Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (Báo cáo EOR19) do Đại sứ quán Đan Mạch công bố vừa qua, việc triển khai các công nghệ tiết kiệm năng lượng có thể làm giảm phát thải CO2 hàng năm ở mức 83 triệu tấn vào năm 2030, và 237 triệu tấn vào năm 2050 trong các ngành điện, công nghiệp và giao thông vận tải.
Theo Báo cáo EOR19, các tác động kết hợp của giảm nhu cầu điện và sử dụng nhiệt điện đồng phát trong công nghiệp có thể giúp giảm đầu tư công suất lắp đặt các nhà máy điện mới, do nhu cầu sử dụng điện sẽ giảm 10% vào năm 2030 và 29% vào năm 2050 theo kết quả tính toán từ mô hình.
Việc triển khai các công nghệ tiết kiệm năng lượng có thể làm giảm tiêu thụ năng lượng cuối cùng ở mức 12% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050, chủ yếu là giảm tiêu thụ dầu trong giao thông vận tải và tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp và sinh hoạt.
Đặc biệt, kết quả tính toán từ mô hình còn cho thấy việc triển khai các công nghệ tiết kiệm năng lượng có thể làm giảm phát thải CO2 hàng năm ở mức 83 triệu tấn vào năm 2030, và 237 triệu tấn vào năm 2050 trong các ngành điện, công nghiệp và giao thông vận tải.
Từ đó, Báo cáo EOR19 đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng tham vọng cần được ưu tiên hàng đầu trong Quy hoạch phát triển điện quốc gia 8 (QHĐ8). Cụ thể, Báo cáo EOR19 khuyến nghị QHĐ8 được xây dựng trong thời gian tới cần xem xét nghiêm túc vấn đề tiết kiệm năng lượng và tập trung vào khai thác tiềm năng kinh tế và môi trường của tiết kiệm năng lượng.
Kinh nghiệm thành công của một số quốc gia đó là khiến các công ty cung cấp năng lượng chịu trách nhiệm về mức tiết kiệm năng lượng, và đây có thể là một gợi ý cho Việt Nam trong việc đem lại các lợi ích tài chính cho cả các công ty cung cấp năng lượng, người tiêu dùng năng lượng, cũng như các lợi ích kinh tế cho xã hội nói chung.
Ngoài ra, trong khuyến nghị của Báo cáo EOR19 cũng đề cập tới việc tiếp tục triển khai và tăng cường chính sách tiết kiệm năng lượng hiện tại (VNEEP3). Để hoàn thành mục tiêu này, điều quan trọng là cần tiếp tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu, các tiêu chuẩn kinh tế nhiên liệu trong giao thông vận tải, thực hiện kiểm toán năng lượng và hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50.001 và những tiêu chuẩn tương tự)…
Khuyến nghị thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm hỗ trợ đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện đồng phát trong công nghiệp, ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng trong nước, ví dụ như sinh khối.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (Báo cáo EOR19) là một mốc quan trọng trong các hoạt động mô hình hóa các kịch bản dài hạn của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (DEPP) và hỗ trợ phát triển bền vững hơn hệ thống năng lượng của Việt Nam, thông qua việc thực hiện lập quy hoạch và xây dựng chính sách trên cơ sở tối ưu hóa chi phí.
Báo cáo EOR19 do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương Việt Nam xây dựng với sự hợp tác chặt chẽ của Cục Năng lượng Đan Mạch, và sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội; tư vấn tham gia dự án này là Viện Năng lượng và công ty EA Energy Analyses.
Thu Anh