Đại biểu Nguyễn Minh Đức đồng tình việc bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, bởi hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát.

'Nhiều người làm đẹp chỉnh sửa khuôn mặt, nên cần thu thập thông tin mống mắt'

Hoài Lam | 25/10/2023, 14:31

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đồng tình việc bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, bởi hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát.

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước tại Quốc hội, ĐBQH Lưu Bá Mạc (tỉnh Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại điểm b khoản 3 Điều 23 dự thảo luật. Ngoài ra, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước.

duc-2.jpeg
ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc về mống mắt là phù hợp

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp. 

Ông Đức phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho biết nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu cho bị theo dõi. Để công dân an tâm, đại biểu đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (tỉnh Quảng Ninh) cho biết quy định tại dự thảo luật về thẻ căn cước có lưu trữ, mã hóa, tích hợp rất nhiều thông tin của công dân, người dân có thể sử dụng thẻ này để thực hiện nhiều giao dịch theo nhu cầu. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan, tổ chức phải sử dụng thiết bị chuyên dùng để đọc thông tin trong thẻ vật lý.

“Như vậy, cần làm rõ thiết bị này có do cơ quan nhà nước cung cấp cho các cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan hay không để đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin,...”, bà Nhung nêu.

nhung.jpeg
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (tỉnh Quảng Ninh) đang nêu ý kiến 

Đại biểu nêu rõ, nếu trường hợp cơ quan nhà nước không cung cấp mà thực hiện bằng hình thức xã hội hóa, có một chủ thể khác cung cấp thì chủ thể cung cấp thiết bị này có phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Nếu là kinh doanh có điều kiện thì cần phải làm rõ để đảm bảo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn... để người dân, doanh nghiệp có thể áp dụng, thực hiện mà không cần "giấy phép con".

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Theo đại biểu, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến góp ý của đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 5; đồng thời đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

“Tại khoản 5 Điều 6 của dự thảo luật quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước là: cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước. Như vậy cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an cấp tỉnh hay cấp huyện đều được cấp căn cước. Tuy nhiên, theo Điều 28 của dự thảo quy định thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét định nội dung này thống nhất”, đại biểu Phạm Thị Kiều nói.

Về thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm có cả nhóm máu, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai và cũng không thống nhất với Luật Cư trú.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nhiều người làm đẹp chỉnh sửa khuôn mặt, nên cần thu thập thông tin mống mắt'