Trong tháng 12, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực như: giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN); nhiều đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí...
Sự kiện

Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12

Tuyết Nhung 01/12/2023 10:56

Trong tháng 12, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực như: giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN); nhiều đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí...

Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN

Từ ngày 1.12.2023, Quyết định 11 chính thức có hiệu lực. Quyết định này quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo NHNN Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Theo đó, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện báo cáo với NHNN. Hiện tại, quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng.

Quy định mới về mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe qua mạng


Ngày 16.10.2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 63 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1.12.2023.

Đáng chú ý, mức thu phí, lệ phí trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) theo hình thức trực tuyến kể từ ngày 1.12.2023 đến hết 31.12.2025 áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp.

Kể từ ngày 1.1.2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023.

Gỡ "nút thắt" cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT


Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018 ngày 17.10.2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, với nhiều điểm mới, Nghị định số 75 có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Nghị định bổ sung và hỗ trợ mức đóng BHYT, sửa đổi mức hưởng BHYT và tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Các quy định mang tính chất đổi mới, đột phá của Nghị định thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho cả người tham gia BHYT cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động quản lý nhà nước về BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 3.12.2023. Riêng quy định bãi bỏ tổng mức thanh toán được áp dụng từ 1.1.2019, một số quy định về bổ sung đối tượng, tăng mức hưởng, được áp dụng từ ngày ban hành Nghị định (19.10.2023) để bảo đảm kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT.

Một số quy chuẩn mới về phòng cháy, chữa cháy


Thông tư 09/2023 của Bộ Xây dựng sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, có hiệu lực từ 1.12. Nhà cao 21 - 25m phải có ít nhất một lối thoát nạn nếu diện tích mỗi tầng dưới 150m2; số người sinh sống tại mỗi tầng không quá 15 và có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động. Tầng có lối thoát nạn không được bố trí bãi đỗ xe, kho tập kết hàng hóa.

Đối với những tòa nhà này, người dân có thể thoát ra ngoài qua lối thoát nạn khẩn cấp như ban công, lô gia thoáng, cửa sổ với các thiết bị như thang trong nhà, thang ngoài nhà, thang dây, ống tụt hoặc lên được sân thượng thoáng khi có cháy. Các lối ra thoát nạn của các gian phòng và từ mỗi tầng phải tuân thủ yêu cầu của quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình.

Đối với nhà cao từ 28 đến 50m, thông tư quy định được dùng thang bộ loại 3 (thang nhỏ ở ngoài nhà) làm lối thoát nạn với điều kiện phần thang bộ từ trên 28m phải được bảo vệ chống rơi ngã trên toàn bộ chiều cao các mặt hở.

Hỗ trợ người bị bạo lực gia đình


Nghị định 76/2023 quy định chi tiết Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 25.12. Theo đó, người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình được hỗ trợ chi phí tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình. Ngoài ra, họ được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi cấm tiếp xúc (như tìm chỗ ở khác) tương tự với đối tượng bảo trợ xã hội.

Trường hợp người bị bạo lực gia đình bị tổn hại sức khỏe được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Bài liên quan
Tập trung chính sách tài khoá để trợ lực tăng trưởng năm nay
Theo phân tích của các chuyên gia, nếu phấn đấu tăng trưởng của năm 2023 từ 5-5,5% thì trong quý 4 phải đạt tăng trưởng 7%-8,8%. Điều này đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong 3 tháng cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
23 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12