Nhiều nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến triển vọng kinh tế Việt Nam, cơ chế ưu đãi thuế, chính sách thu hút vốn và công tác nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong những năm qua, bất chấp những "cơn gió ngược" của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam nổi lên là một quốc gia với triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc, ổn định, lạm phát được kiềm chế.
Tăng trưởng xuất khẩu thông qua đa dạng hóa đối tác và ngành hàng; thu hút FDI thông qua các cơ chế chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư; tăng trưởng cầu nội địa nhờ vào thị trường gần 100 triệu dân với khả năng chi tiêu được cải thiện; nợ công thấp, dư địa tài khóa dồi dào... là những lợi thế căn bản để Việt Nam duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Năm 2023, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 5%; dự báo cả năm lạm phát tăng 3,5% dưới mức mục tiêu 4,5%; bội chi ngân sách nhà nước ở mức khoảng 4,0% GDP, nợ công khoảng dưới 40% GDP; cả năm ước xuất siêu khoảng 15 tỉ USD. Tổng vốn FDI đăng ký hết tháng 9.2023 đạt 20,21 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện ước đạt 15,91 tỉ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Đã điều chỉnh giảm 4 lần liên tục các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2%/năm.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: "Với vị thế đầu tư chiến lược và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam vinh hạnh mời các nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt các nhà đầu tư Mỹ trở thành đối tác của Việt Nam để hiện thực hóa những triển vọng lớn lao mà Việt Nam sẵn có".
Chia sẻ về thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng Phớc nói Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển toàn diện nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ. Nhằm thực hiện những mục tiêu này, Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, phát triển các thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số.
"Chúng tôi sẽ thông tin đến các nhà đầu tư những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô, chính sách điều hành của Chính phủ, đồng thời sẵn sàng trao đổi, thảo luận và trả lời các quan tâm của các đại biểu nhằm tăng cường, kết nối giữa các nhà đầu tư Mỹ với Việt Nam, đồng thời triển khai thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ trong tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Theo ông Phớc, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm về các thông tin liên quan đến triển vọng kinh tế Việt Nam, cơ chế ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại thị trường Việt Nam và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là công tác nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Thị Chân Phương cũng đã chia sẻ về công tác nâng hạng, cũng như lợi ích, thách thức của việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Bà Phương cho biết việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán bao gồm thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp, cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, tác động tích cực đến quá trình cổ phần hóa của Chính phủ, gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới.
Những điều đó ảnh hưởng tích cực đến tính thanh khoản của thị trường chứng khoán và sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty.
"Việc nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ là nỗ lực của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà còn là nỗ lực chung của các thành viên thị trường. Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong triển khai giải pháp tháo gỡ các vấn đề về công tác nâng hạng thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là địa điểm đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước", bà Phương nhấn mạnh.