Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 12/8, 8 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 91.981 ca mắc COVID-19 và 2.117 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 8.415.950 ca, trong đó 180.819 người tử vong.

Ca nhiễm COVID-19 ở Malaysia cao chưa từng có

TTXVN | 13/08/2021, 06:59

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 12/8, 8 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 91.981 ca mắc COVID-19 và 2.117 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 8.415.950 ca, trong đó 180.819 người tử vong.

Trong ngày 12.8, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Indonesia với 24.709 ca. 

Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 22.782 ca. Tiếp đó là Malaysia với 21.668 ca, Philippines với 12.439 ca, Việt Nam với 9.667 ca, Campuchia với 455 ca, Lào với 202 ca và Singapore với 59 ca.

Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (1.466 ca), Malaysia (318 ca), Philippines (165 ca), Thái Lan (147 ca), Campuchia (20 ca) và Lào (1 ca).

Malaysia: Ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch

Ngày 12.8, Bộ Y tế Malaysia báo cáo 21.668 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện Malaysia ghi nhận trên 1,34 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 11.300 ca tử vong.

Trong khi đó, do số ca phụ nữ mang thai tử vong do COVID-19 tăng, Bộ Y tế Malaysia đã kêu gọi nhóm đối tượng này đi tiêm vaccine COVID-19.

Quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết bộ này ước tính chỉ 40% phụ nữ mang thai trong nước đã đăng ký tiêm chủng thông qua phần mềm ứng dụng MySejahtera trên điện thoại thông minh, đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ này vẫn thấp, do đó nhiều phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp hằng ngày về tình hình COVID-19, ông Noor khuyến nghị phụ nữ mang thai hoàn thành việc tiêm phòng trước khi bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Malaysia đã ghi nhận 70 trường hợp phụ nữ mang thai tử vong do COVID-19. Trong đó, 17 trường hợp tử vong trong tháng 6 vừa qua khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh và trong số này có 15 trường hợp chưa tiêm chủng và 2 trường hợp còn lại mới chỉ tiêm một mũi.

Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2021 có tổng cộng 3.396 phụ nữ mang thai đã mắc COVID-19. Bộ này nhấn mạnh đây là vấn đề rất nghiêm trọng và xếp nhóm đối tượng này vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm, cùng với nhóm người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Thái Lan: Số ca mắc mới tiếp tục tăng

Bộ Y tế Thái Lan ngày 12.8 cho biết nước này ghi nhận thêm 22.782 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 839.771 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 147 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi đại dịch lên 6.942 người.

Phó Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan – ông Yongyot Thammawut cho biết các cuộc xét nghiệm hàng loạt mới nhất ở thủ đô và các tỉnh lân cận do 41 đội phản ứng toàn diện COVID-19 (CCR) gồm 400 bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện từ ngày 1-10/8. Các cuộc xét nghiệm cho thấy tình hình lây nhiễm ở thủ đô Bangkok vẫn là một mối quan tâm nghiêm trọng và cần phải thúc đẩy xét nghiệm hàng loạt.

Theo ông Yongyot, nếu các đội CCR với sự tham gia của Hiệp hội bác sĩ nông thôn (RDC) có thể tiếp tục việc xét nghiệm ở Bangkok trong 2 tuần tới, số lượng các ca lây nhiễm nói chung có thể giảm. Việc xét nghiệm này sẽ cho phép người bệnh được điều trị và không tiếp xúc với những người khác, qua đó sẽ giảm lây nhiễm và không để tình trạng của người bệnh diễn biến tồi tệ hơn.        

Campuchia: Kéo dài chiến dịch chống dịch trên toàn quốc 

Chính phủ Campuchia đã quyết định kéo dài thêm một tuần chiến dịch tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên cả nước, từ ngày 13-19.8. 

Chỉ thị của Chính phủ Campuchia công bố tối 11.8 cho biết chiến dịch tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong 14 ngày qua đã phát huy tác dụng trong việc kiểm soát và làm chậm đà lây lan của biến thể Delta trong cộng đồng. Chính quyền các tỉnh, thành được yêu cầu tiếp tục củng cố tất cả các biện pháp hạn chế cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan với tâm thế chủ động và trách nhiệm.

Chiều 11.8, chính quyền thủ đô Phnom Penh thông báo kéo dài lệnh cấm thêm hai tuần đối với các hoạt động kinh doanh có tính rủi ro cao và tụ tập trên 15 người, bắt đầu từ 0h ngày 13.8 đến ngày 26.8, đồng thời tiếp tục giới nghiêm ban đêm thêm một tuần. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm sẽ bắt đầu từ 10h đêm hôm trước đến 3h sáng hôm sau, thay vì từ 9h đêm như trước. 

Ủy ban quốc gia về phòng chống COVID-19 của Campuchia cũng đưa ra hướng dẫn gồm một số điểm lưu ý mới nhằm giảm sự lây lan của biến thể Delta tại nước này. Theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia đồng thời là Chủ tịch Ban thường trực thuộc Ủy ban quốc gia về phòng chống COVID-19 của Campuchia, Aun Pornmoniroth, điều quan trọng đầu tiên là tất cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà máy phải test nhanh COVID-19 thường xuyên cho công chức và người lao động. Bộ Bưu chính Campuchia sẽ tiếp tục phân phối bộ KIT test nhanh đúng giá. Thứ hai là khu vực quanh nhà bệnh nhân COVID-19 phải được rào chắn nhanh và tất cả những người liên quan phải test nhanh hoặc xét nghiệm PCR theo hướng dẫn của y tế.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia có xu hướng dịu đi khi số ca mắc mới ngày sau thấp hơn ngày trước. Bộ Y tế Campuchia ngày 12.8 ra thông cáo xác nhận có thêm 455 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức thấp nhất kể từ ngày 10.6, trong đó có 81 ca nhập cảnh và 374 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến ngày 12.8, Campuchia phát hiện tổng cộng 83.839 ca mắc COVID-19, trong đó 78.431 người đã khỏi bệnh và 1.634 người tử vong (20 ca tử vong được công bố ngày 12.8).

Lào: Tổng số ca mắc COVID-19 đã lên tới 9.363 ca

Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 202 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới có 190 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 12 ca cộng đồng. Trường hợp tử vong thứ 9 do COVID-19 là một phụ nữ 28 tuổi đang mang thai 5 tháng ở tỉnh Champasak, trở về từ Thái Lan. Diễn biến bệnh của trường hợp này chuyển xấu liên tục, phổi tổn thương nghiêm trọng, chức năng gan suy giảm dẫn đến tử vong.

Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 9.363 ca, trong đó có 9 ca tử vong.      

Cũng theo worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 655.000 ca bệnh COVID-19 và trên 9.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 206 triệu ca, trong đó trên 4,34 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 104.000 ca), Ấn Độ (40.078 ca) và Iran (39.049 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.466 ca), Brazil (883 ca) và Nga (808 ca).

Danh sách các nước, khu vực và vùng lãnh thổ ghi nhận các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 ngày một dài hơn, sau khi số ca nhiễm trên toàn thế giới vượt mốc 200 triệu hồi tuần trước. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xét trên phạm vi toàn cầu, biến thể Alpha được ghi nhận tại 185 nước, vùng lãnh thổ và khu vực; biến thể Beta có mặt tại 136 nước, vùng lãnh thổ và khu vực; biến thể Gamma có mặt tại 81 nước, vùng lãnh thổ và khu vực; trong khi biến thể Delta có mặt tại 142 nước, vùng lãnh thổ và khu vực. Số liệu thống kê của WHO cho thấy ngày 5.8, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 200 triệu, chỉ 6 tháng sau khi đạt mốc 100 triệu. 

Trong tuần qua, thế giới có hơn 4,2 triệu ca mắc mới và hơn 65.000 người không qua khỏi, tăng nhẹ so với tuần trước đó. Khu vực châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ số ca mắc mới tăng nhiều nhất, lần lượt là 1,3 triệu ca và hơn 375.000 ca. Số ca tử vong gia tăng đáng kể tại khu vực Tây Thái Bình Dương. 

WHO cho biết 17% số quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của tổ chức này ghi nhận số ca mắc mới tăng 50% so với tuần trước đó và 15% số quốc gia và vùng lãnh thổ có số ca tử vong tăng 15% so với tuần trước đó. Ở cấp quốc gia, Mỹ có số số ca mắc mới cao nhất, với 734.354 ca mắc mới, tăng 35% so với tuần trước đó.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
6 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ca nhiễm COVID-19 ở Malaysia cao chưa từng có