Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung trong hai ngày 6 và 7.4 ở Florrida, báo New York Times đưa tin Bí thư Sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh rao bán 'hàng độc' trên mạng.
Ngày 3.4, báo New York Times đưa tin “hàng độc” là chất Lithium-6. Đây là cách nhanh nhất để biến một quả bom hạt nhân thành một quả bom nhiệt hạch, khuếch đại sức hủy diệt của nó lên những 1.000 lần.
Tờ báo Mỹ đưa tin trên mạng có những cuộc rao bán Lithium-6 cứ 6 tháng một lần, xuất từ cảng Dandong (Trung Quốc). Cơ quan tình báo các nước rất chú ý vụ rao bán này, và người bán cho cả số điện thoại di động.
Tuy nhiên, địa chỉ quảng cáo “hàng độc” không có thật. Không có ai trả lời điện thoại di động.
Nhưng nếu thực sự vụ rao bán này từ Sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh, sẽ không khó để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm ra: Sứ quán này chỉ cách nơi ông ở khoảng 3.000 mét.
New York Times cũng nêu báo cáo của một đoàn điều tra thuộc LHQ xác nhận người bán là bí thư thứ ba của Sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh.
“Hàng độc” của Bình Nhưỡng
Trước đó, ngày 8.3, báo The Wall Street Journal đưa tin báo cáo điều tra đã kết luận Triều Tiên muốn bán vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), nêu rõ hồi năm 2016, Bình Nhưỡng nỗ lực bán một loại lithium đã làm giàu, một nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân (VKHN) thu nhỏ cho những người mua quốc tế.
Báo cáo không xác định người mua nguyên liệu Lithium-6 là ai, nhưng Ủy ban năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA, tổ chức giám sát hạt nhân thuộc LHQ) và Mỹ trong vài năm qua đã báo động việc Triều Tiên có khả năng xuất khẩu các công nghệ chế tạo tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo Iiên lục địa (ICBM).
Vụ mua bán này thông qua một công ty vỏ bọc vốn được điều hành bởi Green Pine Associated Corp, một công ty do Triều Tiên làm chủ. Công ty vỏ bọc của Green Pine đã quảng cáo Lithium-6 thông qua một doanh nhân mà LHQ cho là một nhân viên Sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
Báo cáo của đoàn điều tra LHQ liên tục khẳng định những đại diện thương mại này chính là các nhà ngoại giao Triều Tiên ở nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Mỹ và IAEA từ chối bình luận về báo cáo điều tra của Hội đồng chuyên gia LHQ. Hội đồng này giúp giám sát việc trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.
Các nghị sĩ Mỹ đã được Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo Mỹ cho biết về báo cáo điều tra và nỗ lực bán Lithium-6 của Bình Nhưỡng.
Thượng nghị sĩ Cory Gardner (đảng Cộng hòa) từng soạn một văn bản trừng phạt Triều Tiên hồi năm 2016, nói: Báo cáo điều tra cung cấp thêm chứng cứTriều Tiên sẽ không ngưng tiến hành chương trình tên lửa hạt nhân và tên lửa ICBM, và việc Triều Tiên sẵn sàng xuất khẩu Lithium-6 cho thấy nước này có nguồn lithium tự nhiên lớn, có thể sản xuất nguyên liệu này với số lượng đáng kể.
Tác dụng nguy hiểm của Lithium-6
Theo các chuyên gia hạt nhân, lithium-6 là chứng cứ Triều Tiên tăng cường nỗ lực thu nhỏ một loại đầu đạn hạt nhân, có thể gắn lên những quả tên lửa ICBM.
Lithium-6 cũng có thể được sử dụng để tạo tritium vốn được dùng để đổ các neutron vào một thiết bị hạt nhân, khuếch đại sức nổ của một vụ kích nổ hạt nhân, cho phép các nước tạo bom với một lượng nhỏ plutonium hoặc uranium. Các thiết bị nhỏ hơn này cũng có thể gắn lên tên lửa ICBM.
Henry Sokolski, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nay là lãnh đạo tổ chức nghiên cứu Trung tâm giáo dục chính sách không phổ biến VKHN (ở Mỹ) nói Lithium-6 là nguyên liệu lý tưởng không chỉ để tạo tritium nhằm kích hoạt thiết bị phân tử hạt nhân mà còn có thể bơm trực tiếp vào các loại vũ khí hiện đại gồm bom nhiệt hạch.
Các chuyên gia hạt nhân còn nói lithium cũng có những ứng dụng phi quân sự, gồm tạo pin, chất bôi trơn và thuốc.
Họ nói lượng lithium-6 mà Bình Nhưỡng muốn bán và cấp độ nguyên chất của nó có thể giải thích ý đồ sử dụng nguyên liệu này của người mua. Lithium đã làm giàu đạt 40 % nguyên chất có thể dùng để tạo tritium, còn tỷ lệ cao hơn có thể dùng để bơm vào bom hydrogen.
Từ năm 2006, Triều Tiên đã thử nghiệm 5 thiết bị hạt nhân, gồm lần gần nhất hồi tháng 9.2016.
Các chuyên gia VKHN tin rằng những vụ nổ thử này có thể được khuếch đại bằng cách lắp thêm một thiết bị kích hoạt làm bằng tritium vốn được sản xuất ở khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên.
Hồi năm 2016, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã cho thử bom nhiệt hạch.
Hiện chưa rõ Triều Tiên có được quả bom này hay chưa. Nhưng Giáo sư Siegfried S. Hecker, từng lãnh đạo phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos (ở New Mexico) và từng thăm khu phức hợp hạt nhân của Triều Tiên, nói vụ rao bán Lithium-6 vừa gây bất ngờ, vừa nhắc nhở Triều Tiên dù lạc hậu vẫn có thể có những bước tiến lớn về kỹ thuật.
Cựu phó đại sứ Triều Tiên ở LHQ Thae Yong Ho đã bỏ trốn qua Hàn Quốc, nói với kênh NBC News ngày 5.4, rằng ông Kim Jong-un “tuyệt vọng duy trì quyền lực” bằng cách dựa vào sự phát triển VKHN và sẵn sàng sử dụng VKHN với ICBM ngay khi có dấu hiệu Triều Tiên bị Mỹ đe dọa rõ rệt.
Thae nói: “Nếu Kim Jong-un có VKHN và tên lửa ICBM, ông ta có thể làm bất kỳ điều gì” và cho rằng nước ông đã có trình độ phát triển hạt nhân đáng kể. Thae cũng nói “Biện pháp cuối cùng và thật sự cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên là lật đổ Kim Jong-un”.
Bài toán khó cho Tổng thống Mỹ
Nỗ lực bán “hàng độc” của Bình Nhưỡng khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Quốc hội Mỹ và LHQ lại phải quan ngại mối đe dọa ngày càng lớn của chương trình tên lửa hạt nhân và ICBM của Triều Tiên, theo lời các nghị sĩ Mỹ và các chuyên gia về VKHN.
Khi ông Trump tiếp ông Tập Cận Bình ở bang Florida ngày 6 và 7.4, vấn đề ông Trump quan tâm hàng đầu là ép Trung Quốc ký một loạt lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với Triều Tiên.
Ông Trump đã luôn “thề” chặn nỗ lực hạt nhân của Triều Tiên. Ngày 2.4, ông nói với báo The Financial Times: “Nếu Trung Quốc không xử lý cứng rắn với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, chúng tôi sẽ xử. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn với Triều Tiên, và họ sẽ quyết giúp chúng tôi hoặc sẽ không giúp. Nếu họ giúp sẽ rất tốt cho Trung Quốc, và nếu họ không giúp thì sẽ không tốt cho bất kỳ ai”.
Khi được hỏi ông sẽ “xử” Triều Tiên thế nào, ông Trump nói: “Tôi sẽ không cho quí vị biết. Tôi không phải nước Mỹ của trước đây, thời mà chúng tôi cho quí vị biết chúng tôi sẽ đánh ở đâu tại vùng Trung Đông”.
Nhưng các chuyên gia khẳng định việc Triều Tiên rao bán Lithium-6 là chứng cứ Bình Nhưỡng sản xuất quá nhiều “vật liệu quí” này, nên đã quá trễ cho việc chặn Triều Tiên trở thành một thế lực hạt nhân hiện đại.
Nếu đúng như thế, ông Trump sẽ khó thể thành công trong việc mượn “chiêu thức” của 4 tổng thống tiền nhiệm, là những người thất bại trong việc áp dụng các biện pháp thương lượng, trừng phạt, phá hoại và đe dọa đơn phương đánh Triều Tiên để ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ngân sách của Mỹ dự kiến tăng thêm tiền cho hệ thống phòng thủ tên lửa, và các quan chức nói ông tiếp tục chiến tranh điện tử và chiến tranh không gian để phá các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Trong khi các chuyên gia nghi ngờ tuyên bố năm 2016 của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng Bình Nhưỡng đã cho thử bom nhiệt hạch, các phân tích tình báo lại nói ông Kim Jong-un đang tăng tốc chương trình hạt nhân và tên lửa nhằm chứng minh Triều Tiên đang và sẽ là một thế lực hạt nhân đáng được công nhận.
Đối với ông Trump, sự công nhận đang đến, ngay cả khi chiến lược ngăn chặn chương trình của Triều Tiên vẫn chưa hoàn tất và không giải thích rõ, và vài chuyên gia nói ý tưởng ngăn chặn nỗ lực của Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ thất bại.
+ Năm 2010, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt Green Pine vì “tội” giám sát ít nhất một nửa số vụ Triều Tiên bán vũ khí.
Qua năm 2012, LHQ cũng có lệnh trừng phạt với công ty này. Mỹ và LHQ nói công ty này chuyên sản xuất phương tiện hải quân và vũ khí, tàu ngầm và hệ thống tên lửa.
+ Các quan chức Mỹ nói Green Pine cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tình báo Triều Tiên.
+ Năm 2016, một tòa án ở bang Utah (Mỹ) đã buộc tội một người gốc Triều Tiên, về tội toan xuất khẩu “chui” các ống nhòm ban đêm qua Trung Quốc và có thể qua Triều Tiên. LHQ nói cố Chủ tịch CHDCDND Triều Tiên Kim Jong-il có làm ăn với Green Pine.
Kim Hương (tổng hợp)