Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: Vấn đề sốt đất tại các đặc khu là đương nhiên nhưng nghiêm trọng hơn là chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp trái phép để bán. Việc này được thực hiện ngầm và trái với quy định của pháp luật.
>>Việt Nam có quyền yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới
>>Hà Nội lo ngại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc gây thảm họa môi trường
Chiều nay, ngày 4.6 sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kết thúc phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Bộ trưởng Hà chịu trách nhiệm trả lời các nội dung: tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bộ trưởng Tài chính, Xây dựng, Công an và Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời, làm rõ các vấn đề liên quan.
ĐB Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện nay Trung Quốc đang vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân, đặt khá gần Việt Nam từ 50 đến 200 km, nguy cơ gây ô nhiễm phóng xạ đối với Việt Nam là rất lớn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phòng ngừa, ứng phóng như thế nào?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: Về 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc gần biên giới Việt Nam, vấn đề này chúng tôi đã biết rất rõ. Chính phủ đã giao Bộ Khoa học Công nghệ là cơ quan quản lý về an toàn hạt nhân xây dựng các trạm để theo dõi chính xác. Chúng tôi biết Bộ Khoa học Công nghệ đã làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các quy chuẩn an toàn hoạt động tại đây.
Không chỉ Bộ TN&MT, mới đây Hà Nội đã đưa ra kế hoạch rất cụ thể về việc phòng tránh ô nhiễm hạt nhân nếu nguy cơ xảy ra. Vấn đề các nhà máy điện hạt nhân không chỉ chúng ta mà tổ chức kiểm soát hạt nhân quốc tế cũng có nhiệm vụ giám sát. Với công nghệ hiện đại, chúng ta phối hợp với quốc tếđể kiểm soát tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm.
Quan tâm tới vấn đề ô nhiễm môi trường và biến động về đất đai tại các đặc khu trong tương lai,Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Ô nhiễm bụi rất nghiêm trọng tại các thành phố lớn, theo số liệu thì cứ 10 ngày, người dân Hà Nội mất tới 9 ngày hít thở không khí có lượng bụi, khí thải quá mức cho phép. Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục vấn đề này?
Thời gian qua đất đai tại các khu dự kiến thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phúc Quốc có diễn biến rất phức tạp, giá đất tăng nóng, diễn biến sôi động. Bộ trưởng có biết vấn đề này không? Bộ trưởng và địa phương sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: Về số liệu công bố về ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, tôi không đồng tình bởi đây là số liệu của 1 trạm quan trắc của một bộ phận không cục bộ, trong khi các trạm khác của Bộ tại Hà Nội và TP.HCM cho biết chưa lớn đến vậy. Dĩ nhiên, tình trạng ô nhiễm bụi ở các thành phố lớn là rất lớn, đặc biệt do bụi từ hoạt động giao thông. Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, đầu tư các hệ thống giám sát môi trường không khí và cùng với đó biết nguồn ô nhiễm ở đâu, công bố số liệu đó để nhân dân biết chính xác tình hình ô nhiễm.
Nếu nói không ô nhiễm thì sai nhưng chưa đáng quan ngại như vậy, đương nhiên Bộ Y tế cũng cần có đánh giá về vấn đề này. Bên cạnh đó, theo thời vụ cũng có tình hình ô nhiễm rác thải tại nông thôn do việc đốt rơm rạ.
Để giải quyết vấn đề này Bộ sẽ triển khai kế hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt, yêu cầu kiểm soát các nguồn phát sinh khí thải, đặc biệt là giao thông. Tiến tới sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn thay vì cá nhân như hiện nay.
Sốt đất là đương nhiên, nghiêm trọng hơn là chuyển đổi đất trái phép để bán
Trả lời về tình trạng sốt đất ở những nơi dự kiến thành đặc khu kinh tế, Bộ trưởng Hà nói:Khi chúng ta đầu tư hạ tầng vào khu vực nào thì theo quy luật, thị trường sẽ đổ xô vào đó, giá cả đất đai sẽ thay đổi.Chúng ta biết được nhưng chưa có cách để phòng ngừa.
Tôi lấy ví dụ, khi có dự án xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai), Đồng Nai đã ban hành quy định về quản lý đất đai như cấm giao dịch nhưng người dân vẫn giao dịch ngầm.
Hôm nay ở đâytôi kiến nghị luôn đối với 3 đặc khu kinh tế, nếu Quốc hội ban hành nghị quyết có tính đặc thù để quản lý đất đai ở 3 đặc khu thì rất tốt, hoặc xây dựng Luật Đất đai phải tiên lượng trước được những vấn đề có thể xảy ra như hiện nay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Vấn đề sốt đất tại các đặc khu là đương nhiên nhưng nghiêm trọng hơn là chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp trái phép để bán. Việc này được thực hiện ngầm và trái với quy định của pháp luật".
Chúng ta có thể thấy, cơ quan quản lý can thiệp, xử lý không kịp thời. Chúng ta phải thông báo đối với hợp đồng trái pháp luật này, khi đền bù, giải tỏa sẽ áp dụng biện pháp nào mạnh.Thời điểm này, các địa phương phải xem lại hồ sơ đất đai, kiểm tra để có phương án xử lý.
Nửa buổi chiều, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận được 18 chất vấn, 8 tranh luận xung quanh các vấn đề liên quan tới lĩnh vực về môi trường. 47 đại biểu khác đang chờ đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Hà vào sáng mai, 5.6.
Nam Phong