Dù được Bộ Công Thương lên kế hoạch cho phá sản nhưng Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) vẫn "nuôi" hy vọng về tình hình sản xuất kinh doanh và xin cơ quan nhà nước cho phép được sử dụng nguồn tiền gửi đang bị "đóng băng" tại Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Bên bờ phá sản, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất xin dùng nguồn tiền 'đóng băng' tại OceanBank

tuyetnhung | 29/06/2017, 16:27

Dù được Bộ Công Thương lên kế hoạch cho phá sản nhưng Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) vẫn "nuôi" hy vọng về tình hình sản xuất kinh doanh và xin cơ quan nhà nước cho phép được sử dụng nguồn tiền gửi đang bị "đóng băng" tại Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Lỗ hàng trăm tỉ đồng, xin dùng nguồn tiền "đóng băng"

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016 mới đây, Công nghiệp tàu thủyDung Quất (DQS) cho biết năm vừa qua đạt doanh thu 436,5 tỉ đồng, trong khi đó các khoản chi phí lại tiêu tốn tới 557,58 tỉ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế của công ty âm tới 121,8 tỉ đồng. DQS cũng cho biết năm vừa qua nộp vào ngân sách 20,95 tỉ đồng.

Năm 2016, quỹ lương của viên chức quản lý DQS là 622 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 2,3 tỉ đồng đề ra đầu năm. Con số này đồng nghĩa với trung bình mỗi viên chức quản lý doanh nghiệp nhận lương 6,6 triệu đồng một tháng, thấp hơn cả thu nhập của người lao động. Đây là mức lương thấp nhất dành cho lãnh đạo từ khi công ty được chuyển giao về cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Nói về những yếu tố ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh, DQS chỉ ra hai yếu tố chính là nội tại và bên ngoài.

Với yếu tố bên ngoài, DQS cho biết do những sản phẩm chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủyViệt Nam (Vinashin) khiến công ty lỗ nặng. Trong khi đó, cơ sở vật chất được đầu tư dở dang, thiếu đồng bộ, tiến độ thi công chậm trễ kéo dài, một số hạng mục đầu tư đặc biệt quan trọng chưa có.Một số hệ thống dây chuyền thiết bị đến nay chưa có nhu cầu sử dụng hoặc chưa đủ điều kiện sử dụng... dẫn đến không phát huy được khả năng khai thác, sinh lợi của tài sản, lãng phí vốn đầu tư.

Tổng tài sản cố định của DQS tính đến ngày 31.12.2014 là gần 2.479 tỉ đồng (khấu hao bình quân hàng năm khoảng 182 tỉ đồng/năm). Trong đó, giá trị còn lại tài sản cần dùng tại ngày 31.12.2014 tương ứng là 702 tỉ đồng.

Các khoản chi phí tài chính tồn tại từ thời điểm chuyển giao gồm lãi vay, phí bảo lãnh vay vốn của Bộ Tài chính, chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện từ 6 tháng cuối năm 2010-2013, DQS phải phân bổ vào sản xuất kinh doanh bình quân khoảng 250 tỉ đồng/năm.

Về nguyên nhân nội tại từ trong công ty, DQS thừa nhận do đội ngũ nhân viên chưa làm chủ được công nghệ trong công tác đóng mới, sửa chữa tàu và các phương tiện nổi, các hạng mục yêu cầu kỹ thuật cao như: lắp đặt, sửa chữa máy chính,nồi hơi; hệ thống điện tự động, hệ thống điều khiển… vẫn còn thiếu kinh nghiệm.

Năng lực sản xuất phần chống ăn mòn chỉ đáp ứng được công tác đóng mới, đối với công tác sửa chữa do thời gian thi công ngắn nên chưa đáp ứng được buộc phải thuê thầu phụ làm phát sinh tăng chi phí trong giá thành sản phẩm.

Hơn nữa, giá thành sản phẩm của DQS lại cao, làm giảm khả năng cạnh tranh về đơn giá trong công tác đấu thầu và trúng thầu.

Trước tình hình trên, để nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh, DQS cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp như: giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác thiết kế để bàn giao dự án đúng hạn, tinh giản bộ máy lao động, xây dựng kế hoạch quản lý dòng tiền an toàn...

Đáng chú ý về mặt tài chính, ngoài kế hoạch đẩy nhanh công tác quyết toán các dự án sửa chữa, đóng mới đã hoàn thành, xử lý thu hồi dứt điểm công nợ còn tồn đọng, công ty đã kiến nghị PVN, các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ, cho phép DQS được sử dụng nguồn tiền gửi đang bị "đóng băng" tại OceanBank để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Lên kế hoạch phá sản sau nhiều lần cứu

Với DQS, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có nhiều nỗ lực giải cứu nhưng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính và chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản dai dẳng từ nhiều năm nay.

Trong đề án xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất 3 phương án xử lý DQS bao gồm: chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ; phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật và phương án tiếp tục tái cơ cấu Công ty DQS.

Tuy nhiên, trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi, Bộ Công Thương cho rằng ưu tiên lựa chọn phương án phá sản DQS theo quy định của pháp luật. Thực hiện thủ tục phá sản với DQS được cho là phù hợp với các quy định hiện hành, trong khi PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.

Song, trong một báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm ngoái, Bộ Công Thương cho rằng nếu cho phá sản DQS thì giá trị ước tính vẫn thấp hơn khoản nợ phải trả. PVN có thể không thu được khoản tiền đầu tư trị giá 5.000 tỉ đồng vào DQS. Khoản đầu tư này bao gồm 1.900 tỉ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỉ đồng để thanh toán nợ.

Báo cáo tài chính tại thời điểm 30.6.2016 cho thấy DQS có vốn điều lệ là 1.900 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.108 tỉ đồng. Tổng các khoản nợ phải trả vẫn còn hơn 6.893 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng 1.227 tỉ đồng.

Công ty còn khoản lỗ luỹ kế hơn 3.674 tỉ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ ngày1.7.2010 đến ngày 30.6.2016 là 2.438,9 tỉ đồng. DQS đã có lãi trở lại vào năm 2014, 2015 nhưng do tình hình khó khăn nên quay trở lại lỗ vào năm 2016 khoảng 103,7 tỉ đồng.

Với các khoản nợ, DQS có 3 khoản vay lớn, bao gồm: vay Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thuỷ (VFC) 490 tỉ đồng; vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) 528 tỉ đồng và vay Nhà thầu YMC-Transtech 548 tỉ đồng.Đáng chú ý, công ty vẫn còn nợ phí bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay YMC-Transtech là 64,2 tỉ đồng và khoản đầu tư vào công ty cổ phần đóng tàu mới Nhơn Trạch 119,6 tỉ đồng.

Mặc dù tình hình tài chính còn "bết bát", nhưng DQS vẫn đặt kế hoạch năm 2017 có doanh thu hơn 982 tỉ đồng, thoát lỗ với khoản lợi nhuận sau thuế 29,5 tỉ đồng.

Công ty công nghiệp tàu thủyDung Quất là đơn vị chủ quản của Nhà máy đóng tàu Dung Quất được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam thành lập vào năm 2006. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin, từ ngày 1.7.2010, Vinashin đã bàn giao DQS cho PVN.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bên bờ phá sản, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất xin dùng nguồn tiền 'đóng băng' tại OceanBank