Hiện nay có rất nhiều các hộ kinh doanh có quy mô rất lớn. Chúng ta chỉ khống chế là được sử dụng dưới 10 lao động nhưng đã có hộ kinh doanh sử dụng đến hàng trăm lao động, doanh thu đến hàng nghìn tỉ nhưng lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã, thuế khoán chứ không phải là hoạt động lành mạnh áp dụng theo Luật Doanh nghiệp để có thể quản lý, có thể giúp đỡ đóng góp nghĩa vụ của các loại hình này”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: Có hộ kinh doanh hàng trăm lao động, doanh thu nghìn tỉ

22/05/2020, 14:40

Hiện nay có rất nhiều các hộ kinh doanh có quy mô rất lớn. Chúng ta chỉ khống chế là được sử dụng dưới 10 lao động nhưng đã có hộ kinh doanh sử dụng đến hàng trăm lao động, doanh thu đến hàng nghìn tỉ nhưng lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã, thuế khoán chứ không phải là hoạt động lành mạnh áp dụng theo Luật Doanh nghiệp để có thể quản lý, có thể giúp đỡ đóng góp nghĩa vụ của các loại hình này”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VPQH

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã dành một chương về hộ kinh doanh (Chương 7a). Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất là nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Cơ sở lý luận của loại ý kiến này là nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật được dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Các đời Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Vì vậy, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Ngoài ra, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Quan điểm khác là đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Theo đó, xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Mặt khác, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, trong khi đó lại có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh.

Ngoài ra, dự luật chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới.

Một khía cạnh khác là số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

UBTVQH đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ 2, tức không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp lần này.

Thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 21.5, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết lý do Chính phủ trình với Quốc hội xin Quốc hội đưa ngay vào lần này là nhằm một số mục đích. Thứ nhất là khẳng định định danh cho loại hình hộ kinh doanh hiện nay chưa có nằm ở đâu cả. Thứ hai là bảo vệ được quyền lợi cho các hộ kinh doanh và có thể áp dụng được các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho hộ kinh doanh.

Thứ ba, ông Dũng cho hay lần này sẽ bãi bỏ được một số các rào cản đang vướng mắc và cản trở hoạt động của hộ kinh doanh. Nếu tháo bỏ được việc này thì hộ kinh doanh sẽ hoạt động có hiệu quả hơn, giải phóng nhiều nguồn lực hơn và đảm bảo được mục tiêu là phát triển khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn.

Hơn nữa, ông Dũng cho rằng việc này không làm phát sinh các thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và “không có tác động tiêu cực gì đến các hộ kinh doanh hiện nay mà chúng ta phân vân”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng nêu quan điểm, việc này tạo điều kiện, động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh có đủ điều kiện hoạt động theo loại hình doanh nghiệp phải chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.

“Hiện nay có rất nhiều các hộ kinh doanh có quy mô rất lớn. Chúng ta chỉ khống chế là được sử dụng dưới 10 lao động nhưng đã có hộ kinh doanh sử dụng đến hàng trăm lao động, doanh thu đến hàng nghìn tỉ nhưng lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã, khoán thuế, thuế khoán chứ không phải là hoạt động lành mạnh áp dụng theo Luật Doanh nghiệp để có thể quản lý, có thể giúp đỡ đóng góp nghĩa vụ của các loại hình này”, ông Dũng nói.

Hơn nữa, ông Dũng cho rằng đây không phải là vấn đề mới. Điều này đã được quy định ở trong Luật Doanh nghiệp, có một điều khoản đã được cụ thể hóa ở Nghị định 78. Vấn đề nữa là nếu xây dựng một Luật Hộ kinh doanh mới, ông Dũng khẳng định sẽ mất rất nhiều thời gian, ít nhất có lẽ cũng phải 3 năm nữa mới xây dựng được.

“Chúng tôi cho rằng những gì mà có lợi chúng ta có thể làm ngay, bởi vì làm cái này chỉ có lợi cho hộ kinh doanh chứ không có hại gì cả”, ông Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu hoàn toàn thống nhất với các đại biểu nêu là phải có một luật riêng, nhưng khi nào làm được luật riêng thì chuyển toàn bộ phần quy định của hộ kinh doanh sang luật mới là xong.

“Nó vẫn nối tiếp, kế thừa, nhưng trước mắt chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ hoạt động một cách tốt nhất cho nền kinh tế, đóng góp được nhiều nhất, hỗ trợ cho người ta được nhiều nhất”, ông Dũng nói.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: Có hộ kinh doanh hàng trăm lao động, doanh thu nghìn tỉ