hầm cát rộng gần 1ha cách cầu Hàm Luông khoảng hơn 500m (phía bờ xã Thanh Tân, H.Mỏ Cày Bắc), cùng 3 tàu sắt công suất lớn.

Ngoài ra còn nhóm của ông Đen với những tàu sắt trên 100m3 và nhóm tàu sắt của ông Phong (chủ cây dầu) xã Thanh Tân, giới “cát tặc” quen gọi là Phong “Dầu”… Liên kết theo các nhóm là hàng chục ghe gỗ khác…

Cũng tuyến sông Hàm Luông, tại địa phận H.Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre), các xã nổi tiếng vì nạn “các tặc” hoành hành là Phước Long, Hưng Phong, Thạnh Phú Đông, Hưng Lễ…

1 người dân tỏ bức xúc, kể vanh vách tên của hàng loạt chủ ghe gỗ nhiều năm qua đã tập hợp lại kiểu “tập đoàn”, để ngoại giao chung chi, né cảnh bị bắt, phạt vạ… Theo lời 1 “cát tặc” thừa nhận, thậm chí có hôm canô của công an huyện đi bắt cát đậu ngay tại điểm nóng, nhưng ghe hút cát vẫn hút đì đùng. Người dân chế nhạo rằng: “Công an canh đường cho… cát tặc”.

Nếu có trường hợp bị công an bắt, là do nhóm này “chơi xỏ” nhóm kia, hoặc những “cát tặc” hoạt động đơn lẻ cô thân, không tham gia băng nhóm... Những nhóm liên kết, có mối quan hệ tốt để hành nghề nhưnhóm của ông Dũng què, ông Phương, Bảo Xuyên… đa số ngụ ở xã Phước Long. Các nhóm này tập hợp khoảng 20 ghe gỗ loại từ 10m3 đến trên 30m3. Cậu ruột của 1 Phó Công an xã Hưng Phongcũng có nhiều phương tiện hút cát và có cả hầm chứa cát tại xã này.

Ghe canh đường đeo bám và truy đuổi phương tiện của PV suốt 1 giờ liền (trong đêm) tại khu giáp ranh 2 xã Sơn Hòa và Thanh Tân - Ảnh: Huy Phương

“Hiện nay, trên sông Hàm Luông không còn mỏ cát nào được cấp phép, giá cát san lấp tăng gần gấp đôi và tất cả những đội ghe hành nghề cát đều phải đi ăn cắp” - giới “cát tặc” nhìn nhận.

Bị truy đuổi trên sông như phim hành động!

Trước và sau những ngày nghỉ lễ 30.4, 1.5, chúng tôi dùng nhiều loại phương tiện, nhiều lần đi trên đoạn sông Hàm Luông từ khu công nghiệp An Hiệp đến cầu Hàm Luông, ghi nhận hễ có lực lượng đi tuần tra thì cả tuyến sông lặng thinh. “Cát tặc” biết trước và biết chính xác thời điểm lực lượng đi tuần, có thể thông tin rò rỉ từ trong nội bộ. Nghi vấn có cả mối quan hệ “bảo kê”, vì các trùm cát tại địa phận này “ngoại giao” rất dữ, nhất là Công ty Sông Lam!

Điều ngạc nhiên là số ghe canh đường của nhóm ông Đen, ông Phong “Dầu” và Công ty Sông Lam… quần đảo nhiều hơn gấp chục lần so với canô tuần tra của công an. Ít nhất 3 phương tiện ghe canh đường có mặt túc trực cả ngày lẫn đêm trên sông.

Chiều 1.5, khi PV tiếp tục rảo phương tiện để quan sát trên sông Hàm Luông, xuất hiện 1 ghe canh đường do 1 thanh niên lực lưỡng cầm lái, vòng qua vòng lại đeo bám theo. Khi phương tiện của chúng tôi tiến thẳng về phía khu công nghiệp An Hiệp, chiếc ghe canh đường lập tức giảm tốc độ và tấp vào trạm dầu của ông Phong.

Tàu hút cát của nhóm Phong “Dầu”, đậu san sát tại trạm dầu của ông Phong chờ đêm xuống tỏa ra hành nghề - Ảnh: Huy Phương

Trước đó vài ngày, thật kinh hãi và rất nguy ngại khi chúng tôi đánh liều, công khai ghi hình nạn cát tặc. Khoảng 21 giờ đêm, khi phát hiện phương tiện của PV xuôi ngược mấy vòng trên sông để ghi hình, 2 ghe canh đường (1 ghe trùm bạt kín) đeo bám quyết liệt với khoảng cách rất gần trong suốt 1 giờ liền.

Bọn chúng truy tận cùng bằng đèn pin tầm xa (đội đầu). Khi phương tiện của chúng tôi quyết định dừng lại phía bờ H.Mỏ Cày Bắc, 1 tay canh đường áp sát dùng đèn soi tận trong mui ghe truy tìm chúng tôi và tỏ vẻ muốn truy sát tài công.

Để giải vây cho tài công, PV buộc phải dùng máy ghi hình bật đèn flash chụp ảnh trực diện. Lúc này tay lái ghe canh đường hung hãn liền tăng ga lao đi. Không lâu sau đó, 1 ghe canh đường khác và chiếc ghe canh đường lúc nãy bất ngờ quay lại tiếp tục dùng đèn rọi vào chúng tôi ở khoảng cách xa hơn.

Quyết định phải ghi hình cho bằng được ngay trong đêm, chúng tôi nán lại trên sông. Cuối cùng 1 tàu sắt hút cát trên trăm mét khối cát khẳm đừ đã lọt vào ống kính của chúng tôi. Trên tàu sắt bị ghi hình có 3 “cát tặt”, đối tượng điều khiển tàu liền gọi điện thoại báo tin cho chủ biết, đồng thời nổ máy hết tốc lực để tháo chạy. Bất ngờ chiếc tàu ăn cắp cát bị tắt máy, đành thả trôi chịu trận giữa sông.

1 tàu sắt hút cát trên 100 m3 bị PV ghi hình trong đêm - Ảnh: Huy Phương

Ghi hình xong, phương tiện chở PV khỏi hiện trường. 3 tay “cát tặc” trên tàu chắc chắn sẽ thở phào nhẹ nhỏm và thắc mắc vì sao tàu mình không bị bắt, vì tưởng PV là lực lượng chức năng! Đêm đó dù bọn canh đường rất hung hãn nhưng xem như đã không hoàn thành nhiệm vụ cảnh báo.

Thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi muốn nêu lên một thực trạng “loạn cát tặc” tại điểm nóng cách không xa và thậm chí ngay cạnh chân cầu Hàm Luông. Vì sao cát tặc vẫn ung dung và ngày càng mở rộng thế lực? Vì sao cơ quan chức năngtỉnh Bến Tre không lập những chốt canh cố định và thanh tra giám sát từ nguồn dư luận? Chỉ khi nào Bến Tre quyết liệt với cát tặc thì người dân mới không còn đặt câu hỏi: “Phải chăng có nạn chung chi “bảo kê”, nên cát tặc mới dám lộng hành như vậy?”.

Hầu hết các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều đã đóng cửa, vì trữ lượng cát bị khai thác gần như cạn kiệt. Trong khi đó nhiều địa chỉ khác dọc theo các tuyến sông (nơi không quy hoạch mỏ) vẫn còn cát, và đang trở thành những điểm cực nóng. Tại các điểm nóng, thời gian gần đây lại có nhiều biểu hiện đáng nghi vấn trong công tác quản lý, xử lý…?

Huy Phương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
32 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Sông Hàm Luông ‘dậy sóng’, ‘cát tặc’ mặc sức tung hoành và hung hãn