Sao Hỏa, các mặt trăng của sao Mộc và sao Thổ quy tụ những điều kiện phù hợp cho sự sống ngoài hành tinh hình thành và phát triển.
Những phát hiện của các nhà khoa học vũ trụ trong thời gian gần đây đã chỉ ra rằng hệ Mặt trời có thể chứa những dạng sống ở cấp độ vi khuẩn và liệt kê danh sách 4 nơi được xem như ứng cử viên tiềm năng để phát hiện sự sống.
Sao Hỏa
Robot thăm dò Curiosity của NASA chụp ảnh trên sao Hỏa - Ảnh: NASA
Hành tinh đỏ nằm trong số những ứng cử viên hàng đầu để tìm kiếm sự sống. Với việc ngày càng nhiều thông tin về thành phần hóa học và môi trường trên hành tinh, hy vọng tìm thấy sự sống ở đó không phải điều phi thực tế.
Sao Hỏa là một trong những hành tinh có kết cấu giống Trái đất nhất trong hệ Mặt trời. Nó có một ngày 24,5 giờ, các chỏm băng ở hai cực mở rộng và co lại theo mùa cùng một loạt các đặc điểm bề mặt được tạo ra bởi nước trong lịch sử của hành tinh.
Mặt trăng Europa của sao Mộc
Ảnh chụp mặt trăng Europa và đồ họa mô phỏng hơi nước bốc lên từ vệ tinh - Ảnh: Phys
Europa được phát hiện bởi Galileo Galilei vào năm 1610 cùng với ba mặt trăng khác lớn hơn của sao Mộc. Nó nhỏ hơn một chút so với mặt trăng của Trái đất và quay quanh sao Mộc ở khoảng cách khoảng 670.000 km. Europa được cho là có hoạt động về mặt địa chất giống như Trái đất.
Bề mặt của Europa là một vùng băng nước rộng lớn. Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng bên dưới bề mặt đóng băng là một lớp nước lỏng. Các nguồn năng lượng và nguyên tố hóa học thiết yếu (carbon, hydro, oxy, nitơ, phốt pho và lưu huỳnh) là hai trong ba yêu cầu bắt buộc để tồn tại sự sống, hiện diện khắp hệ Mặt trời. Nhưng yêu cầu thứ ba là nước lỏng lại rất khó tìm thấy bên ngoài Trái đất.
Mặt trăng Enceladus của sao Thổ
Những mạch phun ở cực nam của mặt trăng Enceladus - Ảnh: NASA
Giống như Europa, Enceladus là một mặt trăng phủ băng với một đại dương nước lỏng dưới bề mặt. Enceladus quay quanh sao Thổ và lần đầu tiên được các nhà khoa học chú ý đến như một thế giới tiềm năng có thể sinh sống được sau khi phát hiện bất ngờ về các mạch nước phun khổng lồ gần cực nam của mặt trăng.
Phát hiện này cũng củng cố giả thuyết cho rằng có một đại dương nước lỏng tồn tại bên dưới bề mặt băng dày hàng kilomet trên Europa. Giả thuyết về nguồn nước lỏng, ấm dưới lớp băng của mặt trăng được các nhà khoa học coi là “bằng chứng hàng đầu” để chứng minh cho giả thuyết có sự sống tồn tại ở hành tinh khác bên ngoài Trái đất.
Mặt trăng Titan của sao Thổ
Mặt trăng Titan của sao Thổ - Ảnh: NASA
Các nhà khoa học đã phát hiện thành phần hóa học phù hợp để hỗ trợ màng tế bào tồn tại trên Titan - mặt trăng lớn nhất của sao Thổ. Mặt trăng này còn có nhiều hồ lớn chứa đầy khí gas tự nhiên. Ở một khoảng cách khổng lồ như vậy so với Mặt trời, nhiệt độ bề mặt trên Titan là -180˚C, quá lạnh đối với nước lỏng. Tuy nhiên, các chất hóa học dồi dào có sẵn trên Titan đã làm dấy lên suy đoán rằng các dạng sống - có khả năng có hóa học cơ bản khác với các sinh vật trên cạn - có thể tồn tại ở đó.
Titan là mặt trăng duy nhất trong hệ Mặt trời có bầu khí quyển đáng kể. Nó chứa một lớp sương mù dày màu cam gồm các phân tử hữu cơ phức tạp và hệ thống thời tiết khí metan thay cho nước - hoàn chỉnh với những cơn mưa theo mùa, thời kỳ khô hạn và các cồn cát bề mặt do gió tạo ra.
Khí quyển bao gồm chủ yếu là nitơ, một nguyên tố hóa học quan trọng được sử dụng để tạo ra các protein trong tất cả các dạng sống. Các quan sát bằng radar đã phát hiện ra sự hiện diện của các sông và hồ chứa metan lỏng và etan, có thể là sự hiện diện của các cryovolcanoes - các đặc điểm giống như núi lửa phun ra nước lỏng chứ không phải dung nham. Điều này cho thấy Titan giống như Europa và Enceladus, có trữ lượng nước lỏng dưới bề mặt.
Trang Nhung (theo Phys)