Trả lời về giải pháp đối với tình trạng được mùa mất giá, vấn đề cung cầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nên tư duy lại vấn đề này.
Nông nghiệp đứng trước 3 biến lớn
Chiều 15.8, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan.
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Phong cho biết nông sản rớt giá khi thu hoạch, thanh long, khoai lang rớt giá thê thảm... là ví dụ điển hình, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đại biểu Phong đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp giải cứu nông sản cho đồng bằng sông Cửu Long?
Trả lời về giải pháp đối với tình trạng được mùa mất giá, vấn đề cung cầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nên tư duy lại vấn đề này. Theo đó, không nên dùng từ “giải cứu” nông sản nữa mà đây là vấn đề của thị trường.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hằng ngày hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn.
Trong hoàn cảnh như vậy, theo ông Lê Minh Hoan, kỳ vọng vào việc dự báo cần có giới hạn nhất định. Những dự báo tầm dài hạn cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.
An tâm về an ninh lương thực
Về an ninh lương thực, bộ trưởng cho biết đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta.
Bộ trưởng Hoan đề nghị, trong tình hình như vậy, cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực, đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hoặc làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT đang quán triệt để thực hiện tốt công điện này.
Riêng về đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Hoan cho biết có đến khoảng 300 ngày trong năm thực hiện xuống giống, do đặc thù xuống theo con nước, nước rút tới đâu xuống giống tới đó, nên không có mùa vụ rõ rệt như ở miền Bắc, mà thực hiện xuống giống liên tục. Do vậy, vấn đề gối vụ, tính toán vụ hè thu, thu đông đối với đồng bằng sông Cửu Long chỉ mang giá trị thống kê.
Tới giờ này, bộ đã cân đối sản lượng thu hoạch theo từng mùa vụ, qua xây dựng 20 năm nay, hệ thống thủy lợi ở vùng này đã phát huy tác dụng, chúng ta đã có bản đồ số hóa để cùng các địa phương rải vụ hoặc tập trung vụ nếu cần thiết, với các điều kiện cho phép.
Bộ trưởng Hoan khẳng định, trong điều kiện hiện nay, nếu không có thiên tai, với tình hình biến đổi khí hậu ổn định như mấy năm qua thì hoàn toàn có thể đảm bảo tiêu dùng trong nước cũng như sản lượng xuất khẩu.
Trả lời câu hỏi về đất lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết cách đây 10 năm thì quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu hecta. Hiện tại theo số liệu thống kê đất lúa còn 3,93 triệu hecta. Theo nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ, chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu hecta đất lúa.
Bộ trưởng nói rõ linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết về quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai. Bộ Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tại các các địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp.
Bộ trưởng NN-PTNT cũng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, bao nhiêu nông dân trên đất lúa đó, rồi một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó…
Do đó Bộ NN-PTNN sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.
Liên kết theo chuỗi tăng giá trị nông sản
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc thực hiện liên kết theo chuỗi, ông Hoan cho biết đây là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết.
“Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoan cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững. Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá, hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp, hay câu chuyện doanh nghiệp bỏ cọc, thương lái bỏ cọc.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó mà phát triển ngành logistic; cũng như không thể nào số hóa bởi chỉ khi vào chuỗi, chỉ khi nào hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi thì cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và giá trị lan tỏa nhiều nhất.
Do đó, trong thời tới, Bộ NN-PTNT sẽ kiên trì cùng với các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn, đồng thời cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn.