Theo phân tích của các chuyên gia, nếu phấn đấu tăng trưởng của năm 2023 từ 5-5,5% thì trong quý 4 phải đạt tăng trưởng 7%-8,8%. Điều này đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong 3 tháng cuối năm.
Chính sách tiền tệ gần bão hoà, tập trung chính sách tài khoá
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023 dù đạt được nhiều kết quả, song dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5% (mục tiêu là 6,5%).
Báo cáo chỉ rõ, nền kinh tế "khát" vốn nhưng khó hấp thụ vốn; doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính; số DN giải thể, phá sản tăng cao, DN mới thành lập giảm...
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho biết theo phân tích của các chuyên gia, nếu phấn đấu tăng trưởng của năm 2023 từ 5-5,5% thì trong quý 4 phải đạt tăng trưởng 7%-8,8%. Điều này đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong 3 tháng cuối năm. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc để có dự báo, đánh giá tình hình để có giải pháp ứng phó.
Đại biểu Yến cũng nhấn mạnh cần điều tiết hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng với lạm phát, cung và cầu, tiền tệ và tài khóa; có biện pháp bảo đảm nguồn cung từ sản xuất, có giải pháp thúc đẩy tiêu dùng đầu tư xuất khẩu, tập trung kích cầu tiêu dùng qua giảm thuế giá trị gia tăng; kích cầu đầu tư công và đầu tư tư nhân, ưu tiên cho các dự án sắp hoàn thành…
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại đã mang tính bão hòa. Thay vào đó, nên tập trung cho chính sách tài khóa, thực hiện các chính sách về phía cầu hơn là phía cung.
Trong đó, ông Huân đề xuất cần đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn về giảm thuế VAT (2% chưa thực sự hấp dẫn với người tiêu dùng, nên là giảm 50% hoặc 100% giống như giảm thuế trước bạ ô tô mới có thể tác động đến hành vi tiêu dùng), tập trung giải ngân vốn đầu tư công để gia tăng tổng cầu trong nền kinh tế cũng như có các chính sách về giảm thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân để khuyến khích tiêu dùng.
Đối với chính sách tiền tệ, ông Huân nhấn mạnh nên tập trung các gói hỗ trợ lãi suất kết hợp giữa tiền tệ và tài khóa. Đặc biệt, cần đưa ra những quy định cụ thể cho các gói này để nó thực sự đến được tay DN và người dân.
Đưa ra gợi ý chính sách tài khóa trung hạn 2023-2025, PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng mặc dù dự toán thu và chi ngân sách nhà nước (NSNN) cần tiếp tục duy trì nguyên tắc "lường thu mà chi"; cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành NSNN ở tất cả các cấp.
Theo ông Cường, năm 2023-2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn.
"Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được. Chính sách tài khóa cũng cần có sự điều chỉnh theo quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "dĩ bất biến, ứng vạn biến”", ông Cường nói.
Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế, phí
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thời gian qua đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách. Về tổng thể, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế.
Trong 4 năm qua (2020-2023), gói hỗ trợ về tài khóa lên tới khoảng 700.000 tỉ đồng, giúp DN, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng.
Theo Bộ trưởng, mới đây, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: Tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí...
Bộ trưởng khẳng định, đột phá về thể chế là con đường ngắn nhất để phát triển nhanh và bền vững. Hoàn thiện thể chế là một trong những trụ cột để tạo đà phát triển. Do đó, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu, nỗ lực hoàn thiện thể chế để giúp DN cất cánh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận "từ nay đến cuối năm sẽ còn rất nhiều khó khăn". Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách 2023, Quốc hội quyết định tổng số thu NSNN năm 2023 là hơn 1,6 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, do những khó khăn của kinh tế, việc hoàn thành dự toán thu vẫn là thách thức với ngân sách cả nước và ngân sách nhiều địa phương, nhất là những địa phương có nguồn thu lớn từ đất đai và hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, thách thức trong chi ngân sách vẫn là chi đầu tư vẫn thấp hơn so với kế hoạch. Chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa nhưng tiến độ giải ngân chậm. Nhiều khoản chi đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế- xã hội vẫn chưa thể giải ngân, vẫn còn tình trạng "no dồn, đói góp" của chi đầu tư.
Ông Phớc nhấn mạnh vấn đề cốt lõi là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, vì vậy chính sách tài khoá chỉ là một trong những giải pháp giải quyết khó khăn. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như chính sách tiền tệ, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Theo Bộ trưởng, cần thực hiện tốt chính sách tài khóa năm 2023 trong bối cảnh thế giới phức tạp và nền kinh tế chưa thực sự có những đột phá về mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ rất khó khăn. Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách, bên cạnh việc triển khai các giải pháp tài khóa hỗ trợ người dân, DN.