Tình báo Mỹ hiện nghiên cứu khả năng tấn công trả đũa của Nga nếu bùng nổ chiến tranh hạt nhân. Đặc biệt, Mỹ đang truy tìm pháo đài ngầm mà Tổng thống Nga Putin sẽ trú ẩn khi cần thiết, theo báo Russia beyond the headlines (RBTH).
Vào những năm 1980, Mỹ công nhận về khả năng chịu đựng những cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân (VKHN) của Liên Xô. Ngày nay, lãnh đạo Mỹ lại một lần nữa đánh giá mức độ an ninh của Nga trong việc chống lại VKHN của đối thủ.
Pháo đài của ông Putin ở đâu?
Tất cả các pháo đài bí mật và những thành phố đặc biệt của Nga đều có sự kiểm soát của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) và Cục đặc biệt Phủ Tổng thống Nga, nên không có nhiều thông tin về những vị trí này. Thỉnh thoảng, thông tin được chuyển cho giới truyền thông về hệ thống pháo đài ngầm này, chủ yếu là từ hồ sơ giải mật của Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB).
Báo Vzglyad đưa tin, trong đó nói rằng: “Một thành phố ngầm có thể chứa 15.000 người nằm ở quận Ramenski, giữa đại học quốc gia Moscow với đường Udaltsov. Và một dinh thự ngầm dành cho Tổng thống Nga và chỉ huy quân sự cách Magnitogorsk 60km. Địa danh này thuộc vùng núi Yamantau và gần khu nghỉ dưỡng miền núi Abzakovo".
Trang tin điện tử Gazeta.ru nêu: “Mezhgorie là một thành phố kín ở núi Yamantau thuộc dãy núi Ural và được xây hồi thời Chiến tranh Lạnh. Nó thường được giới truyền thông gọi là pháo đài của Putin”.
Theo báo Washington Free Bacon (Mỹ), Cục Tình báo trung ương (CIA) từng báo cáo thông qua các kênh mật hồi tháng 3.1997 về việc xây dựng một tuyến xe điện ngầm nối nhà riêng của Tổng thống Nga lúc đó là ông Boris Yeltsin ở ngoại ô Moscow với một trung tâm chỉ huy.
CIA báo cáo: “Việc xây dựng ngầm xem ra lớn hơn so với trước đây. Năm ngoái (1996), có 3 sắc lệnh về kế hoạch phản ứng khẩn cấp thời Yeltsin, với sự giám sát xây dựng cơ sở ngầm cho thấy có thể mục tiêu của dự án xây dựng ở Moscow là để duy trì vai trò lãnh đạo trong một cuộc chiến tranh hạt nhân”.
Theo báo cáo này, công trình xây dựng ngầm được mô tả là “một trung tâm chỉ huy chiến lược có thể sống sót khỏi hạt nhân ở núi Kosvinsky”. Núi này nằm sâu trong dãy núi Ural, cách Moscow 850 dặm về phía đông. Các hình ảnh vệ tinh chụp núi Yamantau gần thị trấn Beloretsk, cũng thuộc Ural và cách Moscow 850 dặm về phía đông, cho thấy sự xây dựng “một phức hợp ngầm rất sâu” và công trình xây dựng ở hai khu hỗ trợ trên mặt đất của “phức hợp” này.
Báo cáo của CIA viết: “Cơ sở chỉ huy ở núi Kosvinsky xem ra giúp cho người Nga có cách đáp trả một đòn tấn công hạt nhân”. Xin nói thêm rằng Nga cũng đã xây hoặc nâng cấp 4 phức hợp trong thủ đô Moscow, để có thể đón tiếp các lãnh đạo cấp cao của chính phủ Nga đến trú ẩn nếu như xảy ra chiến tranh hạt nhân.
CIA cũng xác định một pháo đài ngầm từng được các lãnh đạo Nga sử dụng ở Voronovo, một vị trí cách Moscow 46 dặm về phía nam. Pháo đài ngầm thứ hai ở Sharapovo, cách Moscow 34 dặm, được trang bị một chuyến xe điện ngầm đặc chủng chạy thẳng đến đó.
Pháo đài ngầm chỉ huy tấn công trả đũa
Các pháo đài ngầm chỉ huy chiến tranh hạt nhân xem ra giống các cơ sở chỉ huy - kiểm soát thời Chiến tranh Lạnh, theo một quan chức Mỹ. Nga cũng đã tiếp tục xây dựng các cơ sở hạt nhân ngầm sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Sự chuẩn bị chiến tranh hạt nhân được ước tính sẽ tốn hàng tỉ USD. Thông tin chiến lược là Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) và các cơ quan tình báo Mỹ đã sớm theo lệnh của Quốc hội Mỹ, tập hợp các tài liệu gồm “vị trí và mô tả hệ thống liên lạc ngầm có tầm quan trọng về chính trị và quân sự”, theo hãng tin RIA Novosti.
Giới truyền thông Nga đã phát hiện các bí mật phòng thủ hạt nhân Nga (mà Mỹ đã biết) và cách quân đội nước này tạo điều kiện để Tổng thống Vladimir Putin có cơ hội tấn công trả đũa.
Thiếu tướng Vladimir Dvorkin, cựu chỉ huy lãnh đạo Viện Nghiên cứu khoa học trung ương số 4 (thuộc Bộ Quốc phòng Nga) nói với Gazeta.ru: “Từ lâu, USSTRATCOM và các cơ quan tình báo Mỹ đã biết hệ thống chỉ huy cực kỳ an ninh cho lãnh đạo cấp cao nhất, nhiều kênh dự trữ cho các bộ chỉ huy quân sự và liên lạc, cùng cấp độ chịu đựng cao của lực lượng quân trên bộ và một phần cấp độ chịu đựng của hải quân”.
Quân đội Mỹ cũng biết sự tồn tại của một hệ thống quốc phòng mà Nga có thể dùng đến nếu như Mỹ tấn công hạt nhân.
Đại tướng Leonid Ivashov, Chủ tịch Viện các vấn đề địa chính trị, nói với báo Vzglyad: “Khi Liên Xô đối mặt với mối đe dọa của Mỹ, chúng ta đã tạo hệ thống ngoại biên mà phương Tây gọi là “cánh tay chết”. Hệ thống này là một điểm chỉ huy để có thể lập tức ra lệnh phóng tên lửa ngay cả khi lãnh đạo Nga bị thiệt mạng”.
Ba tầng bảo vệ an ninh cho lãnh đạo Nga
Vào những năm 1980, Liên Xô đã có những pháo đài cho lãnh đạo cấp cao nhất. Thời hậu Liên Xô, Nga tiếp tục xây hệ thống phòng thủ hạt nhân theo lệnh Tổng thống Yeltsin.
Tướng Ivashov nói: “Dưới thời Putin, các hệ thống duy trì sự sống được hiện đại hóa, nay có thể hoạt động trong 3 tháng”.
Ngày nay, sự an toàn của lãnh đạo Nga được bảo đảm đầy đủ, và không chỉ có hệ thống pháo đài ngầm.
Trung tướng Andrei Bizhev, cựu chỉ huy phó lực lượng không gian Nga nói với báo Vzglyad: “Còn có một hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công và một hệ thống phòng thủ tên lửa không gian. Lực lượng không gian luôn phát hiện bất kỳ động thái nào của lực lượng hạt nhân chiến lược địch. Có 3 tầng bảo vệ an ninh cho lãnh đạo Nga. Chúng tôi có một hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công tầm cỡ toàn cầu và có sự hỗ trợ của một đơn vị chiến tranh không gian”.
CIA cũng phát hiện hàng chục pháo đài ngầm kiên cố làm chỗ trú ẩn cho các lãnh đạo cấp cao của chính phủ Nga.
Báo Washington Free Bacon dẫn lời cách quan chức tình báo Mỹ cho biết: Từ nhiều năm nay, Nga đã xây hàng chục pháo đài ngầm ở thủ đô Moscow và trên toàn xứ sở Bạch Dương. Và việc Nga đang xây nhiều pháo đài ngầm chỉ huy chiến tranh hạt nhân là dấu hiệu mới nhất của việc chính phủ Nga thúc đẩy một chương trình lớn để hiện đại hóa các lực lượng chiến lược.
Không có nhiều thông tin về các pháo đài ngầm chỉ huy chiến tranh hạt nhân. Các hãng tin nhà nước Nga cho biết các pháo đài ngầm xây ở Moscow là một phần xây dựng các lực lượng chiến lược.
Hồi đầu năm 2016, Bộ Quốc phòng Nga đã cho biết một hệ thống chỉ huy - kiểm soát hiện đại sẽ được giao cho các lực lượng chiến lược trong năm nay. Theo hãng tin RIA Novosti, đó là một hệ thống chỉ huy - kiểm soát hiện đại thế hệ 5.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tá Dmitri Andreyev gọi hệ thống mới (tiếng Nga viết tắt là IASBU) sẽ phát các tín hiệu kỹ thuật số để chuyển lệnh chiến đấu và kiểm soát các lực lượng chiến lược. Thiếu tá Andreyev nói: “Hệ thống kiểm soát chiến đấu tự động hiện đại thế hệ 5 này đã được thử nghiệp ở các xí nghiệp”.
Ông Andreyev nói thêm rằng đến cuối năm 2016, các đơn vị tên lửa Nga được trang bị “những hệ thống kiểm soát hiện đại và hệ thống tên lửa chiến lược hiện đại thuộc chương trình IASBU”.
Hệ thống mới này sẽ được chuyển cho các đơn vị tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-27 mới, sẽ cung cấp tầng an ninh lớn để các mệnh lệnh đến được các đơn vị này.
Vị thiếu tá Nga nói: “Điều này cho phép sử dụng hệ thống tên lửa mà không bị hạn chế khoảng cách trong khi tiến hành triển khai và mở rộng các phương án trong việc chọn tuyến tuần tra chiến đấu”.
Kim Hương (tổng hợp)