Từ cuối năm 2015, lãi suất tiền gửi được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng, và đến nay làn sóng tăng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, đã có gần 30 ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới.
Ngày 24.2 vừa qua, Ngân hàng (NH) TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo đẩy mạnh chương trình khuyến mãi huy động vốn với lãi suất cách biệt. Theo đó, khách hàng tham gia chương trình khuyến mãi “gửi dài lâu, thêm tài lộc” kỳ hạn từ 15 tháng trở lên có thể hưởng lãi suất 8%/năm.
Không kém cạnh, NH TMCP Phương Đông (OCB) mới đây cũng áp dụng biểu lãi suất mới với mức huy động cao nhất là 8%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Mức lãi suất ở kỳ hạn 12-24 tháng cũng rất cao so với mặt bằng chung, từ 7,2-7,8%/tháng.
NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng áp dụng mức lãi suất tiền gửi lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 200 tỉ đồng trở lên…
Trong khi đó, NH TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã tăng lãi suất huy động thông qua hình thức là thêm 0,3%/năm so với lãi suất thông thường khi khách hàng gửi tiền từ 6 tháng trở lên. Hiện tại, mức lãi suất tối đa tại nhà băng này là 7,5%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 tháng.
Đáng chú ý, không chỉ các ngân hàng cổ phần như VIB, VP Bank, PVcombank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank… mà ngay cả các “ông lớn” như VietinBank, Agribank, BIDV cũng lần lượt điều chỉnh tăng lãi suất huy động. VietinBank đã tăng lãi suất tiền gửi lên 7%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Đây là mức cao nhất trong khối các ngân hàng quốc doanh tính đến thời điểm hiện tại.
Hay như BIDV, ngân hàng này đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,5% so với mức 5,3% trước đó. Kỳ hạn 9 tháng và kỳ hạn 364 ngày cũng được BIDV điều chỉnh tăng thêm 0,1%, lên 5,5% và 6,1%.
Các ngân hàng nước ngoài như HSBC, Standard Chartered, ANZ, Citibank... cũng không nằm ngoài “làn sóng” này.
Theo thống kê, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đang phổ biến từ 4,5-5,4%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến từ 5,4-6,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Như vậy, với việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động như hiện nay, kỳ hạn dưới 6 tháng của nhiều ngân hàng đã chạm trần quy định (5,5%/năm) nếu tính cả chương trình khuyến mãi, lãi suất thưởng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh TP.HCM, việc nhiều ngân hàng thương mại tăng cao lãi suất tiền gửi thời gian gần đây một phần là cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn. Trước đây, kỳ hạn dưới 6 tháng huy động nhiều, trong khi từ 6 tháng trở lên thì rất ít. Vì vậy, phải khắc phục tình trạng đó thì mới cân đối được với lãi suất cho vay. Được biết, nhu cầu vay vốn trung - dài hạn gần đây cũng các ngân hàng tăng khá mạnh.
Đồng thời, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng từ 18-20% được đánh giá là khá cao so với hiện tại. Do đó, ngay từ đầu năm, các ngân hàng phải đẩy mạnh tín dụng nên cần tăng huy động vốn.
Trước tình trạng tăng nóng lãi suất huy động đe dọa đến mặt bằng lãi suất cho vay thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng phải áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng cũng không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định của NHNN về thu phí cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của NHNN về lãi suất huy động và cho vay, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Phan Diệu