Những người xuất khẩu lao động hợp pháp sang Hàn Quốc sau khi hết thời hạn thì phải về nước. Nếu họ muốn ở lại, họ phải lựa chọn con đường là trốn tránh sự kiểm soát của nhà chức trách nước này. Và nhiều người có đủ cách để đạt được nguyện vọng đó.
Hàn Quốc - thiên đường lao động cho người nước ngoài?
Đó là nhận xét của anh Trần Văn Khách (35 tuổi, ngụ H.Phong Điền, TP.Cần Thơ). Anh Khách đã có thời gian ở Hàn Quốc trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2007. Anh Khách cho biết thêm, anh có rất nhiều bạn, người quen ở và lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc suốt mười mấy năm qua mà nhà chức trách nước này không phát hiện được…
Anh Khách sau khi học hết lớp 9 thì đi học trung cấp nghề cơ khí, chuyên ngành tiện. Lang bạt qua nhiều tiệm cơ khí ở Cần Thơ được 7 năm, tay nghề tương đối cứng, anh ôm mộng xuất khẩu lao động.
“Nhà ở quê cha mẹ làm vườn nghèo khổ, 4 anh em trai tôi luôn muốn lo cho ông bà cuộc sống sau này sung túc. Và đến giờ, đã đi xuất khẩu lao động thành công, 2 người đi Hàn Quốc, 1 người đi Đài Loan. Hiện chỉ có tôi là đã về, sắp tới mới có thêm 1 người nữa”, anh Khách kể.
Để qua được Hàn Quốc lao động hợp pháp, anh Khách tham gia một lớp học tiếng Hàn, được trang bị một số kiến thức cần thiết khi đến nơi. Sau khi đến Hàn, anh được quyền thử việc ở một số công ty rồi mới lựa chọn chỗ làm mà mình hài lòng nhất. Với hình thức lao động hợp pháp, anh Khách với bạn bè đi cùng lứa với mình, hưởng nhiều chế độ ưu đãi của đất nước này.
Anh Khách nhận xét: “Chúng tôi được lo chỗ ăn, ở hoàn toàn miễn phí. Mùa đông được phát thêm áo. Có thể lựa chọn tăng ca hay không. Tiền lương tôi làm ra được có thể để nguyên nếu không có nhu cầu tiêu xài cá nhân. Khi hết hạn hợp đồng, chúng tôi còn được thanh toán một khoản tiền để hồi hương nữa. Nói chung tôi thấy môi trường lao động ở Hàn Quốc rất tốt. Những người chủ doanh nghiệp ở đất nước này rất chuyên nghiệp và sòng phẳng, tôn trọng lao động nước ngoài”.
Đám cưới của anh Khách và vợ được chính phủ Hàn Quốc tổ chức- Ảnh: Thanh Nguyên
Ở Hàn Quốc, công việc của anh Khách là đứng máy tiện, đơn giản anh chỉ đưa phôi vào cho máy tiện ra sản phẩm. Thu nhập của anh sẽ từ trên 20 - 30 triệu đồng, tùy vào anh có tăng ca thường xuyên hay không. Thời hạn lao động của anh Khách là 4 năm 10 tháng, khi hết hợp đồng, nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục thuê thì anh phải về nước làm lại hồ sơ. Thông thường, những lao động như anh Khách được doanh nghiệp ký hợp đồng mới không nhiều.
Trong thời gian lao động tại đây, anh Khách gặp vợ là người Việt cũng đang làm công nhân ở đây. Họ quyết định tiến tới hôn nhân. Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm đến đời sống của lao động nước ngoài. Một hôn lễ tập thể bao gồm nhiều cặp đôi là lao động nước ngoài được tổ chức hoành tráng, với sự chúc phúc của dư luận xã hội Hàn Quốc. Nhưng cũng từ đây, anh Khách bước vào một sự lựa chọn căng não.
Sau khi lấy vợ, anh Khách không ở ký túc xá của công ty nữa, mà anh và vợ ra ngoài thuê nhà trọ ở. Cuộc sống ấm cúng của đôi vợ chồng trẻ êm đềm trôi qua. Cho đến khi thời hạn hết hợp đồng của anh sắp hết, trong khi đó, vợ của anh còn tới 2 năm mới hết hạn hợp đồng. Anh Khách quyết định không về như thỏa thuận ban đầu, anh trốn khỏi công ty và ra ngoài tìm công việc khác.
Cuộc đột nhập bắt lao động trái phép như phim hành động
Anh Khách lang thang qua nhiều công ty để xin việc. Hàn Quốc là đất nước có thế mạnh về sản xuất thiết bị điện tử, điện gia dụng. Trong đó, có nhiều khâu không cần chuyên môn, kỹ thuật mà chỉ cần lao động phổ thông cũng có thể làm được như các khâu kiểm tra những vỏ nhựa của thiết bị, bắn cát tạo bề mặt nhám cho một số bộ phận… Sẽ có những công ty chuyên làm riêng những khâu này.
Và anh Khách đã tìm được một công việc như thế. Khi mới trốn khỏi công ty được 2 tháng, trong lúc đang làm việc với 4-5 đồng hương, anh Khách bất ngờ thấy những cảnh sát mặc sắc phục đứng sau lưng mình. Mỗi cảnh sát khống chế 1 người lao động và đưa về đồn.
“Chúng tôi làm việc ở tầng 3, khi làm thì đeo kính bảo hộ, khẩu trang nên ít để ý chung quanh. Nhưng sau này tôi mới biết họ khóa cửa phòng bên ngoài trước rồi đột nhập vào đường nào đó mà chúng tôi không hề hay biết. Đến khi họ báo động rồi khống chế, chúng tôi mới biết. Cứ như phim hành động”, anh Khách nói. Anh Khách cùng những người bị bắt bị chính phủ Hàn Quốc trục xuất về nước. Vợ anh cũng vì thương chồng mà không lâu sau đó cũng về theo, đó là vào năm 2013.
Anh Khách cho rằng, sở dĩ mình bị bắt là có người trình báo cho cảnh sát. Có thể do cạnh tranh trong làm ăn giữa các công ty, khi biết công ty đối thủ có sử dụng lao động bất hợp pháp, bên đối thủ hoàn toàn có thể đi báo cảnh sát. Còn có những trường hợp khác có thể ở lại Hàn Quốc đến mười mấy năm trời mà cảnh sát không phát hiện.
“Đó là những người an phận, họ sống thầm lặng, không phiền hà hàng xóm, không làm mất lòng ai, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Họ tìm những công việc mà ít người chịu làm, như thế sẽ được chủ bảo bọc. Như bạn của tôi, trốn lại bên đó từ năm 2006 tới giờ, có bị phát hiện đâu. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Anh ấy làm nghề hàn inox, thu nhập bây giờ vào khoảng 60 - 70 triệu đồng mỗi tháng”, anh Khách phân tích.
Anh Khách cũng thông tin thêm rằng, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc sống rất đông và rải rác nhiều nơi. Do có thể các cô dâu Việt sống ở đây thời gian dài đã đưa người thân, gia đình mình sang nên tạo thành những cộng đồng đông đúc. Thời gian đầu khi ra đường gặp người Việt, anh mừng lắm. Nhưng một thời gian sau, anh phát hiện có những khu toàn người Việt sống, những cửa hàng bách hóa của người Việt, bán đồ thực phẩm người Việt khắp nơi. Chính cộng đồng người Việt này, sẽ bảo bọc, che chở cho những người lao động Việt bất hợp pháp ở đây.
“Có những người ở chui ở đây 15 - 16 năm, nhớ nhà quá mới chịu về. Khi ra đến sân bay, hải quan mới hỏi: “Anh ở bằng cách nào mà chúng tôi không phát hiện ra?”. Hàn Quốc thật sự là nơi dành cho lao động nước ngoài, ngày trước người ta chuộng đi Nhật, nhưng giờ thì hết rồi”, anh Khách bày tỏ kinh nghiệm.
Anh Khách cùng vợ trong lần xuất ngoại đi hái chè xanh ở Đài Loan- Ảnh: Thanh Nguyên
Trở về từ Hàn Quốc, 2 vợ chồng trở về quê hương với một ít vốn trong tay, họ mua lại 1 căn nhà trọ để kinh doanh, tạo dựng cuộc sống tương lai. Mấy năm gần đây, việc kinh doanh không thuận lợi, lại bận rộn với con nhỏ, vợ chồng anh Khách bán căn nhà trọ đi để tìm hướng đi khác.
Đầu năm 2018, khi đang chênh vênh không biết làm gì, vợ chồng anh Khách lại đi Đài Loan du lịch rồi ở lại tìm việc làm. Ban đầu họ cùng làm trong 1 trang trại trồng rau củ, sau đó chuyển sang hái chè xanh cho các đồn điền. Với mức thu nhập gần 2 triệu đồng mỗi ngày, đến cuối năm 2018, họ lại trở về quê hương với một số vốn trong tay. Đến nay, vợ chồng anh Khách tạm gác ý nghĩ xuất khẩu lao động. Họ muốn tìm một cơ hội để phát triển ở quê hương…
Dù trải qua bao nhiêu khó khăn, anh Khách vẫn cho rằng, đi xuất khẩu lao động thực sự là một cơ hội để cải thiện kinh tế và cả tư duy, cách sống của người Việt. Theo anh, khi quyết định đi xuất khẩu lao động thì cần hạ quyết tâm cao và đặt ra mục tiêu để trở về. Mặc dù khi trở về quê hương, việc kiếm sống có khó khăn chật vật hơn và phải mất thời gian mới cân bằng được.
Anh đúc kết: “Lúc về nhà, tôi có mở 1 quán nước trước cổng bệnh viện, hằng ngày kiếm từng đồng bạc lẻ. Tôi thấy khó chịu và nản lắm, mình từng làm 1 tháng mấy chục triệu, khỏe re. Giờ đi phục vụ cho người khác đổi lấy mấy đồng tiền lời, bất mãn lắm chứ, nhưng đó là thực tế mình phải vượt qua nếu không muốn sống đời tha hương”.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Thanh Nguyên