“Hôm qua, Thủ tướng có nói với tôi là đề nghị Bộ GTVT dừng lại việc cấp phép mà nên tính giao cho các địa phương quản lý và cấp phép”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết.
Ngày 21.3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, dẫn đầu đoàn kiểm tra tại Bộ GTVT về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Theo thống kê, số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ GTVT từ 1.1.2016 đến thời điểm kiểm tra là610 nhiệm vụ, đã hoàn thành 510 nhiệm vụ, còn 95 nhiệm vụ trong hạn và 5 nhiệm vụ quá hạn. Trong thời gian không dài nhưng số nhiệm vụ được giao so với các bộ, ngành khác là rất lớn, tỷ lệ hoàn thành khá cao.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tình trạngnạo vétcác luồng đường thuỷ nội địa đang là vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay.
“Vấn đề này các địa phương rất phản ứng. Hôm qua, Thủ tướng có nói với tôi là đề nghị Bộ GTVT dừng lại việc cấp phép mà nên tính giao cho các địa phương quản lý và cấp phép”.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho biết, trên một dòng sông có rất nhiều cơ quan quản lý. Ví dụ như trách nhiệm quản lý tài nguyên cát sỏi là Bộ Tài nguyên và Môi trường, quản lý nước là Bộ NN-PTNT, nạo vét lòng sông do Bộ GTVT… Tuy nhiên, khi cấp phép nạo vét luồng dòng sông thì các doanh nghiệp khai thác lợi dụng việc đó, nạo vét ngay sát bờ, gây sạt lở, thay đổi dòng chảy. Đây là vấn đề nóng nhất, các địa phương đang phản ứng nhất.
“Đề nghị Bộ GTVT không cấp phép, dừng toàn bộ việc này lại để xem xét, để địa phương quản lý, cấp phép. Việc cấp phép này hiện địa phương không biết, có chuyện bảo kê, xã hội đen dọa lãnh đạo tỉnh. Đây là vấn đề người ta đang bức xúc, gây ra mất ổn định ở địa phương, vì lợi nhuận kinh khủng nếu khai thác cát trái phép. Đây là lỗ hổng nếu không quản lý tốt sẽ gây thất thu lớn cho Nhà nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ GTVT quan tâm đến vấn đề tai nạn giao thông, bởi đây là vấn đề được nhân dân cả nước quan tâm. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia rất cố gắng, các cấp các ngành có nhiều giải pháp tích cực, số người chết, người bị thương đã giảm, nhưng đáng lưu tâm là tai nạn đường sắt tăng, nhiều đường ngang qua đường sắt không có rào chắn, lực lượng bảo vệ, nhiều vụ tai nạn thương tâm. Tai nạn đường thủy cũng diễn biến phức tạp.
“Đây là vấn đề bức xúc, tất nhiên có nhiều yếu tố liên quan như hạ tầng, pháp luật… Bộ phải có giải pháp hạn chế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Ngoài ra, các vấn đề như xe dù, bến cóc, ùn tắc giao thông và phân luồng giao thông, nhu cầu gửi xe của người dân khi dẹp vỉa hè, tình trạng xe quá tải, quá khổ, bảo kê cho xe quá tải, chất lượng công trình giao thông kém, các dự án BOT… cũng được tổ công tác yêu cầu quan tâm, chấn chỉnh.
Hoài Phong