Để tìm được việc, họ phải thông qua các môi giới người Việt ở Đài Loan. Và trong quá trình làm việc, sẽ phải gắn liền quyền lợi với những người này. Do phải phụ thuộc, họ bị bóc lột, ăn chặn tiền công, hãm hại.

Bài 2: Khi bị chính đồng hương bóc lột

Nguyên Việt | 03/12/2019, 18:58

Để tìm được việc, họ phải thông qua các môi giới người Việt ở Đài Loan. Và trong quá trình làm việc, sẽ phải gắn liền quyền lợi với những người này. Do phải phụ thuộc, họ bị bóc lột, ăn chặn tiền công, hãm hại.

Việc càng nguy hiểm, càng nhiều tiền

Lấy vợ xong, anh Trần Hiếu Văn (30 tuổi, ngụ H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) mở 1 tiệm ăn nhỏ chuyên phục vụ cho học sinh trên địa bàn xã mình sống. Việc làm ăn thất bại, đôi vợ chồng trẻ mang một món nợ, khó có khả năng trả. Tính tới tính lui, thấy bạn bè làm việc nước ngoài rủng rỉnh tiền bạc khi trở về, cha mẹ của họ cũng sống an nhàn hơn vì nguồn ngoại tệ con cái gửi về… Anh Văn quyết định sang Đài Loan đi làm. Việc nặng nhọc gì cũng được, miễn là không phạm pháp anh cũng làm để kiếm tiền.

Tháng 8.2018, anh Văn mua 1 chuyến du lịch hơn 20 triệu đi Đài Loan trong 3 ngày. Sau khi trở về, anh mới thực sự trở lại Đài Loan để đi làm.

“Tôi đi cách này cho an toàn. Tức là mình đã có lịch sử nhậpcảnh ở Đài Loan bằng hình thức du lịch. Khi trở lại sẽ dễ dàng hơn, và không bị họ nghi ngờ”, anh Văn nói.

Thời gian đầu, thông qua 1 môi giới việc làm người Việt nói được tiếng Đài, anh Văn cũng đi làm phụ hồ. Nhưng chưa đầy 1 tuần, thấy công việc này kiếm không được nhiều tiền, anh đi tìm việc khác. Việc anh Văn lựa chọn là đóng giàn cốt pha cho những công trình chuẩn bị đổ bê tông. Đây là công việc nặng nhọc và cực kỳ nguy hiểm.

“Chuyện có công nhân bị té, gãy tay, vỡ đầu không phải là chuyện hiếm. Nhưng tiền công ở đây cao nên nhiều lao động chui muốn làm lắm”. Với 1 ngày làm công, những lao động công việc nặng nhọc ấy sẽ nhận khoảng 1.700 - 1.800 Đài tệ, tức khoảng 1,3 triệu đồng.

Anh Văn kể: “Đó là những công việc hết sức vất vả, chúng tôi phải mang vác đồ rất nặng, làm giữa trời nắng, làm việc trên cao, bị sai vặt đủ cả. Họ chỉ cho chúng tôi làm những việc đó và không cho thử những việc khác. Họ muốn chúng tôi chỉ làm những việc này và mãi phụ thuộc vào họ”.

Anh Văn phải lao động hết sức vất vả, nguy hiểm để có số tiền thù lao trong mơ- Ảnh: Thanh Nguyên

Họ ở đây không phải là người Đài Loan, mà chính là những người Việt ở Đài Loan lâu năm, nói được tiếng địa phương và có những nguồn công việc mà những người như anh Văn cần.Sau một thời gian làm việc, anh Văn nhận ra rằng, những người này đã bóc lột anh thậm tệ như thế nào.

Anh chua xót nói: “Tiền công mà chủ thầu người Đài Loan trả cho chúng tôi từ 2.300 đến 2.500 Đài tệ, nhưng bị những người này bóp lại, chỉ trả chúng tôi từ 1.700 đến 1.800 Đài tệ cho mỗi người. Chúng tôi biết, nhưng không thể làm gì được vì không giao tiếp được với chủ thầu, và họ cũng không cho chúng tôi có cơ hội đó”.

Chưa dừng lại ở việc ăn chặn tiền công, những người này không bao giờ cầm tay chỉ việc cho những công nhân như anh Văn biết việc để làm. Họ không muốn những công nhân này có trình độ. Vì khi có trình độ, và sự hiểu biết nhất định sẽ tự đi tìm công việc khác và cạnh tranh làm việc với họ. Họ luôn tỏ ra là những người có công cưu mang, tìm việc và hết sức coi trọng những người như anh Văn và ngày nào họ cũng lập đi lập lại điệp khúc đó.

“Khi tôi quen biết với 1 người đàn ông người Việt khác, anh ta cũng có mối quan hệ với các chủ thầu xây dựng Đài Loan, muốn tìm công nhân để thi công một số hạng mục. Anh này trao đổi với tôi và muốn tôi về làm việc cùng. Anh sẽ trả đúng mức thù lao mà người Đài Loan trả cho tôi. Tôi về đề nghị với trưởng nhóm của mình.

Không biết, anh ta tìm hiểu như thế nào, mà qua hôm sau anh kia điện cho tôi nói là không cần tìm người nữa. Tôi tìm hiểu thì mới biết nhóm trưởng bên tôi đã can thiệp, hù dọa nên anh kia không dám nhận tôi về. Họ muốn quản chúng tôi thật chặt, còn nếu chúng tôi muốn đi, họ sẽ thù ghét và trả thù bằng cách báo cảnh sát bắt chúng tôi”, anh Văn chua chát kể.

Đi một đôi về một nửa

Qua Đài Loan được 3 tháng, thấy công việc ổn định, anh Văn gọi điện bàn với vợ cùng qua để làm việc kiếm tiền. Vợ anh Văn thời gian đầu cũng đi phụ hồ, nhưng công việc quá nặng nhọc khiến chị chịu không nổi. Còn đi tìm việc khác thì không biết tìm ở đâu.

Sau một thời gian mày mò học một ít tiếng Đài Loan cơ bản, chị xin được vào làm ở 1 nhà hàng ăn uống. Nhờ chịu khó, siêng năng, công việc dần đi vào ổn định. 2 vợ chồng tuy không sống cùng nhau, nhưng vài ba ngày lại tranh thủ thời gian gặp mặt. Cuộc sống của vợ chồng anh Văn dần ổn. Họ mơ ước kiếm đủ tiền về quê trả nợ và dành ra một chút để làm ăn.

Nhưng cuộc sống không lường trước được chữ ngờ, mọi dự tính của 2 vợ chồng dở dang khi anh Văn bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ. Đó là 1 chiều tháng 5.2019, khi anh Văn cùng các bạn người Việt đang làm việc tại công trình thì lực lượng chức năng Đài Loan ập đến, đưa 5 người Việt về đồn vì lao động bất hợp pháp. Anh Văn bị bắt và giam giữ trong 13 ngày, rồi nộp phạt về nước cùng nhiều người Việt khác.

Trở về nước khi vợ vẫn còn ở lại Đài Loan, anh Văn không can tâm, nhưng anh cũng không biết làm gì hơn. Anh đề nghị vợ đầu thú rồi về nước sớm. Nhưng chị vợ tiếc công việc vừa mới ổn định, những ngày thù lao hấp dẫn nên đến nay vẫn nấn ná chưa về. Anh Văn kể, 10 tháng làm việc quần quật ở xứ Đài, ngày về anh còn dư được hơn 100 triệu đồng, số tiền này chỉ đủ trả nợ, chưa đủ để anh làm ăn gầy dựng tương lai.

“Lúc còn làm bên đó, hàng tuần tôi đều gửi tiền về nhà ở Cần Thơ. Dù phí gửi có cao nhưng mình đâu biết khi nào mình bị bắt, nên cứ gửi cho chắc ăn. Bây giờ, tôi chỉ mong vợ sớm về. Mấy tháng nay tôi đi học nghề quay heo, gà, vịt để sau này có thể tự mở hàng quán. Công việc tôi ổn định rồi lúc đó vợ tôi về thì 2 vợ chồng cùng làm. Còn bây giờ hỏi tôi có chịu đi lao động nước ngoài nữa không thì cũng rất khó trả lời. Dù gì, tiền lương bên ấy rất cao, rất hấp dẫn nhưng rủi ro cũng rất nhiều”, anh Văn phân vân.

Môi trường làm việc của những lao động chui tiềm ẩn những nguy cơ chết người -Ảnh: Thanh Nguyên

Sau gần 1 năm làm việc ở Đài Loan, anh Văn nhận ra nhiều điều. Rằng Đài Loan rất cần những lao động phổ thông như anh. Người bản xứ khi đã có học thức, không ai chịu làm việc chân tay. Nếu làm việc nặng nhọc, họ sẽ đòi một mức lương khác và năng suất cũng không thể bằng lao động nước ngoài. Anh cũng nhận ra một điều: người Đài Loan rất công bằng, sòng phẳng, họ trả thù lao xứng đáng với công sức lao động anh làm ra. Anh bị ăn chặn chỉ là do môi giới công việc đồng hương.

“Tôi thấy người Đài Loan không mắng chửi công nhân. Mình không biết làm cái gì, họ chỉ. Mình làm sai cái gì, họ giải thích, không cáu gắt. Còn trưởng nhóm làm việc của chúng tôi, khi xin nghỉ làm 1 ngày vì quá mệt, chúng tôi còn bị cằn nhằn lên xuống. Chúng tôi làm không có ngày nghỉ, chỉ khi nào muốn thì mới xin nghỉ”, anh Văn cho hay.

Ở xã anh Văn sinh sống, có rất nhiều thanh niên, đàn ông đi lao động ở Đài Loan, đa số là làm chui. Họ lựa chọn con đường này vì thu nhập sẽ cao hơn xuất khẩu lao động chính thức và muốn về lúc nào thì về. Có ý kiến cho rằng, do nhu cầu lao động ở Đài Loan rất cao, nên cảnh sát không kiểm tra bắt bớ những lao động nước ngoài trái phép. Chỉ khi có người phản ánh, cảnh sát mới vào cuộc.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Khi bị chính đồng hương bóc lột