Sau gần 5 năm đầu làm lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói suông chuyện cải cách kinh tế, là nhận định của các nhà phê bình, theo báo New York Times (Mỹ) ngày 4.3.

Báo Mỹ: Ông Tập Cận Bình nói suông chuyện cải cách kinh tế

06/03/2017, 06:11

Sau gần 5 năm đầu làm lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói suông chuyện cải cách kinh tế, là nhận định của các nhà phê bình, theo báo New York Times (Mỹ) ngày 4.3.

Ông Tập Cận Bình đến dự kỳ họp của Chính Hiệp Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Những năm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình nói nhiều về cải cách kinh tế, như hồi tháng 2, ông yêu cầu cán bộ Trung Quốc đặt trọng tâm tối đa vào mục đích cải tổ kinh tế.

Nhưng NYT viết: “Liệu ông Tập có thật sự nói nghiêm túc về những bước khó khăn cần thiết để chỉnh sửa nền kinh tế, hay ông chỉ nói suông về cải cách nhằm bào chữa việc ông tăng cường nắm quyền lực” .

Người bảo vệ ông Tập nói ông phải củng cố quyền lãnh đạo trước tiên, trước khi ông có thể đưa ra những quyết định đau đớn nhưng cần thiết để mở cửa các thị trường và loại bỏ những công ty-tập đoàn nhà nước phình to nhưng làm ăn không hiệu quả.

Họ còn nói cần tránh tối đa sai lầm, dứt khoát phải cẩn trọng, vào lúc sức tăng trưởng kinh tế của các nước khác yếu và giảm nguồn cầu hàng Trung Quốc xuất khẩu.

Họ nói bằng chứng kết quả sẽ có trong 5 năm thứ hai làm lãnh đạo của ông Tập, khi ông đã có đủ quyền lực để thúc đẩy những chỉnh sửa chính sách kinh tế.

“Ông Tập Cận Bình hành xử theo bản năng”

Thực tế thì ông Tập cũng đã được công nhận là “lãnh đạo cốt lõi” của CPC vốn có 88 triệu đảng viên. Danh hiệu này trước đây chỉ dành cho các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân.

Vai trò lãnh đạo cốt lõi tái khẳng định quyền lãnh đạo tối cao của ông Tập, giúp công củng cố quyền lực trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 19 vào cuối năm nay, thời điểm ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm thứ hai ở vị trí Tổng bí thư.

Theo NYT, ông Tập đã là lãnh đạo quyền lực nhất. Ông liên tục dùng quyền này để thúc tiến hành những cải cách mà ông cho là cần thiết, ví dụ chỉ đạo những can thiệp nặng tay vào thị trường chứng khoán, hạn chế chuyện “thổi giá” nhà đất và quyết chặn dòng vốn Trung Quốc chảy ra nước ngoài.

Những nhà phân tích nói vấn đề ở chỗ ông Tập đòi quyền kiểm soát về trung ương, ổn định chính trị-xã hội, là những yếu tố thường dẫn đến chỗ “nhấn nước” những nỗ lực hướng đến giải phóng nền kinh tế Trung Quốc. Họ nói trong 5 năm thứ hai của ông Tập, mọi sự cũng như thế.

Scott Kennedy, chủ nhiệm Dự án thương mại và chính trị kinh tế Trung Quốc (thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược-CSIS) nói: “Tôi rất nghi ngờ, vì tôi nghĩ không có chuyện không có quyền, hoặc do sự phản đối chuyện đặc quyền đặc lợi mà ông ấy không tiến theo hướng giải phóng nền kinh tế. Thay vào đó, ông ấy hành động theo bản năng của ông ấy khi đối mặt những thách thức kinh tế. Và tôi không nghĩ sẽ có sự thay đổi về bản năng của ông ấy hoặc những thách thức này”.

Theo NYT, nhiều nhà kinh tế học, các cố vấn chính sách ở Bắc Kinh không giấu sự thất vọng về lời hứa của ông Tập là táo bạo cải cách nền kinh tế Trung Quốc.

Năm 2013, ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường lập kế hoạch lớn để các thị trường và doanh nhân có thêm không gian phát triển. Ông Tập từng tuyên bố: “Thị trường sẽ giữ vai trò quyết định trong việc phân phối các nguồn lực”.

Ông Ngô Kính Liễn, một chuyên gia kinh tế lỗi lạc ở Trung Quốc, nói: “Đường lối cải tổ đã được nêu rõ trong các tài liệu này, các biện pháp đều đúng, nhưng vẫn đề là sự thực hiện. Nêu ra thì tương đối khéo nhưng lại không được thúc đẩy mạnh mẽ”.

Daniel H. Rosen, đồng sáng lập công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium Group, nói: “Trên tổng thể, Trung Quốc đang không đạt được các mục tiêu cải cách. Ngay cả tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang có cũng dựa nhiều hơn vào nợ, và đó là hậu quả của việc không đạt mục tiêu cải cách”.

Trông chờ sự đổi thay nhanh hơn

Thực tế những năm làm lãnh đạo của ông Tập đã có những thay đổi. Trung Quốc nới lỏng sự kiểm soát thị trường chứng khoán nội địa, cho phép nước ngoài tham gia nhiều hơn. Chính sách mỗi gia đình thị dân chỉ nên có một con được hủy bỏ, thay thế là khuyến khích có hai con.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nói nhiệm vụ của ông là kéo giảm quan liêu giấy tờ cùng các quy định vốn đè nặng lên những doanh nghiệp nhỏ.

Nhà kinh tế học Jianguang Shen ở Hồng Kông (TQ) nói: “Tôi cho rằng đã thật sự có nhiều đổi thay. Nhưng người dân kỳ vọng có sự thay đổi nhanh hơn sau Đại hội Đảng vào cuối năm nay, thời điểm ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm thứ hai ở vị trí Tổng bí thư”.

Một số chuyên gia cãi rằng sau Đại hội Đảng, ông Tập sẽ an toàn về chính trị, sẽ sẵn sàng để đội nhóm trợ lý mới của ông thúc đẩy những cải cách gây tranh cãi, gồm cắt giảm sự sản xuất thừa, giảm biên chế ở những công ty nhà nước làm ăn bết bát và cho doanh nghiệp tư nhân được vay nợ ngân hàng nhiều hơn.

Khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng 6,7% hồi năm 2016, các quan chức nói chính phủ sẽ giữ cân bằng giữa cải cách và sự ổn định.

Ông Lưu Sĩ Dư, chủ tịch Ủy ban quản lý chứng khoán quốc gia Trung Quốc (CSRC) nói tại cuộc họp báo gần đây: “Thuyền rẽ sóng tốt khi sóng gió dâng đều. Nếu không đạt các điều kiện ổn định thị trường, thì không đạt được sự cải cách nào, và thậm chí có thể lật úp những tiến bộ mà chúng tôi đã có được”.

Nhưng ngay cả nhiều người chấp nhận mô hình cải cách từng bước-do chính phủ định hướng-cũng nói dưới thời ông Tập, những lời hứa cải cách đang bị trì hoãn hoặc bị “bật ngược”.

Ông Tập nắm chính sách kinh tế cùng nhiều lĩnh vực khác, đã chuyển từ những cải cách mạnh mẽ cần thiết để đổi lấy sự thịnh vượng lâu dài, và ông chưa thể tìm ra cách giữ kinh tế tăng trưởng mà chính phủ không phải bơm thêm tiền hỗ trợ (rồi gánh nợ).

Và trong khi nhiều nhà kinh tế học-gồm các cố vấn hàng đầu của ông Tập-tiếp tục công khai vận động các chính sách định hướng kinh tế thị trường, chính phủ lại không chấp nhận những ai phê bình trực tiếp và công khai rằng chính phủ chưa tích cực tiến hành cải cách, gồm kiểm duyệt các phê bình này trên các trang mạng xã hội.

Cán bộ đảng “ngó lơ” nhiệm vụ tái cơ cấu

Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc, mỗi năm cần có thêm những khoản nợ lớn hơn để tránh giảm tốc nặng hơn. Nhưng chính các chính sách do ông Tập đề ra gây thắc mắc lớn về quyết tâm cải cách của ông. Khi dòng vốn ngày càng rời khỏi Trung Quốc, chính phủ phải phục hồi các qui định cấm chuyển tiền ra nước ngoài.

Trong khi mức thuế tăng đối với các ngành dịch vụ, những lời hứa cải cách thuế nhà đất cùng những thay đổi tài chính lại chưa được thực hiện. Sự tắc nghẽn này khiến ngân sách của chính quyền tại nhiều thành phố sản xuất bị lệ thuộc nguy hiểm vào việc bán đất để có nguồn thu.

Ông Tập còn hứa buộc các công ty nhà nước phải tinh gọn hơn, tập trung hơn vào nhiệm vụ đạt được sức khỏe tài chính ở ngành nghề chủ đạo của họ.

Nhưng ông cũng yêu cầu các đảng ủy phải có tiếng nói lớn hơn trong các quyết định của công ty, tạo điều kiện cho các cán bộ đảng “ngó lơ” đòi hỏi tái cơ cấu công ty.

Li Weisen, một nhà kinh tế học thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) vận động giải phóng thị trường, nói: “Một mặt có nói đến chuyện củng cố cải cách. Mặt khác, tất cả các cơ quan lại nhấn mạnh sự tăng quyền lãnh đạo của đảng. Chúng tôi có thể phát đi hàng trăm tài liệu về cải cách, nhưng tài liệu nào sẽ được thực hiện, kể cải cải cách lĩnh vực tài chính?”.

Lãnh đạo các doanh nghiệp nói còn phải làm nhiều việc để giảm nhẹ gánh nặng trên vai họ. Liu Hanyuan, chủ tịch Tập đoàn Tongwei chuyên sản xuất pin mặt trời ở Thành Đô (tây nam Trung Quốc) đã sử dụng một câu ẩn dụ Trung Quốc để nói về gánh nặng từ những quy định, thuế và các khoản phí mà chính quyền địa phương “đánh” lên các công ty: “Chúng tôi nên bỏ ý tưởng cần thu thật nhiều khoản phí và thuế. Chúng tôi phải giữ được đủ nước thì mới có thể nuôi cá”.

“Mọi vấn đề sẽ càng tệ hại hơn”, nếu…

Một vài hy vọng ban đầu là ông Tập sẽ trở thành “nhà giải phóng” thị trường có lẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Ý tưởng cải cách của chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ theo kinh tế tự do như vài nhà kinh tế học vận động.

Ngay cả ông Đặng Tiểu Bình, người khởi xướng áp dụng một số yếu tố của chủ nghĩa tư bản vào nền kinh tế Trung Quốc trong những năm 1980, đã nhấn mạnh chính phủ phải nắm quyền kiểm soát.

Chỉ đạo của ông Đặng Tiểu Bình đã giúp có hàng chục năm tăng trưởng, nâng được chất lượng sống cho hàng trăm triệu dân đồng thời tạo ra hàng trăm tỉ phú.

Trong những năm 1990, ông Giang Trạch Dân đã thúc đẩy những cải cách, dẫn đến việc đóng cửa hàng ngàn xí nghiệp nhà nước làm ăn bết bát, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân vào Đảng và chuẩn bị cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới hồi cuối năm 2001.

Nhưng ông Giang Trạch Dân cũng duy trì quan điểm “nhà nước quản lý”, và người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào càng quyết tâm áp dụng đạt được phát triển “xé nước” nhưng tuân thủ kế hoạch nhà nước đề ra.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng ông Tập sẽ tiếp tục là vị lãnh đạo của 5 năm qua, trừ khii sức tăng trưởng chậm và nợ dâng cao tạo ra một cú sốc. Nhưng cái giá phải trả sẽ là nợ ngày càng nặng, và một nền kinh tế trì trệ.

Giáo sư Li Weisen ở Thượng Hải nói: “Nếu chính phủ vẫn can thiệp vào thị trường để đảm bảo tăng trưởng, thì đường lối này sẽ trở nên tắc tị. các vấn đề sẽ không được giải quyết và sẽ chỉ càng tệ hại hơn”.

Kim Hương (theo The Wall Street Journal)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Ông Tập Cận Bình nói suông chuyện cải cách kinh tế