Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, năm 2019, để chống tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp bảo mật ở tất cả các khâu, bố trí lại nhân sự làm công tác coi thi, chấm thi nhằm hạn chế tối đa tiêu cực.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử

Lê Sơn | 06/01/2019, 11:30

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, năm 2019, để chống tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp bảo mật ở tất cả các khâu, bố trí lại nhân sự làm công tác coi thi, chấm thi nhằm hạn chế tối đa tiêu cực.

- Thưa Bộ trưởng, đâu là những thành tựu của ngành giáo dục trong năm 2018?

Năm 2018 là năm thứ 5 ngành giáo dục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những nỗ lực trong một quá trình của ngành đã được ghi nhận trong báo cáo được công bố vào tháng 3.2018 của Ngân hàng thế giới: Việt Nam là một trong 2 quốc gia thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có hệ thống giáo dục phát triển ấn tượng; học sinh Việt Nam có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD.

Năm 2018, giáo dục Việt Nam cũng đón nhận những tin vui trên các bảng xếp hạng quốc tế: Lần đầu tiên Việt Nam có 2 trường đại học nằm trong top 1.000 thế giới; lần đầu tiên 100% học sinh các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt huy chương, trong đó đã có những học sinh trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất thế giới.

Những kết quả này không chỉ là niềm tự hào quốc gia mà còn khẳng định, giáo dục vẫn đang tiếp tục nỗ lực và đổi thay từng ngày. Đó là những đổi mới trong nội dung, phương pháp giáo dục để dần chuyển đổi từ một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học, lấy người học làm trung tâm.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sau một thời gian biên soạn, lấy ý kiến nhân dân đã được công bố chính thức vào những ngày cuối cùng của năm 2018 sẽ hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Năm qua còn là năm có tính chất “bước ngoặt” trong xây dựng chính sách giáo dục và đào tạo. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua cuối tháng 11 vừa qua đã mở ra một trang mới cho phát triển giáo dục đại học, mà có thể ngay trong những năm gần đây chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: ''Năm 2019, quy trình ra đề thi sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, đặc biệt trong khâu phản biện đề, thử đề''

- Vậy còn hạn chế, thưa ông?

Năm 2018 cũng là năm còn nhiều điều phải suy nghĩ với ngành giáo dục: Hạn chế trong khâu ra đề thi, lỗ hổng trong khâu tổ chức chấm thi đã bị một số cá nhân lợi dụng để làm sai lệch kết quả Kỳ thi THPT quốc gia; những sự việc về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường; cách xử lý thừa, thiếu giáo viên ở một số địa phương, áp lực nghề nghiệp đến từ nhiều phía khiến giáo viên mất đi động lực để cố gắng…

Đây cũng sẽ những việc đặt ra cho ngành giáo dục phải giải quyết ngay trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

- Bộ trưởng có nhắc tới những sự việc về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường xảy ra trong năm 2018. Vậy, năm 2019, ngành giáo dục sẽ có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Ngành giáo dục đã có một năm với nhiều sự việc về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường được phát hiện, gây bức xúc trong dư luận. Tất cả những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo đã phải nhận các hình thức kỷ luật khác nhau, thậm chí phải ra khỏi ngành, về mặt pháp luật cũng đã có những trường hợp khởi tố.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là kiên quyết bảo vệ các giáo viên có đạo đức, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đủ phẩm chất đạo đức. Ngành giáo dục sẽ không chấp nhận bất cứ cách hành xử phi giáo dục, phi đạo đức nào của nhà giáo.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, đó chỉ là những trường hợp “cá biệt”. Ngành giáo dục có hàng triệu giáo viên, đa số giáo viên tận tâm, tận lực, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề đạo đức nhà giáo cần phân tích, nắm bắt được những nguyên nhân gốc rễ, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, áp lực của giáo viên.

Áp lực của giáo viên đến từ nhiều phía như từ phụ huynh, từ người quản lý, từ học sinh, từ chế độ, chính sách, từ sự thiếu cảm thông, chia sẻ của xã hội… Có nhiều việc phải cần thời gian mới giải quyết được nhưng trước mắt, có những việc ngành giáo dục có thể làm ngay để giảm áp lực cho giáo viên.

“Giảm áp lực cho giáo viên” sẽ là một trong những ưu tiên chỉ đạo của tôi trong năm 2019. Tôi cũng phải nói thêm, để giảm được áp lực cho giáo viên, không chỉ mình Bộ làm được, mà cần sự chung sức và vào cuộc của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục, đặc biệt là người đứng đầu nhà trường.

- Về chương trình giáo dục phổ thông mới, sau quá trình xây dựng chương trình rất thận trọng và đã được chính thức công bố vào cuối tháng 12, năm 2019, đâu sẽ là những việc phải làm để tiếp tục triển khai chương trình, thưa Bộ trưởng?

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy, quá trình xây dựng chương trình được tiến hành rất thận trọng, đảm bảo chất lượng, song vẫn phải đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời với quá trình xây dựng chương trình, các điều kiện triển khai chương trình về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đã được ngành giáo tích cực chuẩn bị trong thời gian qua. Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, các trường sư phạm đã bắt tay xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo.

Ngay sau khi có chương trình sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bắt đầu từ đội ngũ giáo viên cốt cán, sau đó làm đại trà. Năm 2019 sẽ tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lớp 1. Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lần này ngoài trang bị kiến thức sẽ đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, có như thế giáo viên mới đáp ứng được mục tiêu của đổi mới là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học.

Năm 2019, trên cơ sở các quy chuẩn, quy định về trường lớp, trang thiết bị, ngành Giáo dục và các địa phương cũng sẽ tích cực phối hợp chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình mới theo lộ trình, ưu tiên đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ tập trung biên soạn 1 bộ sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Chương trình giáo dục phổ thông mới với chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, trong đó Bộ khuyến khích và cho phép nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa sẽ khắc phục được tình trạng độc quyền - một trong những vấn đề gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

- Quay trở lại với Kỳ thi THPT quốc gia. Thưa Bộ trưởng, sau Kỳ thi năm 2018 với sai phạm “gian lận điểm số” ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh như thế nào trong Kỳ thi năm 2019 để đảm bảo không lặp lại những hạn chế như năm 2018?

Đầu tháng 12 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố thông tin về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, Kỳ thi năm 2019 căn bản giữ ổn định như năm 2018, đảm bảo nhẹ nhàng, đề thi bám sát chương trình THPT, có độ phân hóa phù hợp để các trường đại học, cao đẳng có thể tham khảo kết quả làm điều kiện xét tuyển. Nhưng có điều chỉnh theo hướng tăng cường các giải pháp kỹ thuật, bảo mật ở tất cả các khâu của quá trình thi, đặc biệt là quá trình chấm thi; sắp xếp, bố trí lại nhân sự làm công tác coi thi, chấm thi nhằm hạn chế tối đa tiêu cực

Năm 2019, quy trình ra đề thi sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, đặc biệt trong khâu phản biện đề, thử đề để đảm bảo đề chính xác, vừa sức với học sinh, đúng mục tiêu của kỳ thi. Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo, đến thời điểm này, đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nhận được phản hồi rất tích cực từ học sinh, giáo viên và phụ huynh. Đây là tín hiệụ cho thấy những điều chỉnh của kỳ thi đang đi đúng hướng và đáp ứng được sự mong đợi của dư luận xã hội.

Cũng phải nói thêm, giải pháp kỹ thuật nào cũng do con người vận hành. Vì thế, cùng với các giải pháp đã đặt ra, Bộ GD&ĐT sẽ cụ thể hóa quy chế để xác định rõ trách nhiệm của từng thành phần tham gia ở từng khâu trong các giai đoạn cụ thể của quá trình tổ chức thi.

- Nhìn xa hơn năm 2019, Bộ trưởng có thể chia sẻ gì về những kế hoạch và dự định dài hơi hơn của ngành giáo dục?

Giáo dục là một quá trình, kết quả của giáo dục không thể nhìn thấy ngay trong 1-2 năm mà cần 5 năm, thậm chí 10 năm hoặc nhiều hơn nữa. Vì vậy, năm nay và xa hơn nữa, ngành giáo dục vẫn tiếp tục hành trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Chúng tôi tin rằng, thành quả của đổi mới căn bản ngày hôm nay sẽ tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước phát triển mạnh trong tương lai.

2019 là năm bản lề để làm chiến lược cho giai đoạn 2020-2030, cũng là tổng kết của 10 năm trước đó. Ngành giáo dục sẽ sơ kết, thông qua các hội thảo góp ý để đến 2020 có được một chiến lượcgiáo dục, phản ánh rất cao thực tiễn và tính khả thi đường lối đổi mới.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

PV (thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử