Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản…

Bộ NN-PTNN đề nghị ưu tiên vắc xin cho người tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản

Lam Thanh | 07/08/2021, 15:46

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản…

Bộ NN-PTNT vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trực thuộc đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch (cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm sản); xây dựng phương án thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ cụ thể trong điều kiện dịch bệnh; sẵn sàng huy động lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển,... nông sản giúp nông dân, bảo đảm nông sản được thu hoạch kịp thời, không ứ đọng.

nong-san.jpg
Tiêu thụ nông sản gặp khó do COVID-19 - Ảnh: Thanh Niên

Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương cần sớm chỉ đạo Sở NN-PTNT, chính quyền địa phương thành lập các tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản và có phương án phòng trừ kịp thời.

Các địa phương cần rà soát, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho mùa vụ sản xuất tiếp theo như: Nhu cầu giống cây trồng vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư đầu vào, khả năng cung ứng; dự kiến những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, hoạt động các cảng cá, tàu đánh bắt hải sản… để các nhà máy này vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của hàng ngàn hộ nông dân kể cả trước mắt và lâu dài.

Trường hợp các đơn vị vừa nêu phải yêu cầu dừng hoạt động, đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan hướng dẫn cụ thể để các đơn vị tuân thủ thực hiện và sớm hoạt động trở lại.

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ nông sản, như: Các tổ thu hoạch nông lâm thủy sản, nhân lực vận hành xe, máy, thiết bị (phương tiện vận chuyển, máy gặt, làm đất, cấy; lò sấy, cơ sở chăn nuôi, giết mổ; chế biến thủy sản, cảng cá, lâm sản...), sản xuất, vận chuyển giống, vật tư nông nghiệp,...

Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNN nêu rõ dịch COVID-19 dự kiến còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội; việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Trong khi sang tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây vào vụ thu hoạch nên dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hàng ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Riêng về rau củ quả, trong tháng 8.2021, ước tính sản lượng ở phía nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500.000 tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như xoài 40.000 tấn, chuối 109.000 tấn, sầu riêng 75.000 tấn, cam 40.000 tấn, nhãn 40.500 tấn…

Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong nước và các nước trên thế giới khiến việc sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất bị hạn chế, dẫn đến giá tăng liên tục.

Thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa như tăng cường kiểm tra, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng có dịch của Việt Nam. Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, do đó thời gian thông quan hàng hóa kéo dài tại cửa khẩu.

Bộ NN-PTNT cũng nêu thực tế hiện nay hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản trong nước còn hạn chế. Cụ thể, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu).

Số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ NN-PTNT đề nghị đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông, các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ở các địa phương đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15, 16, Bộ hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh điều chỉnh phương thức kinh doanh của các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn; rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực; thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ NN-PTNN đề nghị ưu tiên vắc xin cho người tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản