Khi nguồn thu từ xuất khẩu tài nguyên và từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sụt giảm nặng nề, còn xuất khẩu thì đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do Mỹ thay đổi chính sách, thì khu vực tư nhân đang được xem là cứu cánh cho cả nền kinh tế Việt Nam.

Các động lực tăng trưởng chủ yếu đang dần cạn kiệt

Nhàn Đàm | 04/12/2016, 15:24

Khi nguồn thu từ xuất khẩu tài nguyên và từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sụt giảm nặng nề, còn xuất khẩu thì đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do Mỹ thay đổi chính sách, thì khu vực tư nhân đang được xem là cứu cánh cho cả nền kinh tế Việt Nam.

Bản báo cáo về triển vọng thị trường Việt Nam do HSBC công bố hôm 1.12 vừa qua đã chỉ ra một nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra đối với nền kinh tế, đó là việc tân tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện chính sách thương mại hạn chế ngay sau khi nhậm chức.

Nếu điều này xảy ra, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Mỹ hiện đang là thị trường quan trọng nhất chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế cảnh báo này của HSBC không mới, nó chỉ tăng thêm mức độ trầm trọng của một vấn đề đã được chỉ ra từ lâu: các động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam đang dần cạn kiệt.

Khi nguồn thu từ xuất khẩu tài nguyên và từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sụt giảm nặng nề, còn xuất khẩu thì đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do thay đổi chính sách của Mỹ, thì khu vực tư nhân đang được xem là cứu cánh cho cả nền kinh tế Việt Nam. Nhưng, khu vực này lại đang đứng trước nguy cơ gặt lúa non một cách ngày càng trầm trọng.

Đối với nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, cảnh báo của HSBC về nguy cơ chính phủ Mỹ sẽ thực hiện chính sách thương mại hạn chế là một điều rất đáng lo ngại. Hiện xuất khẩu vẫn đang là động lực tăng trưởng chủ đạo cho nền kinh tế Việt Nam, thậm chí là một chỉ số vĩ mô luôn gắn chặt với mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm: năm 2015 mục tiêu của Việt Nam là tăng trưởng GDP 6,7% còn tăng trưởng xuất khẩu là 10%; năm 2017 là 6,7% GDP và 6-7% xuất khẩu.

Nếu tân tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành các biện pháp thương mại hạn chế, nhắm vào các quốc gia đang có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ (trong đó có Việt Nam) thì gần như chắc chắn xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là khi thị trường Mỹ đang chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2016 của Việt Nam gần như chắc chắn sẽ không đạt được, khiến tăng trưởng GDP thấp hơn dự kiến, và việc xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh kể từ năm 2017 do Mỹ sẽ khiến kinh tế Việt Nam sụt giảm mạnh hơn nữa.

Điều này càng trở nên đáng lo ngại hơn khi hai động lực quan trọng khác của nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu tài nguyên và khu vực DNNN cũng đang ngày càng kém hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2016, thu ngân sách từ dầu thô giảm 42,4% so với cùng kỳ 2015 chủ yếu do giá dầu sụt giảm mạnh.

Xu hướng sụt giảm mạnh này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong vài năm tới do tình trạng dư thừa nguồn cung trầm trọng trên thị trường thế giới vẫn chưa có lời giải. Điều tương tự cũng diễn ra trong khu vực DNNN, khi theo số liệu của Bộ Tài chính thu ngân sách từ khu vực này đã giảm 1,8% so với cùng kỳ 2015 trong khi thu từ các khu vực khác trong nền kinh tế hầu hết đều tăng mạnh.

Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do khu vực DNNN hoạt động ngày càng kém hiệu quả, còn tiến độ cổ phần hóa thì chậm chạp và không thực chất. Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giai đoạn 2011-2015 toàn bộ số vốn thoái ra chỉ tương đương 2% tổng giá trị sổ sách của các DNNN, theoCafeF.

Điều này đồng nghĩa với việc, gánh nặng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế đang đặt nặng trên vai của khu vực doanh nghiệp tư nhân, kể cả khi xuất khẩu của Việt Nam có không bị ảnh hưởng từ sự thay đổi chính sách của chính phủ Mỹ sắp tới đi chăng nữa.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2016, trong khi thu ngân sách từ khu vực DNNN giảm 1,8% thì thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 19,6%, cao hơn mức 16% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Xu hướng tăng các nguồn thu nội địa để bù đắp lại các khoản thu từ xuất nhập khẩu sụt giảm do các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết đang khiến cho áp lực lên các doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM ngày 1.12 vừa qua, thì năm 2017 mức ngân sách thành phố được trung ương giao thu tăng 16,6% so với năm 2016, trong đó chỉ tiêu thu nội địa tăng 27,5% so với năm 2016 và đây là mức tăng kỷ lục, theoThe Saigon Times. Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, thì thu nội địa trước hết là đến từ sản xuất nên phải thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, có chính sách, cơ chế hỗ trợ đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, thành lập doanh nghiệp mới.

Tình trạng được trung ương giao tăng thu ngân sách trong năm 2017, trong đó chủ yếu là tăng thu nội địa một cách kỷ lục, có lẽ không chỉ diễn ra ở TP.HCM mà còn ở các thành phố đầu tàu kinh tế khác trên cả nước. Các doanh nghiệp trong nước dĩ nhiên là đối tượng chịu nhiều sức ép nhất từ tình trạng này, khi nguồn thu nội địa chủ yếu là đến từ khu vực này.

Dĩ nhiên, nguồn thu không tự nhiên tăng thêm, và đó có lẽ là lý do vì sao TP.HCM cũng như các thành phố khác đều đang đặt ra mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2017, tại TP.HCM mục tiêu đặt ra là thành lập mới 50.000 doanh nghiệp trong năm nay.

Điều này đang khiến cho khu vực doanh nghiệp còn rất yếu ớt của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị gặt lúa non một cách nghiêm trọng. Không phải cứ có nhiều doanh nghiệp mới thành lập là có thể tăng nguồn thu. Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp mới thành lập trụ lại được sau năm đầu tiên, và phần lớn trong số đó chưa có lợi nhuận đủ để nộp thuế trong ít nhất là 1 năm đầu.

Trong khi đó, tình hình đối với các doanh nghiệp đang hoạt động cũng không khấm kháhơn: theo báo cáo của đại học Fulbright, hiện có tới 58% doanh nghiệp tư nhân không có thu nhập để nộp thuế. Ngoài ra quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có xu hướng teo tóp lại khi ở thời điểm năm 2009 bình quân 1 doanh nghiệp sử dụng 40 lao động, thì đến năm 2015 chỉ còn bình quân khoảng 26 người, theoCafeF.

Nói cách khác, tỷ lệ tăng thu nội địa (phần lớn nhắm đến các doanh nghiệp) một cách kỷ lục mà trung ương đang giao nhiệm vụ cho các tỉnh thành trên cả nước dường như không tương xứng với sự phát triển có phần khiêm tốn của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Rõ ràng là không hợp lý khi mà các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng cho các doanh nghiệp từ phía Nhà nước thời gian vừa qua rất nhỏ giọt, trong khi đó mục tiêu thu ngân sách từ khu vực này lại quá cao. Điều này gần giống như một sự gặt lúa non đầy rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam về lâu dài.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
44 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các động lực tăng trưởng chủ yếu đang dần cạn kiệt