Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực là cuộc đấu tranh gay go, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cần kiệm liêm chính, chí công, vô tư và “kẻ địch” là tham ô, quan liêu, lãng phí.
Ngày 26.10, Đảng bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đi đôi với thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trên địa bàn thành phố".
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực là cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, giữa cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và “kẻ địch” là tham ô, lãng phí, quan liêu. Vì vậy, chúng ta phải tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ gắn với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh phải xác định công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên trong xây dựng đảng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị. Đây là trách nhiệm của toàn đảng, toàn quân, toàn dân, các ngành các cấp và mỗi cán bộ đảng viên; đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, bằng nhiều biện pháp đồng bộ.
Một trong những nội dung quan trọng có tính hàng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực là phòng chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, lối sống của cán bộ đảng viên. Điều này Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh rằng từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống sẽ dẫn đến “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường. Cái này không ai được chủ quan, phải đối diện và vượt qua chính mình.
Mỗi cán bộ, đảng viên của TP.HCM phải quan tâm đặc biệt, nâng cao chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao trách nhiệm “nói đi đôi với làm”, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; trong đó tác phong làm việc phải khoa học, sâu sát, tự giác, tự soi, tự sửa.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng việc tự kiểm tra, giám sát của chi bộ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Đồng thời cần xem đây là công cụ hữu hiệu phòng ngừa tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tạo môi trường để mỗi cán bộ, đảng viên tự học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức làm người, làm cán bộ.
Đặc biệt, cần đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, quan liêu, xa dân, phiền hà, nhũng nhiễu, bàng quan, vô cảm trước những khó khăn, vướng mắc chung và bức xúc của nhân dân. Nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa phòng chống tham nhũng, tiêu cực với chăm lo xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, định hướng dư luận, làm cho nhân dân và cộng đồng xã hội hiểu đúng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy hiệu quả sự giám sát của nhân dân để giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự soi, tự sửa…
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị phải gắn công tác chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực với việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 14 của Bộ Chính trị và Nghị định số 73 của Chính phủ về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Cần quan tâm sâu sắc công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”; đánh giá cán bộ là quan trọng nhất; phải tuân thủ nghiêm quy trình, quy định của trung ương từng khâu một; lắng nghe dư luận, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân góp ý nhận xét cán bộ theo Quy định số 1374.