Như đã phân tích trong kỳ 1 và kỳ 2, ngành chăn nuôi Việt Nam sở dĩ bị đánh giá là lĩnh vực chịu nhiều sức ép nhất sau khi TPP và các FTA đi vào hoạt động ngoài lý do các đối thủ cạnh tranh như Mỹ và Australia quá mạnh trong lĩnh vực nay, thì một nguyên nhân chủ đạo khác là tình trạng của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện tại đang quá yếu.
Cần xây dựng một cơ chế tổng thể và toàn diện cho ngành chăn nuôi
Sở dĩ ngành chăn nuôi Việt Nam ở thời điểm hiện tại bị đánh giá là gần như hoàn toàn chưa có gì, là do Việt Nam gần như chưa có được bất cứ một mảnh ghép nào trong bức tranh toàn cảnh về ngành chăn nuôi. Chúng ta đang phải nhập con giống, nhập nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi đồng thời phần lớn thức ăn chăn nuôi mà Việt Nam phải mua là của các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là chưa kể, các mô hình phát triển chăn nuôi quy mô lớn cũng rất hạn chế. Nói tóm lại, ngoại trừ công đoạn chăm sóc vật nuôi vốn chỉ là sức lao động thuần túy, thì ngành chăn nuôi Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu từ nước ngoài từ A đến Z.
Chính việc hầu như chưa có gì trong tay đã khiến cho giá cả và chất lượng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đang trở nên thiếu tính cạnh tranh đến thế ở thời điểm hiện tại. Nó sẽ không được giải quyết chỉ với một vài trang trại chăn nuôi quy mô lớn mà các tập đoàn trong nước vừa đổ vốn vào xây dựng, như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup hay gần đây là BIDV. Vì dù đã thành lập các trang trại chăn nuôi quy mô lớn thì con giống, thức ăn chăn nuôi chúng ta vẫn chưa thể tự sản xuất và vẫn phải nhập khẩu, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam trung bình cao hơn 10 – 20% so với các nước trong khu vực, thì rõ ràng đây vẫn là một bất lợi lớn.
Điều đáng nói ở đây là, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, dù là khối FDI hay khối nội địa, đều đang nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu để sản xuất, với trị giá lên tới hơn 2 tỷ USD mỗi năm, trong khi Việt Nam lại đang là một quốc gia có lợi thế về nông nghiệp và hoàn toàn có thể cung cấp các nguyên liệu này mà không cần nhập khẩu. Nếu có thể thiết lập bộ phận cung ứng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ở trong nước, thì đó không chỉ đem lại lợi ích cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, mà còn cho cả nền nông nghiệp Việt Nam. Không những thế, Việt Nam với những lợi thế về nông nghiệp của mình, hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia xuất khẩu nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn trong khu vực và trên thế giới.
Cần một mô hình chăn nuôi hiện đại và hiệu quả đóng vai trò chủ đạo
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay vẫn là thiếu một mô hình chăn nuôi hiện đại và hiệu quả, có thể áp dụng rộng rãi. Một vài trang trại chăn nuôi quy mô lớn trị giá hàng ngàn tỷ đồng của các tập đoàn lớn cũng sẽ không giải quyết được vấn đề của toàn ngành, khi mà vẫn có tới hơn 50% các cơ sở chăn nuôi trên cả nước vẫn là theo mô hình hộ gia đình, trong một số lĩnh vực như chăn nuôi lợn thì tỷ lệ này còn cao hơn, tới 86%. Quá nửa sản phẩm chăn nuôi cung cấp cho thị trường vẫn đến từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ này, và mô hình trang trại quy mô vừa và lớn vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ vừa phải trong việc cung cấp sản phẩm cho thị trường.
Vấn đề chuyển đổi mô hình sản xuất sang quy mô lớn ở ngành chăn nuôi trên thực tế khó khăn hơn rất nhiều so với trồng trọt. Nó đòi hỏi quá nhiều yếu tố cần đầu tư, từ diện tích chăn nuôi lớn, cho đến đầu tư tài chính để thiết lập chuồng trại, mua con giống và chăm sóc theo quy trình dây chuyền hiện đại. Nếu như trong trồng trọt, các HTX theo mô hình mới có thể giải quyết các vấn đề về đất đai bằng cách hợp nhất đất trồng trọt của các hộ gia đình và liên kết với các doanh nghiệp để được cung cấp giống, công nghệ và tài chính; thì trong chăn nuôi lại không.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Enternews, Adeco, Zing, Ncseif)