Mới đây, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã cho biết năm 2018 sẽ không còn điểm sàn cho các trường ĐH, CĐ nữa mà thay vào đó thí sinh sẽ được đăng ký tự do vào trường, ngành mà mình yêu thích.
Từ nhiều năm nay,Bộ GD-ĐTkiên quyết giữ mức điểm sàn, bất chấp yêu cầu của nhiều trường ĐH ngoài công lập vốn luôn khó khăn về nguồn tuyển. Lý do để giữ chất lượng đầu vào và đảm bảo không có trường nào tuyển thí sinh có điểm quá thấp vào học. Mức sàn đại học từ nhiều năm nay dao động từ 13 - 15 điểm 3 môn. Tuy nhiên, sau kỳ thi trắc nghiệm năm 2017, Bộ GD-ĐT đã tính đến phương án không cần giữ lại điểm sàn tại các trường ĐH nữa.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tuyển sinh đầu vào không phải là cách duy nhất để đảm bảo chất lượng ĐH, Bộ đang yêu cầu các trường siết chặt đầu ra, đẩy mạnh kiểm định chất lượng các trường đại học và đổi mới nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đây vẫn chưa phải là thời điểm chín muồi để bỏ điểm sàn đại học. Và trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH chính quy năm 2017, Bộ GD-ĐT cũng dự tính bỏ điểm sàn ĐH, tuy nhiên điều đó đã không diễn ra.
Chia sẻ với phóng viên, GS.TSKH Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: "Ở các nước tiên tiến không hề có điểm sàn ĐH mà các học sinh sẽ thi theo hình thức thi chung. Hiện nay, ngành giáo đục đang hướng tới đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Chính vì thế Bộ GD-ĐT với mong muốn bỏ điểm sàn để các trường chủ động hơn trong việc tuyển sinh, là điều kiện cạnh tranh một cách tự do, công bằng, đặc biệt đối với các trường ngoài công lập. Thế nhưng đó cũng là điều khiến chúng tôi lo lắng, đó chính là không đảm bảo chất lượng đầu ra. Nhiều sinh viên nhưng chưa chắc đã có được đội ngũ tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao tăng dẫn đến hệ lụy của vấn đề này là tình trạng sinh viên thất nghiệp không xin được việc làm gia tăng. Bỏ điểm sàn nhưng phải tính đến việc định hướng nghề nghiệp và đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường phải chịu trách nhiệm với sinh viên của mình.
Điểm sàn lâu nay được xem là điều kiện cần đối với thí sinh, song năm nay Bộ GD-ĐT quyết định bỏ quy định này. Thay đổi này đang mang lại nhiều ý kiến trái chiều, lo lắng cho chất lượng giáo dục nước nhà. Có lẽ chưa bao giờ cánh cửa ĐH được mở ra một cách rộng rãi như thế này, thậm chí có nhiều người còn ví việc thi ĐH năm nay còn dễ hơn cả kỳ thi vào lớp 10.
Với bậc ĐH, điểm sàn thực chất là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nói cách khác, đó là mức mà các thí sinh phải đạt được mới có thể tiếp thu kiến thức ở bậc cao đẳng hay đại học. Việc bỏ điểm sàn sẽ khiến ngành Giáo dục quay trở lại những năm 2000, thí sinh 3 môn chỉ 7, 8 điểm vẫn trúng tuyển đại học và hậu quả là học không nổi, sản phẩm đầu ra không đảm bảo chất lượng…
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, nếu vài năm trước đây, học sinh có điểm trung bình có thể đỗ ĐH một cách dễ dàng thì trong vòng 3 năm trở lại đây, số lượng thí sinh học ĐH đã giảm đi. Ủng hộ quyết định bỏ điểm sàn của Bộ GD-ĐT, PGS.TS Trần Văn Tớp cũng cho rằng Bộ nên cho phép các trường tuyển sinh bằng học bạ và cần luôn cả một đơn vị tra soát đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào và racủa các trường, tránh trường hợp có những học sinh điểm thấp vẫn đỗ được ĐH và khi sinh viên tốt nghiệp cần đảm bảo đủ năng lực.
Đưa ra quan điểm của mình, PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐTXH) cho biết hiện nay đầu vào các trường ĐH đang được mở rộng và theo chia sẻ của Bộ GD-ĐT thì các trường buộc phải thắt chặt đầu ra, để đảm bảo chất lượng lao động xã hội.
"Năm 2017, các công tác tuyển sinh của các trường thuộc Bộ LĐTBXH vẫn diễn ra bình thường như mọi năm. Tuy nhiên, tới năm 2018, nếu Bộ GD-ĐT bỏ định mức điểm sàn các trường thuộc khối đào tạo nghề sẽ phải trao đổi kinh nghiệm để có cách làm mới trong việc tuyển sinh. Thực tế cho thấy, thị trường lao động đang rất cần nguồn lao động được đào tạo trực tiếp, nhất là nguồn lao động chất lượng cao cho khu công nghệp, khu chế xuất và phục vụ cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các trường cần đặc biệt chú trọng đến công tác hướng nghiệp, tư vấn cho các em học sinh, sinh viên. Bởi vì, sản phẩm cuối cùng của quá trình học là việc làm. Trong bối cảnh hiện nay, các trường phải chấp nhận sự cạnh tranh và nếu chúng ta cân đối được giữa cung và cầu thì sẽ giải được bài toán tuyển sinh và cả việc làm. Chúng ta một mặt vẫn khuyến khích các em có khả năng và điều kiện học trình độ cao hơn để đào tạo nhân tài, nhưng đồng thời chúng ta vẫn phải khuyến khích và tư vấn cho các em: Chọn ngành, chọn trường sao cho phù hợp với điều kiện, năng lực và trình độ của mình, để khi ra trường các em có việc làm ngay, sớm ổn định và phát triển."
Dạ Thảo