Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết nếu tiếp tục có sự leo thang về giá, Bộ sẽ cùng với Bộ NN-PTNN kiến nghị Chính phủ hỗ trợ trợ giá một số vật tư thiết yếu.

Nếu giá cả leo thang sẽ kiến nghị Chính phủ trợ giá cho nông dân

Hoài Lam | 29/05/2022, 11:07

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết nếu tiếp tục có sự leo thang về giá, Bộ sẽ cùng với Bộ NN-PTNN kiến nghị Chính phủ hỗ trợ trợ giá một số vật tư thiết yếu.

Xem xét giảm thuế để kiềm chế phân bón tăng giá

Tại cuộc đối thoại với nông dân ngày 29.5, trả lời câu hỏi về giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giá cả hàng hóa toàn cầu tăng rất cao trong gần 2 năm qua.

nong-dan.jpg
Nông dân đặt câu hỏi với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ

Nguyên nhân là giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng cao; nguồn cung trên thị trường thế giới có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao do phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; gián đoạn chuỗi cung ứng bởi ảnh hưởng của đại dịch và xung đột chính trị ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo đó, Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp để yêu cầu chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, kiểm soát kênh phân phối, nghiên cứu những chính sách có thể điều chỉnh thuế, phí…

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay trong tình huống giá cả tiếp tục leo thang thì còn một công cụ nữa là đề xuất cấp có thẩm quyền việc trợ giá đối với một số vật tư để bớt khó khăn cho người nông dân.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiểm soát vật tư thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là vật tư nông nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại, bàn bạc việc chia sẻ khó khăn cho người nông dân”, ông Diên nói.

Hiện nay, đối với sản xuất phân bón, giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 130-170%, giá đầu ra cũng tăng tương ứng như vậy. Thực tế là vật tư đầu vào chỉ chiếm khoảng 55-60% giá thành sản phẩm. Vì vậy, mặc dù giá nguyên liệu thế giới tăng, nhưng các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí sản xuất để chia sẻ lợi ích với người nông dân.

Ngoài ra, các bộ, ngành cũng sẽ tiếp tục đề nghị xem xét lại thuế GTGT đối với phân bón để giúp kiềm chế mức độ tăng giá. Giải pháp cuối cùng, nếu tiếp tục có sự leo thang về giá, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ NN-PTNN kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ trợ giá một số vật tư thiết yếu.

nong-dan-3.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Ảnh: Dân Việt

Bộ trưởng NN-PTNN Lê Minh Hoan cũng nêu quan điểm rằng giá thành sản phẩm được quyết định bởi 2 yếu tố là lượng và giá. Vì vậy, mô hình nông nghiệp mới tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long đã chứng minh có thể tiết giảm lượng trong quy trình sản xuất để tiết kiệm vật tư đầu vào. Ngân hàng Thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư đầu vào.

“Tôi đã đi thị sát các mô hình và thấy rằng bà con nông dân có thể ứng dụng triệt để các mô hình, các phương thức được hướng dẫn, khuyến cáo của đơn vị khuyến nông để giảm nhiều chi phí. Tôi lưu ý vấn đề ở đây là chi phí đầu vào thấp hơn để được đầu ra cao hơn. Doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu các mô hình mới để đạt mục tiêu bắt buộc là tiết giảm chi phí”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN cũng cho rằng cần nỗ lực để dần tự chủ một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Nếu quyết tâm và cùng nhau nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp thì sẽ kiểm soát tốt vấn đề này.

Ngành ngân hàng nhận thấy có phần trách nhiệm trong vấn đề tín dụng đen

Về vấn đề tín dụng đen, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết năm 2017 đi khảo sát thực tế và thấy được rất nhiều câu chuyện đau lòng về tín dụng đen. Từ đó, ngành ngân hàng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này, nếu như làm tốt cung ứng vốn sẽ hạn chế được tín dụng đen.

Cũng từ năm 2017, ngành có nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

nong-dan-2.jpg
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Kết quả, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ đến cuối tháng 4.2022 đạt trên 2,26 triệu tỉ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 8,93% so với cuối năm 2021.

Sau hội nghị tại Gia Lai đã giao cho Agribank triển khai chương trình 5.000 tỉ. Đến cuối tháng 4.2022 đã cho 682.966 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 64.378 tỉ đồng, dư nợ đạt 1.748 tỉ đồng với 95.948 khách hàng còn dư nợ.

So với năm 2017, tín dụng đen theo đánh giá sơ bộ giữa NHNN và Bộ Công an đã giảm hơn 1 nửa, những sự việc đau lòng đã hạn chế.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết một số loại tội phạm đã lợi dụng hình thành đường dây ổ nhóm cho vay nặng lãi. Bộ Công an đã mở nhiều đợt cao điểm rốt ráo phá các ổ nhóm tín dụng đen, bắt và xử lý nhiều đối tượng. Nhờ đó tín dụng đen giảm dần, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở vùng nông thôn.

Hiện nay, Bộ Công an đang tiếp tục tập trung chỉ đạo công an địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng, địa phương tăng cường tuyên truyền phòng ngừa nắm tình hình để cập nhật kịp thời các hoạt động tinh vi của tội phạm tín dụng đen; tăng cường tham mưu, xây dựng thể chế nhằm tăng cường phòng ngừa loại tội phạm mới này.

Bộ Công an cũng đã trình Quốc hội sửa đổi một số điều luật để tăng cường xử lý tội phạm tín dụng đen. Đồng thời, Bộ đã tăng cường trên 50.000 cán bộ công an, sĩ quan về làm công an xã, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao để ngăn chặn ngay từ đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc chống tín dụng đen phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an phối hợp với NHNN nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn, hạn chế tín dụng đen.

Không ai giỏi bằng người nông dân khi làm nông nghiệp. Nhưng để nông nghiệp trở thành hàng hoá thì rõ ràng rất cần những chính sách hỗ trợ, tiếp sức từng ngành nghề, từng thời điểm.

4 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản đạt hơn 4,8 tỉ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2021, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tôi nghĩ cùng với nguồn lực về cây ăn trái chúng ta cần đánh giá lại nguồn lực về nông nghiệp. Để phát huy các nguồn lực này, rất cần chính sách để khích lệ cho khoa học kỹ thuật phát triển, nhất là đề án phát triển thương hiệu nông sản.

Doanh nhân Thái Hương - Tập đoàn TH True Milk

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu giá cả leo thang sẽ kiến nghị Chính phủ trợ giá cho nông dân