Sáng 8.3, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết đang cấp cứu 5 trường hợp ngộ độc do ăn phải cá nóc.
5 bệnh nhân gồm: ông Trần Thanh S. (SN 1982), ông Trần Văn T. (SN 1986), ông Đặng Văn T. (SN 1976), Trần Văn A. (SN 1974) và ông Trần Văn T. (SN 1981), cùng ngụ xã Hiệp Hưng, H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Cả 5 người nhập viện vào lúc 18 giờ ngày 7.3.
Bác sĩ Lê Hoàng Phúc - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, cho biết, 5 bệnh nhân nhập viện, có 3 người bị nặng. Khi vào viện có 3 bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở, hôn mê sâu, huyết áp giảm, tiên lượng xấu nên được các bác sĩ tiến hành cho thở máy, truyền dịch và đang được theo dõi tại Khoa Cấp cứu. 2 trường hợp còn lại đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực
Người nhà của bệnh nhân cho biết, số cá nóc trên được bắt ở ngoài đồng. Trưa 7.3, những người này tổ chức nấu lẩu ăn, tuy nhiên sau khi ăn khoảng 30 phút thì có biểu hiện bị tê chân, tay, cứng hàm nên nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đa khoa H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang và sau đó chuyển lên TP.Cần Thơ.
Bác sĩ Hà Tấn Đức - Phó Khoa Hồi sức - Cấp cứu (Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ) khuyến cáo người dân không nên chế biến thịt cá nóc làm món ăn, vì cá nóc độc tố thường nằm ở ruột, gan, trứng và tinh hoàn của cá. Chính vì thế, dù thịt cá có được làm sạch thì độc tố vẫn còn.
Người khi ăn phải chất độc từ 15 - 30 phút sẽ có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, cảm giác tê ở vùng lưỡi. Khi phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu, nếu chậm trễ sẽ dẫn đến tử vong do liệt cơ hô hấp dẫn đến ngạt thở.
Thanh Nguyên