Ngoài chuyện đề phòng bị móc túi, nhiều nữ sinh viên đi xe buýt còn luôn cảnh giác “cao độ” khi những nam giới đứng sát mình. Còn những phụ nữ lớn tuổi lại chuẩn bị những cách phòng ngừa để chống “người lạ”!
Nhìn đâu cũng thấy ma cô, biến thái
Cảnh giác luôn là tâm trạng thường trực của những người chọn phương tiện xe buýt lưu thông. Lúc lo bị móc túi, bùa ngải, khi lại sợ bị sàm sỡ và nhiều chiêu trò khác của kẻ xấu.
Anh Nguyễn Đức Nam (quận Tân Phú) kể: Có lần anh đi xe đò vào Bến xe Miền Đông và có quen với một vị khách đồng hành lớn tuổi trên xe. Khi biết người này về phòng trọ của con ở gần Bến xe An Sương (Q.12) nên hướng dẫn tận tình. Thế nhưng, anh nhận lại ánh mắt chẳng mấy thiện cảm vì nhiều người tưởng anh là... ma cô.
Còn Bùi Thị Mỹ L. (sinh viên ĐH Sài Gòn) nhớ lại: “Hôm ấy, khoảng 19 giờ, em đang trên đường về nhà tại Q. Thủ Đức trên chiếc xe buýt chạy tuyến số 8 rất đông khách. Chen chúc cùng nhiều người khác trên xe, em bỗng giật mình vì thấy có gì lạ lạ... từ phía sau, đặc biệt lúc xe chao đảo. Một lát sau quay nhìn lại, kẻ biến thái đó lại làm ra vẻ tỉnh bơ, vô tình”.
Đánh vào tâm lý, một nhóm thanh niên đã lợi dụng để quấy rối sinh viên nữ và phụ nữ trên một số tuyến xe buýt. Ngoài ra, với tâm lý thường sợ xấu hổ của chị em, những kẻ xấu thường cố tình mà không sợ bị ai lên tiếng phản ứng trước những hành vi thiếu văn hóa đó.
Khi chúng tôi hỏi một bạn nữ tên L. từng bị sàm sỡ rằng: Sao không la lên thì bạn trả lời: “Em là con gái, chuyện này mà la lên thì chỉ em xấu hổ chứ tụi nó đâu có sao mà la?”
Sợ... bùa mê thuốc lú
Không phải riêng L., nhiều nữ sinh khác cũng chỉ biết đỏ mặt, xấu hổ né tránh hoặc đi chỗ khác đứng và giả vờ tâm sự với một bạn nữ khác. Thường xuyên ngủ gật trên xe buýt, Lâm Thanh Trúc (sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) từng một phen “hú vía” vì anh chàng đẹp trai bên cạnh. Trúc bị làm phiền và khi biết được người ngồi cạnh mình là kẻ xấu, cô chỉ còn cách xuống trạm dừng gần nhất để đón xe khác.
Ngoài ra, có rất nhiều hành khách xe buýt không bao giờ “tiếp chuyện” với mọi người xung quanh. Nếu có người hỏi, họ chỉ gật đầu và lắc đầu cho qua, thậm chí một số người sợ bị “bỏ bùa mê” đến nỗi khi có ai vô tình chạm tay vào vai, cánh tay thì họ vội vã “đập nhẹ” lại vào người họ để “giải bùa”. Đó là câu chuyện “giải bùa mê” trên xe buýt được người dân rỉ tai nhau khá nhiều.
Bà T. (ngụ tại Q. 12) cũng thường... giải bùa chú theo cách này: “Đi xe buýt gặp ai đó chạm vào người mình thì mình phải đụng lại họ ngay, không là mê muội liền, rồi nó bảo làm gì cũng làm theo nó thì khổ. Nếu con mà gặp những trường hợp như vậy, tốt nhất là phản ứng ngay chứ đừng để lâu thì không phản ứng trở lại kịp đâu”, bà T. chia sẻ rất kỹ cho chúng tôi khi biết chúng tôi cũng là khách thường xuyên đi xe buýt.
Hài hước nhất là câu chuyện của cô sinh viên Nguyễn Kim H. (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn). Sống tại Bình Dương với mẹ, mỗi sáng H. phải đi xe buýt từ Bình Dương lên trường gần ngã tư Tôn Đức Thắng – Đinh Tiên Hoàng – Lê Duẩn (Q.1). Lo sợ con gái bị “bỏ bùa mê thuốc lú” trên đường đi, mẹ của H. thường “lén” bỏ hành, tỏi vào cặp cho con gái phòng thân sợ lỡ xui rủi… gặp phải kẻ xấu bỏ tà.
Theo Nguyễn Hằng - Nguyễn Văn- Lệ Huyền/ Báo Giao Thông