Ngày 17.2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã chủ trì buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh (KSND) về kết quả hoạt động của ngành và phương hướng, nhiệm vụ trong năm tới.
Theo báo cáo của Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai, trong năm vừa qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành kiểm sát và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cấp ủy địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể, ngành đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong đó, đã kiểm sát 100% tố giác, tin báo về tội phạm do cơ quan điều tra hai cấp thụ lý. Qua kiểm sát đã khởi tố mới 2.732 vụ 5.030 bị can; Viện kiểm sát đã ban hành cáo trạng truy tố hơn 2.400 vụ với hơn 4.900 bị can; ban hành 76 kiến nghị, 29 kháng nghị đối với các vi phạm trong việc áp dụng pháp luật, vi phạm hoạt động tố tụng.
Trong năm, ngành cũng đã kiểm sát hơn 3.300 đối tượng bị tạm giữ hình sự; hơn 4.900 bị can bị tạm giam và hơn 2.400 quyết định thi hành án hình sự; kiểm sát hơn 14.000 số việc; đồng thời kiểm sát hơn 15.000 quyết định về thi hành án dân sự.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao kết quả hoạt động của ngành kiểm sát đã góp phần rất lớn vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen". Đồng thời cho biết, Đồng Nai là tỉnh đông dân, nhiều vấn đề sẽ phát sinh.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Đồng Nai có rất nhiều công trình, dự án lớn tác động đến các mặt đời sống xã hội, do đó cũng có thể phát sinh các loại tội phạm. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị ngành kiểm sát tiếp tục phát huy kết quả đạt được để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới và phải phối hợp chặt với các ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kiểm sát có kết quả các hoạt động tư pháp, xử lý triệt để các loại tội phạm.
Một vấn đề ngành kiểm sát cũng cần quan tâm là công tác kiểm sát các vụ án đình chỉ, tạm đình chỉ, công tác tạm giữ, tạm giam. Những vụ án sửa, án hủy, án chậm điều tra cần phải xem xét lại trách nhiệm từng khâu, từng vai trò của các cán bộ trong ngành. Đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo ngành kiểm sát cũng cần phải quan tâm để không còn những “hạt sạn” trong các hoạt động của ngành.
Đối với cán bộ ngành kiểm sát thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trước hết là phải thượng tôn pháp luật. Tất cả các hoạt động tư pháp phải được thượng tôn pháp luật, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, bảo vệ công lý. Nếu phát hiện những cán bộ vi phạm pháp luật thì phải kiên quyết xử lý. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, lãnh đạo ngành phải quan tâm đến công tác cán bộ như: đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; công tác quy hoạch... Trong đó, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng.