Nói về việc chi hơn 1.000 tỉ đồng mua mới xe công trong năm 2017, đại diện Bộ Tài chính cho biết nhu cầu thực sự cần thiết mới mua.

Bộ Tài chính khẳng định chi 1.000 tỉ mua mới xe công là cần thiết

26/05/2018, 09:40

Nói về việc chi hơn 1.000 tỉ đồng mua mới xe công trong năm 2017, đại diện Bộ Tài chính cho biết nhu cầu thực sự cần thiết mới mua.

Bộ Tài chính khẳng định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công - Ảnh: Internet

Cụ thể, trả lời báo chí tại buổi họp báo chuyên đề chiều 25.5, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết trong tổng số hơn 1.000 chiếc xe công mua mới năm 2017 với giá 1.030 tỉ đồng, chỉ có 22 xe mua mới phục vụ chức danh từ thứ trưởng trở lên mà trước đây khi được đề bạt chưa có. Còn lại là 366 xe phục vụ công tác chung, 693 xe là chuyên dùng gồm các loại xe cứu thương, các xe xét xử thi hành án, chở tiền, phục vụ kiểm toán nhà nước... Dẫn chứng những số liệu này, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, nhu cầu xe thực sự cần thiết mới được chi tiền mua.

Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

"Việc quản lý xe theo hình thức tập trung thay vì để tự quản lý hiệu quả hơn do giảm được số đầu xe. Còn số lượng xe trên là thực sự cần thiết mới được mua", ông Thắng cho hay.

Giải đáp về vấn đề thực hiện khoán xe công để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước (NSNN), ông Thắng cho biết thực hiện các quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có khoảng 20 bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng… Trong đó, có một số bộ, địa phương áp dụng khoán mở rộng cho nhiều đối tượng như Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, Hà Nội…

Tại Bộ Tài chính, bắt đầu áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hằng ngày đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các doanh nghiệp có tiêu chuẩn xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc từ ngày 1.10.2016; tiếp đến mở rộng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác (bao gồm cả đi họp) trên địa bàn đóng trụ sở làm việc đối với cán bộ cấp vụ, cục (kể cả các cục thuộc hệ thống ngành dọc ở địa phương) từ ngày 1.5.2017. Tới nay, tính riêng khối Văn phòng Bộ, số đầu xe đã giảm gần 50%.

TP.Hà Nội áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ ngày 20.2.2017) tại 8 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; gồm: 4 sở; 2 quận; có 52 cán bộ thuộc đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe phục vụ công tác chung, trong đó khối sở là 20 người và khối quận, huyện là 32 người. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm khoán xe ô tô phục vụ công tác chung, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng cùng kỳ là 1.771 triệu đồng, trung bình một xe tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

Tại TP.HCM, việc áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ tháng 5.2018) tại 5 đơn vị của thành phố (Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, UBND quận Bình Thạnh, UBND huyện Bình Chánh). Việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác. Theo tính toán, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỉ đồng/năm (cho 5 đơn vị thực hiện thí điểm) nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng thực tế sử dụng và nhu cầu.

Theo ông Thắng, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính; tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công; các công việc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các chức danh thực hiện khoán được thực hiện bình thường, không bị ảnh hưởng khi áp dụng khoán

Về giải pháp trong thời gian tới, ngày Bộ Tài chính ngày 23.5 vừa qua đã trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô để xem xét, ký ban hành. Theo đó sẽ mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; khoán bắt buộc đối với một số chức danh; quy định rõ hơn các nội dung về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô như đối tượng, công đoạn, hình thức, mức khoán và đơn giá khoán; đồng thời giao các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn hình thức khoán để phù hợp với điều kiện thực tế của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính khẳng định chi 1.000 tỉ mua mới xe công là cần thiết