Sau khi công bố bộ đề thi thử nghiệm 14 môn thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn yêu cầu các Sở Giáo dục chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục không được cắt xén chương trình học lớp 12 để ôn luyện cho học sinh.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở Giáo dục tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn các địa phương về dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; kỹ thuật biên soạn ma trận đề và câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn các địa phương thông qua "Trường học kết nối”.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch được đề ra. Bộ yêu cầu tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Chia sẻ với phóng viên về việc ôn tập của các em học sinh trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho hay, Bộ quyết tâm nhắc nhở, yêu cầu các trường không được cắt xén các chương trình đã quy định, dođề thi trắc nghiệm năm nay chỉ tập trung vào kiến thức của lớp 12 nên việc nàysẽgây ảnh hưởng tới việc ôn tập của các em học sinh.
Việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT và các quy định của UBND tỉnh, thành phố, đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học. Không được tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua các tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kỳthi THPT quốc gia nói riêng.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, nhất là những môn Toán, Lịch sử, Địa lý cần tập trung ôn tập các kiến thức, kỹ năng cơ bản, giúp học sinhlàm quen với câu hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp, giảm thiểu khả năng ghi nhớ kiến thức máy móc, riêng rẽ, độc lập.
Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch thì việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học. Đối với những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp nay có nguyện vọng ôn tập, căn cứ vào điều kiện thực tế của trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tạo điều kiện tổ chức ôn tập cho các đối tượng này.
Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn. Cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập; quan tâm giúp đỡ học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình.
Đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Nhà trường cần hỗ trợ cho học sinh tự học như tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ và giải đáp thắc mắc cho học sinh.
Bộ GD-ĐT cho biết đang tập trung chỉ đạo tăng cường phối hợp đi liền với phân cấp, gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thi gắn kết với tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Dạ Thảo