Tình hình dịch COVID-19 mới nhất đến 6h sáng nay, 13.8, Việt Nam đã chữa khỏi 89.145 bệnh nhân COVID-19. Gần 12.1 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm cho các đối tượng.

Sáng 13.8: Cả nước đã tiêm 12 triệu liều vắc xin, Đồng Nai xét nghiệm cho 2 triệu người, Bình Dương có BV điều trị tầng cao nhất

PV (tổng hợp) | 13/08/2021, 05:43

Tình hình dịch COVID-19 mới nhất đến 6h sáng nay, 13.8, Việt Nam đã chữa khỏi 89.145 bệnh nhân COVID-19. Gần 12.1 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm cho các đối tượng.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

- Theo bản tin dịch mới nhất của Bộ Y tế, tính đến nay, Việt Nam có 246.568 ca COVID-19 trong đó có 2.395 ca nhập cảnh và 244.173 ca nhiễm trong nước.

- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 242.603 ca, trong đó có 86.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu.

- Có 08 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng. 

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

- Tổng số ca được điều trị khỏi ở nước ta đến nay: 89.145 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 499 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.

- Số ca tử vong do COVID-19 là 4.813

Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19

Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 12.098.821 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 11.006.121 liều, tiêm mũi 2 là 1.092.700 liều.

Tất cả mọi cơ quan, mọi cá nhân có trách nhiệm phải quyết tâm, cố gắng, nỗ lực cao hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vì mục tiêu có vaccine COVID-19 sản xuất trong nước sớm nhất. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 tới, Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước.  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo

Đồng Nai: Xét nghiệm diện rộng cho khoảng 2 triệu người

Ngày 12.8, lãnh đạo Đồng Nai đã có cuộc họp với Tổ công tác của Bộ Y tế và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh để bàn về Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. 

Báo cáo tại cuộc họp, BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tính đến 12.8, toàn tỉnh ghi nhận 11.735 ca bệnh Covid-19, trong đó có hơn 1,8 ngàn bệnh nhân đã khỏi bệnh, 87 ca tử vong, còn hơn 9,7 ngàn trường hợp đang được điều trị tại các bệnh viện và cách ly theo dõi.

Nguyên nhân số ca dương tính tăng cao trong những ngày qua là do tỉnh đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát diện rộng. Số mẫu bệnh phẩm được lấy để làm xét nghiệm tăng gấp đôi so với trước đó nên số ca dương tính phát hiện nhiều hơn.

BS.Bạch Thái Bình dự báo, tình hình lây nhiễm cộng đồng vẫn chưa được kiểm soát, nhất là tại các vùng đỏ như: TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, H.Vĩnh Cửu. Thời gian tới, khả năng số ca lây nhiễm còn tiếp tục tăng, có thể tăng đến 1 ngàn – 2 ngàn ca dương tính/ngày. Số ca ghi nhận đến cuối tháng 8 có thể vào khoảng 20– 25 ngàn ca nhiễm bệnh.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai và lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề xuất các phương án nhằm kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào công tác xét nghiệm diện rộng trên quy mô toàn tỉnh với số lượng khoảng 2 triệu người. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các khu cách ly F0 không triệu chứng và Bệnh viện dã chiến với quy mô 25 ngàn giường bệnh; chuẩn bị các khu cách ly F1 với số lượng lớn. Tăng tốc tiêm vaccine phòng Covid-19. Có giải pháp để chủ động giãn cách trong các khu nhà trọ công nhân. Tiếp tục kiểm tra, quản lý công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ…

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chỉ đạo Sở Y tế phải hoàn thành kế hoạch chiến lược chống dịch trong thời gian tới, chậm nhất là sáng mai 13-8. Các địa phương trong tỉnh khẩn trương cung cấp ngay số liệu cần thiết để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá nguy cơ của từng địa phương, phường, xã, thôn, ấp. Sau khi có kế hoạch chung toàn tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch cho địa phương mình, bám sát tình hình thực tế để đưa ra giải pháp phù hợp.

Với những vùng đỏ là Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, ngành Y tế cần tập trung hỗ trợ nhân lực. Huy động tất cả nguồn lực hiện có, cộng với lực lượng hỗ trợ của Bộ Y tế và các tỉnh, thành để thực hiện các giải pháp phòng dịch.

Các địa phương phải chuẩn bị tối đa khu cách ly để thu dung, điều trị F0 của địa phương mình. Trong tình huống khẩn cấp, các địa phương khác sẵn sàng tiếp nhận F0 từ Biên Hòa chuyển đến. Đồng thời, phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19.

“Toàn tỉnh quyết tâm, nỗ lực, xem đây là “trận đánh” quy mô lớn nhất, phải dành sự quan tâm cao nhất, nghiêm túc, trách nhiệm để triển khai có hiệu quả các giải pháp. Nếu để dịch bệnh tiếp tục bùng phát, lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm” – Chủ tịch Cao Tiến Dũng lưu ý.

Bình Dương có cơ sở điều trị tầng cao nhất, góp phần giảm tỷ lệ tử vong 

Ngày 12.8, Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 đã được đưa vào hoạt động với quy mô 437 giường, đặt tại khuôn viên Bệnh viện đa khoa quốc tế Becamex ở thành phố Thuận An. Đây là bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu đầu tiên tại Bình Dương do doanh nghiệp hỗ trợ triển khai, với sự chỉ đạo về chuyên môn và tăng cường nhân sự của Bộ Y tế.

Trong ngày 12.8, số ca mắc COVID-19 tại Bình Dương tăng rất cao với 3.028 ca COVID-19 (là địa phương có số ca bệnh cao thứ 2 trong ngày 12.8, chỉ sau TP.HCM) nâng tổng số ca lên 36.776 ca.

Trao đổi với Bình Dương Online, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định việc đưa Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Bình Dương là tầng cao nhất của công tác điều trị, hồi sức cấp cứu của tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh đó, sự tham gia của đội ngũ chuyên gia được Bộ Y tế chi viện, cùng với những phương tiện, trang thiết bị công nghệ hiện đại, quy trình cấp cứu hồi sức tích cực là điều kiện để tỉnh Bình Dương có thể tiếp nhận để phục vụ tốt cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân tỉnh nhà.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Bình Dương là tầng cao nhất của công tác điều trị, hồi sức cấp cứu cho địa bàn tỉnh Bình Dương. Trước đây, chúng ta dự định thiết lập một số trung tâm vùng như Bình Dương, Đồng Nai, nhưng hôm nay tỉnh Bình Dương thành lập được Bệnh viện dã chiến  đã chủ động thành lập được Bệnh viện hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex là một tín hiệu rất khả quan khi mà số lượng ca mắc Covid-19 đang tăng cao, số lượng bệnh nhân nặng cũng đang tăng lên, tỷ lệ tử vong bắt đầu tăng lên.

Việc UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã chủ động yêu cầu Bộ Y tế hỗ trợ thành lập một trung tâm điều trị Covid-19, hồi sức tích cực tại tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng trung tâm này hết sức hữu ích cho địa bàn tỉnh Bình Dương, nhưng cũng sẽ sẵn sàng phục vụ cho các tỉnh lân cận khi có những trường hợp mắc Covid nặng.

“Qua công tác theo dõi và thường xuyên làm việc với tỉnh Bình Dương và một số địa phương, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy 176 ca tử vong chỉ là con số ban đầu khi mà chúng ta chưa có những công tác, khâu chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, sau khi thành lập trung tâm hồi sức cấp cứu, xây dựng được hệ thống điều trị 3 tuyến ở tại các địa bàn của tỉnh, chúng tôi hy vọng với những phương tiện này sẽ giúp đỡ cho công tác thu dung, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch và chúng ta sẽ giảm được tỷ lệ tử vong trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Còn về thời gian kiểm soát được dịch sẽ tuỳ thuộc vào các địa bàn”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, tỉnh Bình Dương cơ bản cũng giống như TP.HCM, nhưng theo Nghị quyết số 86 của Chính phủ thì thời gian của Bình Dương sẽ ngắn hơn TP.HCM và đây là cơ hội rất lớn cho tỉnh Bình Dương. Bên cạnh công tác kiểm soát dịch, xét nghiệm diện rộng, khoanh vùng giảm bớt các vùng phong tỏa, tăng cường các vùng xanh thì nhiệm vụ thu dung điều trị, giảm tỷ lệ tử vong là một trong những tiêu chí rất quan trọng để đánh giá việc ổn định hay không về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trong công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đã có sự điều chỉnh rất nhiều, đó là việc sử dụng các thuốc kháng đông, kháng viêm sớm hơn, cùng với đó đã bắt đầu áp dụng các loại thuốc kháng virus để có thể giảm tải lượng virus cho người bệnh ngay từ khi bị nhiễm cho đến khi trở nặng. Những biện pháp tốt nhất về hồi sức cấp cứu, máy ép mô, máy lọc máu chuyên dụng cũng đã được tập trung từ cả nước vào khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh và khu vực lân cận để nâng cao năng lực thu dung điều trị các bệnh nhân nặng cấp cứu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia giỏi nhất của cả nước từ các tỉnh, thành phố ở phía Bắc, từ những tỉnh địa đầu của Tổ quốc cho đến điểm cuối như tỉnh Cà Mau cũng đã tập trung về TP.HCM và các địa bàn lân cận. Như vậy, chúng ta có được nguồn lực hết sức quan trọng để các chuyên gia trực tiếp vào quá trình thăm, khám điều trị.

Ngoài ra, việc chuyển giao của các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cùng quá trình tập huấn, huấn luyện về kỹ năng hồi sức là hết sức cần thiết. Đây cũng là cơ hội của tỉnh Bình Dương khi mà chúng ta có thể tiếp nhận được những quy trình, kỹ thuật cao trong công tác phục vụ cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, kinh nghiệm điều trị Covid-19 tại địa bàn 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam cho thấy rằng việc áp dụng theo dõi sớm tư vấn khi những trường hợp F0 cách ly tại nhà, sau đó thu dung điều trị và theo dõi người bệnh là hết sức quan trọng. Khi người bệnh có những triệu chứng nặng thì sử dụng những thuốc đặc hiệu đối với việc diệt SARS-CoV-2, kể cả thuốc kháng đông, kháng viêm và một số thuốc kháng sinh trong giai đoạn đầu là hết sức cần thiết. Bộ Y tế đã khuyến cáo đối với tất cả các tỉnh qua bài học của TP.HCM là chúng ta càng sử dụng sớm những công cụ điều trị, đặc biệt là oxy là phải cung cấp đầy đủ cho người bệnh. Bên cạnh đó, những thuốc hỗ trợ kháng đông, kháng viêm và một số thuốc kháng sinh và một số thuốc điều trị giảm ho là hết sức cần thiết. “Chúng tôi hy vọng, tỉnh Bình Dương sẽ chuẩn bị đầy đủ những thiết bị y tế cũng như các loại thuốc để giảm bớt số lượng bệnh nhân trở nặng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 13.8: Cả nước đã tiêm 12 triệu liều vắc xin, Đồng Nai xét nghiệm cho 2 triệu người, Bình Dương có BV điều trị tầng cao nhất