Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về việc Hà Nội ngập nhiều nơi sau cơn mưa lớn, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, thời tiết hiện nay có biến đổi bất thường, nhiệt độ nóng lên. Không riêng Việt Nam mà ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, Châu Âu thì việc mưa lớn dồn dập tập trung vào một thời điểm thì không có hạ tầng nào có thể chịu đựng được.
“Chúng ta cũng phải phân biệt vấn đề thời tiết bất thường như mưa lớn cực đại với việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn. Đây đều là hai vấn đề có nguy cơ như nhau”, ông Hà nói và cho rằng phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. Khi thiết kế các đô thị thì với đặc trưng về địa hình khác nhau, quan trọng nhất là phải dự báo được tính cực đoan của khí hậu thời tiết, cũng như quy mô dân số.
Đi kèm đó là phải xây dựng được hạ tầng đáp ứng được các dự báo đó. Tức là các hệ thống thu nước mưa, thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ, phù hợp với quy mô dân số.
“Thậm chí phải có những vấn đề chúng ta phải dự báo không chỉ trong ngắn hạn mà phải có tầm nhìn dài hạn. Có thể thời tiết cực đoan 20, 30, 50 năm mới xảy ra một lần nhưng cũng phải tính có phương án ứng phó”, ông Hà nêu.
Bộ trưởng Hà cho rằng căn cứ vào địa hình của từng đô thị, khi thiết kế hệ thống thoát nước phải tính toán để trong quá trình đô thị phát triển, thay đổi phải có tầm nhìn để làm sao khu vực đó tự nhiên thoát được nước. Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc thiết bị nhưng điều đó phải hạn chế.
Trong trường hợp thời tiết cực đoan thì phải tính toán hệ thống để trữ nước. Như Nhật Bản có khu vực người ta bố trí những đường ngầm ở dưới, gọi là hầm chứa lớn ở dưới vừa giữ lượng nước để khi hạn hán thì tưới cây chẳng hạn nhưng trong thời điểm đó thì nó là nơi chứa nước.
Hoặc bố trí trường học, sân vận động, cánh đồng lúa trong trường hợp thấy rằng có thể ngập vào những nơi xung yếu thì điều chỉnh cái van trong hệ thống đó để người ta đưa những nơi đó thành nơi chứa nước; hoặc cả một hệ thống dưới đường giao thông là các tầng, thùng rất lớn để chứa nước. Đó là giải pháp mà các nước làm.
Ông Hà cho rằng Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo, đồng thời cần có dự án tổng thể đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa như thế này.
Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ càng trong thiết kế đô thị. Theo đó, phải thiết kế một đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan. Còn bài toán mang tính ứng phó như khi đã ngập rồi thì phải sử dụng các máy bơm để thoát nước, đó gần như là điều mang tính trù bị bắt buộc.
Do đó, phải tính toán thiết kế các đô thị có hệ thống thoát nước đảm đương nhiều tình huống, có khả năng chống chịu một cách thông minh.
"Tôi cho rằng cần có một dự án tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch, tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được", ông Hà nói.
Chiều 29.5, một trận mưa lớn đã trút xuống Hà Nội khiến nhiều nơi bị ngập lụt nặng. Hầu hết các tuyến đường đều ngập úng cục bộ, có nơi ngập sâu khiến giao thông ngưng trệ, nhiều phương tiện “bơi” trong nước, chết máy... Nước mưa còn tràn vào nhà dân khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lượng mưa đo được từ 13h đến 19h ngày 29.5 tại trạm Láng là 140,4mm, Hoài Đức 53mm, Thanh Trì 119,2mm…
Đặc biệt, lượng mưa ghi nhận tại trạm Láng (quận Đống Đa) trong 2 giờ, từ 14-16h là 138mm. Đây là lượng mưa kỷ lục ghi nhận được trong vòng 36 năm qua.
Về nguyên nhân gây ra đợt mưa lớn tại Hà Nội, cơ quan khí tượng giải thích rằng, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục ở khoảng 22-25 độ bị nén. Chiều 29.5, hiện tượng mưa dông nhiệt xuất hiện sớm ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Nam đồng bằng Bắc Bộ sau đó dịch chuyển đến khu vực Hà Nội gây mưa lớn trong khoảng 2 giờ.
Đại diện Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho biết, do mưa lớn diện rộng và kéo dài suốt 2 giờ, nhiều nơi ở lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ và khu vực Long Biên xảy ra ngập úng.
Lưu vực sông Tô Lịch (diện tích khoảng 77,5km2) có thể chịu được trận mưa trên 150mm/ngày. Lưu vực sông Nhuệ (diện tích khoảng 110km2) chỉ có thể chịu được mưa 50mm/ngày.
Lưu vực Long Biên (diện tích 62km2) có hai dự án tiêu thoát nước cho khu vực là Trạm bơm Gia Thượng và Trạm bơm Cự Khối. Tuy nhiên, cả hai trạm bơm này hiện chưa được đầu tư nên chủ yếu vẫn tự tiêu, tự chảy. Hệ thống thoát nước khu vực nội đô Long Biên thoát ra hệ thống thoát nước nông nghiệp qua sông Cầu Bây, tuy nhiên sông Cầu Bây đang triển khai dự án cải tạo, gây thu hẹp dòng chảy.
Chính vì vậy, với lượng mưa lớn và kỷ lục trong 2 giờ đồng hồ như chiều 29.5 đã gây quá tải hệ thống thoát nước.